Hãng thông tấn Mehr trích dẫn lời Nasser Kanani, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran ngày 3/10 cho hay: "Quốc gia Hồi giáo Iran coi các thông tin về việc chuyển giao UAV cho Nga để phục vụ chiến dịch quân sự ở Ukraine là vô căn cứ và không xác nhận điều đó. Kể từ đầu cuộc xung đột, chúng tôi luôn công bố chính sách rõ ràng và có nguyên tắc của mình, dựa trên sự trung lập tích cực, phản đối chiến tranh và sự cần thiết phải có một giải pháp chính trị cho xung đột giữa hai bên cũng như tránh sử dụng bạo lực".
Người phát ngôn Iran cáo buộc chiến sự Nga - Ukraine là "hậu quả của các hành động khiêu khích từ NATO", đồng thời khẳng định Tehran ủng hộ mọi nỗ lực dàn xếp một thỏa thuận hòa bình.
Trước đó, Ukraine ngày 23/9 đã trục xuất đại sứ Iran để đáp trả những gì Kiev mô tả là "hành động không thân thiện" của quốc gia Hồi giáo. Động thái diễn ra sau khi giới truyền thông đưa tin, quân Nga đã sử dụng nhiều UAV tấn công tự sát, trông giống mẫu Shahed-136 do Iran chế tạo, để tập kích các mục tiêu Ukraine ở Odessa. Vào thời điểm đó, ông Kanani nói, Tehran lấy làm tiếc về quyết định của Kiev và sẽ có "phản ứng thích hợp".
Theo đài RT, dù các UAV phía Nga dùng ở Ukraine có vẻ ngoài giống mẫu Shahed của Iran, nhưng các mảnh vỡ thu được tại hiện trường cho thấy phần chữ in bằng ký tự Cyrillic (bảng chữ cái tiếng Nga) và tên tiếng Nga "Geran-2" (Phong lữ 2) ở đuôi. Moscow tin, các cáo buộc rằng Iran bán UAV chiến đấu cho Nga bắt nguồn từ Mỹ, nước đã viện trợ cho Ukraine hàng trăm chiếc UAV tự sát Switchblade và Phoenix Ghost để chống lại quân Nga.
EU lên kế hoạch huấn luyện 15.000 lính Ukraine
Tạp chí Spiegel của Đức ngày 3/10 đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ giúp huấn luyện 15.000 binh sĩ Ukraine. Theo tờ báo, các quốc gia thành viên EU đã nhất trí số binh sĩ Ukraine nói trên phải trải qua khóa huấn luyện ở nước ngoài càng sớm càng tốt, trong đó 3.000 binh sĩ sẽ được huấn luyện chiến đấu đặc biệt dành cho các vị trí chỉ huy và tham gia các khóa học dành cho kỹ sư phục vụ quân đội.
Các kế hoạch cho sứ mệnh nói trên dự kiến sẽ được thực hiện sớm nhất vào giữa tháng 10.
Hôm 30/8, Josep Borrell, cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU từng bày tỏ hy vọng các bộ trưởng quốc phòng của liên minh sẽ đạt được một thỏa thuận chính trị về việc đào tạo các lực lượng Ukraine. Hồi giữa tháng 9, các ngoại trưởng Pháp, Đức và Ba Lan cũng tuyên bố, EU cần thiết lập sứ mệnh huấn luyện binh lính Ukraine và giúp quốc gia Đông Âu này bảo trì khí tài.
Kể từ khi chiến sự bùng phát ngày 24/2, Mỹ, EU và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng toàn diện chống Moscow đồng thời tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev, cử người huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng khí tài mới chuyển giao. Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không can dự thêm vào cuộc xung đột.
Tuấn Anh