Hai đường bay vẫn hạn chế khách
Tại hội thảo “Hợp tác hàng không - du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu”, diễn ra chiều 27/12 tại TP. Đà Nẵng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, sau khi mở cửa (15/3), du lịch Việt Nam dần hồi phục, nhất là du lịch nội địa, khi đón được 101,3 triệu lượt khách trong năm 2022.
Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế, với khoảng 3,5 triệu lượt khách, đạt trên 70% so với kế hoạch.
Lý do khiến khách quốc tế đến Việt Nam chưa được như kỳ vọng, theo ông Khánh, bởi thời gian mở cửa đến nay chưa phải mùa du lịch quốc tế (cao điểm từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm); chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau,... Ngoài ra, sau đại dịch, du lịch Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt về điểm đến, về sản phẩm dịch vụ du lịch trong thu hút khách nước ngoài.
Do đó, Tổng cục trưởng cho rằng, du lịch Việt Nam đang cần những cơ chế, chính sách đột phá hơn liên quan đến thủ tục nhập cảnh, thị thực; kết nối vận tải - hàng không, đường bộ; quảng bá xúc tiến du lịch,...
Ông Bùi Minh Đăng, Phó phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, đến nay, hơn 63 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác trên 154 đường bay quốc tế kết nối 26 quốc gia, vùng lãnh thổ đến 5 điểm của Việt Nam.
Việt Nam đã khôi phục gần như toàn bộ mạng đường bay quốc tế so với thời điểm trước dịch (năm 2019), chỉ còn thị trường Nga bị đóng băng và thị trường Trung Quốc đang còn hạn chế về tần suất khai thác (16 chuyến bay/tuần cho mỗi bên).
Cái 'bắt tay' cần thiết
Ông Bùi Minh Đăng thông tin, thời gian tới, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, trao đổi, làm việc với các nhà chức trách hàng không Trung Quốc, Ấn Độ tạo điều kiện về mặt pháp lý cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đến các quốc gia này; trước mắt là xem xét, tăng tần suất cho các hãng hàng không trên các đường bay giữa hai nước.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với Tổng cục Du lịch trong việc phát động các thị trường khách nguồn, hợp tác hàng không - du lịch và đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn sau đại dịch để kích cầu du lịch quốc tế.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay, theo ước tính của doanh nghiệp lữ hành, giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí chương trình du lịch. Do đó, hàng không và du lịch cần hợp tác chặt chẽ để đem tới sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm du lịch, giá cả phù hợp với đối tượng khách hàng, ông nhấn mạnh.
Đó là những combo du lịch chất lượng phù hợp với xu hướng hiện tại, khi khách du lịch có tâm lý tiết kiệm chi tiêu, luôn muốn có được một tour nghỉ dưỡng giá cả hợp túi tiền.
Vị Tổng cục trưởng đề nghị ngành hàng không và du lịch tiếp tục “bắt tay”đầu tư, xây dựng các gói sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác, làm mới dòng sản phẩm du lịch chủ đạo. Trong đó, gồm du lịch biển đảo; du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (du lịch MICE).
Ngoài ra, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng cần được quan tâm, đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.
“Giờ là lúc ngành du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh", ông Khánh nói.