Đài RT dẫn lời Tổng chưởng lý Iran Mohammad Jafar Montazeri lên tiếng xác nhận, động thái trên diễn ra vào cuối tuần trước. Quan chức này cho biết thêm, mặc dù đã bãi bỏ các đơn vị cảnh sát đạo đức nhưng nhà chức trách sẽ “tiếp tục giám sát các hành vi đạo đức ở cấp độ cộng đồng”.
Hôm 1/12, ông Montazeri từng tuyên bố, giới chức Iran đang cân nhắc liệu có cần thay đổi luật yêu cầu phụ nữ che đầu hay không.
Iran thành lập lực lượng cảnh sát đạo đức vào năm 2005, nhằm kiểm soát cách mọi người tuân thủ các quy tắc đạo Hồi về trang phục và hành vi ứng xử. Lực lượng này đã bị Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh áp trừng phạt sau khi một phụ nữ 22 tuổi có tên Mahsa Amini, người bị bắt ở Iran hôm 16/9 vì cáo buộc đeo khăn trùm đầu “không đúng cách”, tử vong vài giờ sau đó.
Iran đã chứng kiến nhiều tuần biểu tình bạo lực kể từ giữa tháng 9 do cái chết của Amini. Nhà chức trách tuyên bố Amini thiệt mạng vì mắc bệnh trước đó, nhưng gia đình quả quyết cô đã bị đánh đến chết trong trại giam.
Theo số liệu do Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran công bố, các cuộc bạo loạn đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người. Đầu tuần trước, Chuẩn tướng Amirali Hajizadeh thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran nhận định, số người tử vong vì bất ổn đã lên tới “hơn 300 người”.
Tehran cáo buộc các nước khác, đặc biệt là Mỹ và Israel, kích động bạo lực và âm mưu gây bất ổn ở Iran.