Ngày 2/11, Trung Quốc yêu cầu phong tỏa 7 ngày đối với Khu vực Kinh tế sân bay Trịnh Châu, nằm ở tỉnh Hà Nam. Nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới được đặt tại đây. Cư dân bị cấm ra ngoài và chỉ những phương tiện được phê duyệt mới có thể di chuyển cho đến khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào ngày 9/11.
Tuần trước, Foxconn cho biết hoạt động sản xuất tại nhà máy Trịnh Châu tương đối ổn định và duy trì các biện pháp an toàn cho nhân viên.
Trịnh Châu đang đối mặt với làn sóng Covid-19 mới. Thành phố đã phong tỏa một số quận khi Trung Quốc tiếp tục chính sách zero-Covid, dùng xét nghiệm và phong tỏa để cố gắng kiềm chế virus.
Cũng trong ngày 2/11, nhà chức trách địa phương thông báo sẽ khử khuẩn khuôn viên nhà máy của Foxconn và khu vực lân cận trong 3 ngày tiếp theo, đồng thời gửi khẩu trang N95 cho công nhân.
Bloomberg nhận định đây là lời nhắc nhở sắc bén đối với Apple khi quá phụ thuộc vào “công xưởng thế giới”. Cổ phiếu công ty giảm 3,7% vào hôm qua. Theo nhà phân tích Nicole Peng của Canalys, nhà máy Trịnh Châu đóng vai trò quan trọng trong việc tăng công suất cho Apple trước mùa mua sắm cuối năm. Những đơn hàng phát sinh trong các chiến dịch khuyến mãi có thể không được giao ngay. Một số kênh vận chuyển cũng có thể bị trì hoãn.
Hiện tại, nhà máy Foxconn đang hoạt động trong vòng tròn khép kín, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài. Dù vậy, Foxconn không trả lời các câu hỏi về cách vận chuyển hàng hóa ra/vào khu vực phong tỏa.
Theo nhà phân tích Ivan Lam của Counterpoint, Trịnh Châu sản xuất phần lớn iPhone 14 Pro. iPhone đóng góp một nửa doanh thu Apple và việc phong tỏa diễn ra giữa mùa cao điểm sản xuất sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh những tháng cuối năm của hãng.
Vào mùa cao điểm, Apple sản xuất hàng chục triệu iphone mỗi tháng – tức hàng trăm ngàn máy mỗi ngày. Mỗi máy lại cần hàng loạt linh kiện khác nhau từ chip, màn hình đến vỏ. Một nguyên nhân chính khiến các nhà cung ứng Apple chưa chuyển nhiều dây chuyền sản xuất iPhone hơn ra khỏi Trung Quốc là vì chuỗi cung ứng đi kèm. Theo chuyên gia Lam, ngay cả Ấn Độ - quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc có nhà máy đủ năng lực sản xuất iPhone 14 Pro – cũng phải lấy linh kiện từ đại lục và chỉ thực hiện khâu lắp ráp, đóng gói cuối cùng.
Mọi thứ sẽ phụ thuộc lớn vào thời gian phong tỏa. Theo kế hoạch, đợt phong tỏa kết thúc vào ngày 9/11 song một số quan chức trên cả nước có lúc đã kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
Các doanh nghiệp quan trọng sẽ được chính quyền “bật đèn xanh” trong thời gian phong tỏa, song với quy mô logistics khổng lồ, chắc chắn chuỗi cung ứng của Apple không tránh khỏi gián đoạn. Foxconn cũng đang tìm mọi cách giữ chân công nhân tại nhà máy. Dù Foxconn có thể có đủ nguyên vật liệu để duy trì sản xuất trong vài tuần, câu hỏi đặt ra là họ có thể xuất xưởng thành phẩm hay không. Thông báo phong tỏa của Trịnh Châu nêu rõ cấm mọi hoạt động của người và phương tiện, trừ các hoạt động thiết yếu như vận chuyển vật tư y tế. Ngoài ra, lượng nguyên vật liệu tồn kho của Foxconn cũng sẽ đến lúc cần bổ sung.
Foxconn đang tìm cách giảm thiểu nguy cơ gián đoạn sản xuất bằng cách tăng lương và phân bổ sang các nhà máy khác ở Trung Quốc. Apple có thể nhận 100% đơn hàng iPhone 14 và các iPhone đời cũ từ các cơ sở khác nhưng chỉ có số ít nhà máy sản xuất được iPhone 14 Pro. Bên cạnh đó, vài nhà máy vẫn chưa hoạt động hết công suất vì nhiều lý do, trong đó có Covid-19.
Du Lam (Theo Bloomberg, CNBC)