Nó là một trong những nguyên nhân “giữ chân” rác thải bủa vây thành phố Hoà Bình vì công trường làm đường bị sạt lở, đất đá đang bịt kín lối vào nhà máy xử lý rác.
Những ngày đầu tháng 10/2022, PV VietNamNet đã tận mắt chứng kiến hiện trường thi công tuyến đường có chiều dài 3km nằm cuối xã Thịnh Minh, xa khu dân cư và chạy đến cổng Nhà máy xử lý rác thải Bắc Việt.
Công trình vẫn đang ở giai đoạn san đồi, bạt đất để hạ độ cao; đất đá ngổn ngang, không có lối đi…
Nếu không có bảo vệ nhà máy ra dẫn đường, chúng tôi không nghĩ rằng, phía sau chiếc máy xúc đang đứng chắn ngang đường và “nằm im” bất động như vậy nhiều ngày qua là một nhà máy xử lý rác thải có tên Bắc Việt được khánh thành vào đầu năm 2019.
Lối vào cổng nhà máy là khu đất sạt lở chất thành đống, xe xúc xúc thành một khe nhỏ rộng hơn 1m để làm lối đi cho bánh xích. Không một phương tiện nào có thể vào được hiện trường sụt lún, đất đỏ đặc quánh và nhanh chóng biến thành bùn khi gặp mưa.
Hai bên mép đồi đã được hạ độ cao thành đường, những mảng bê-tông nham nhở. Đó là dự án kè cứng bằng bê tông đúc sẵn ghép lên thành đồi, nhưng trận mưa lớn đã xối tung khiến nó bong tróc thành từng mảng, trôi đầy dưới chân.
Anh Nguyễn Văn Toàn – công nhân và cũng là bảo vệ nhà máy chế biến rác thải Bắc Việt cho biết: con đường vào nhà máy rác trước đó ở vị trí cao hơn khu vực chiếc máy xúc đang án ngữ khoảng 3m. Đây là đường nội bộ, được nhà máy rác xây dựng, thi công.
Cuối năm 2021, tỉnh Hoà Bình triển khai dự án xây dựng tuyến đường mới dài 3km đi qua nhà máy, nó đã “nuốt chửng” con đường cũ, khiến nhà máy bị bít lối, không có lối vào.
Từ thời gian đó đến nay, nhà máy xử lý rác thải Bắc Việt bị cô lập như ốc đảo; đường vào nhà máy đã bị phá nát do việc khoét đồi, hạ độ cao để làm con đường mới gây sạt lở. Xe rác không vào được, cùng với sự cố máy phát điện và việc nhiều người dân phản đối... nhà máy xử lý rác thải Bắc Việt buộc phải dừng hoạt động từ tháng 6/2020 cho tới nay.
Nhà máy hiện đại thành bãi sắt rỉ
Chỉ vào hệ thống dây chuyền xử lý rác; những khu xưởng được xây dựng khép kín, chắc chắn…, anh Toàn xót xa cho biết: kể từ khi nhà máy dừng hoạt động cho đến nay, máy móc, phương tiện, thiết bị đã rỉ sét, xuống cấp, hư hại nghiêm trọng.
Nếu hoạt động trở lại, sẽ phải trùng tu bảo dưỡng hầu như toàn bộ, vừa mất thời gian, vừa gây thiệt hại cho chủ đầu tư.
Theo quy hoạch, dự án nhà máy xử lý rác thải Bắc Việt được UBND tỉnh Hoà Bình giao diện tích đất trên 10ha, nhưng đến thời điểm hiện tại, Công ty Bắc Việt mới được nhận 1,5ha. Toàn bộ khu đất này được xây dựng 3 khu xưởng chính, tương ứng với các khu vực: khu phân loại rác; khu chế biến rác; khu xử lý lò đốt rác.
Từ cổng nhà máy, mất quãng đường gần 1km mới bắt gặp nhà dân đầu tiên của xã Thịnh Minh. Xung quanh nhà máy rác là những khu đồi trồng cây sản xuất của người dân trong xã. Theo quy định “khu vực xử lý rác cách nhà dân tối thiểu 500m”, nhà máy rác Bắc Việt được coi là ở vị trí heo hút vì xung quanh không có dân cư.
Giải đáp vì sao nhà máy vừa hoạt động đã dừng vận hành, bà Nguyễn Thị Thu Ngọc, GĐ Cty Bắc Việt cho biết: trước tiên vì nguyên nhân khách quan, máy phát điện gặp sự cố; chủ dự án phải tự bỏ tiền làm đường điện vào nhà máy để sản xuất, tuy nhiên sau đó Điện lực Hoà Bình ngừng cấp điện, cắt nguồn điện sản xuất cho đến tận bây giờ.
Việc nước rỉ rác rơi vãi ra đường gây ô nhiễm, người dân chặn đường không cho xe rác chạy thuộc trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển chứ không phải của Bắc Việt. Tuy nhiên, người dân đã hiểu lầm rằng, đó là lỗi của dự án xử lý rác thải. Dân chặn đường không cho xe rác qua khiến rác ùn ứ khắp nơi ở TP Hoà Bình trong suốt 2 năm qua.
Chưa hết, con đường thi công sát nhà máy xử lý rác Bắc Việt chậm tiến độ tiếp tục là một lý do khiến đường vào nhà máy bị bít, xe rác không vào được. Không có rác, nhà máy tiếp tục buộc phải đóng cửa” – bà Ngọc lý giải.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hoà Bình Bùi Quang Điệp giải thích: Các đơn vị của Hoà Bình đã tổ chức hơn 40 cuộc làm việc với công ty Bắc Việt để thống nhất, tìm cách gỡ rối. Tỉnh yêu cầu chủ đầu tư nâng cấp, xây dựng giai đoạn 2 của dự án, nâng công suất để đáp ứng xử lý lượng rác ùn ứ 2 năm qua.
“Đi tiếp xúc cử tri, cử tri hỏi vấn đề rác thải sinh hoạt không có lối ra, tôi rất xấu hổ và chỉ biết xin lỗi bà con. Tỉnh, thành phố cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho công ty Bắc Việt để nhà máy sớm hoạt động, đi vào vận hành để tháo gỡ vấn đề rác thải sinh hoạt” – ông Điệp cho hay.
Tuy nhiên, trước câu hỏi tuyến đường 3km thi công chậm tiến độ; gây sạt lở trước cổng nhà máy rác khiến xe chở rác không đi lại được, ông Điệp cho biết đó là… nguyên nhân khách quan, mưa lớn khiến đồi sạt lở.
“Nhà máy của cô Ngọc cứ nâng cấp, hoàn thiện theo yêu cầu của liên ngành thì rác vẫn là của nhà máy. Chúng tôi liên hệ khắp nơi, sang cả Sơn La để nhờ xử lý rác nhưng không bên nào nhận” – ông Điệp nói.
Theo đại diện Công ty, nhà máy xử lý rác Bắc Việt hiện đang là nhà máy “3 không”: Không đường vào; không điện sản xuất; không có rác để xử lý.
"Hai năm qua, những trở ngại trên đã gây xáo trộn hoạt động của nhà máy, chúng tôi chưa có bất kỳ nguồn thu nào từ khi nhà máy hoạt động nhưng vẫn gồng lên để nhà máy hoạt động. Chúng tôi kiến nghị chính quyền có các giải pháp gỡ rối để nhà máy có đường vào, có điện sản xuất… từ đó sẽ giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt của thành phố” – GĐ Công ty Bắc Việt nói.
Trong lúc nhà máy xử lý rác Bắc Việt tạm dừng hoạt động, Chủ tịch tỉnh Hoà Bình cho phép UBND thành phố nghiên cứu, lập phương án đổ rác trên đỉnh đồi xóm Can, xã Độc Lập. Ngoài vị trí này, con đường Trương Hán Siêu, Khu công nghiệp Mông Hoá hay bãi đất ven cao tốc Hoà Lạc - Hoà Bình đang chất đống cả vạn tấn rác thải trong thời gian dài.