Điểm đến ‘hot’ sau dịch Covid
Một chiều thu tháng 11, tại vịnh Lan Hạ (Hải Phòng), đông đảo khách quốc tế xếp hàng trên cầu tàu, chờ đến lượt chèo kayak hoặc lên đò thăm hang Sáng Tối. Phần lớn khách đến từ châu Âu, Mỹ, nhưng trong số đó, không ít du khách là người Ấn Độ, Singapore hay Hàn Quốc...
Trò chuyện với PV. VietNamNet, Akash (45 tuổi) - một du khách Ấn Độ -cho hay, đoàn của ông gồm 8 thành viên, đã bay thẳng đến TP. Đà Nẵng tắm biển, khám phá Bà Nà Hills,… Sau khi ghé thăm Hạ Long và Lan Hạ, những vị khách này di chuyển về Hà Nội.
“Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Phong cảnh tại đây thật tuyệt vời. Con người vui vẻ, thân thiện. Tôi đặc biệt thích Đà Nẵng”, Akash nói.
Là chủ công ty lữ hành kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Lan Hạ, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, chia sẻ, cuối năm, khách quốc tế rất nhộn nhịp. Lượng khách nước ngoài năm nay của Lux Group, tuy bằng một nửa so với năm 2019, nhưng có sự đóng góp đáng kể từ dòng khách Ấn Độ, Trung Đông nhờ một loạt đường bay thẳng mới mở và khách truyền thống (Đức) tăng trưởng sớm.
Việt Nam đang là điểm đến “hot” của nhiều du khách Ấn Độ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 11, Việt Nam đón được 27 nghìn lượt khách, tăng 31% so với tháng trước và cao hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. 11 tháng năm nay, tổng số khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt 109 nghìn lượt, xếp thứ 9 trong 10 thị trường gửi khách đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng khách đạt bình quân 49%/tháng.
Trong năm 2022, khi các thị trường khách chủ lực của Việt Nam như Trung Quốc vẫn “đóng băng”, Hàn Quốc mới dần hồi phục nhưng cũng chỉ đạt 10% so với năm 2019, Nhật Bản chưa có nhiều khách tour đoàn, khách Nga vắng bóng,… thì kết quả trên cho thấy sức bật mạnh mẽ từ các thị trường tiềm năng, nếu biết cách khai thác.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, kể câu chuyện một đơn vị lữ hành nhỏ ở Hà Nội, thông qua mạng xã hội, tiếp cận được thị trường ngách rất quan trọng là Haiti. Doanh nghiệp đã đón được đoàn khách gần 20 người, tham gia một hành trình khám phá Việt Nam trong vòng 39 ngày.
“Sau dịch, khách quốc tế có nhu cầu, thị hiếu khác nhau, việc nắm bắt được là rất quan trọng. Các doanh nghiệp cần quan tâm, tìm hiểu nhiều hơn những thị trường ngách, thị trường mới như Mông Cổ, Ấn Độ, Trung Đông, Nam Mỹ,… Nếu tiếp cận tốt thì cơ hội thành công lớn”, ông phân tích. Khi có thị trường ngách và sản phẩm đặc thù cho thị trường này, lợi nhuận thu về sẽ cao.
Theo ông Tuấn, Việt Nam có thế mạnh về tự nhiên, về văn hóa để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu mới của khách. Từ đó, tiếp cận khách quốc tế thông qua mạng xã hội, ứng dụng số, xúc tiến quảng bá…
Tăng tốc và tạo đà bứt phá
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 11/2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng vọt với 569,9 nghìn lượt, tăng 23,2% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng năm nay, có trên 2,95 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy cả năm chưa đạt mục tiêu 5 triệu khách quốc tế, nhưng kết quả này chứng tỏ sự nỗ lực của nhiều bên trong việc tìm kiếm thị trường.
Điển hình như, sau Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF), Quảng Ninh liên tiếp đón các đoàn khách quốc tế lớn như đoàn 150 khách Hàn Quốc, 650 khách Malaysia hay 150 khách Pháp nghỉ đêm trên du thuyền cao cấp ở vịnh Hạ Long... Đây là bước đà quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, đạt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách trong năm nay.
Ghi nhận sau khi trở về từ Hội chợ Du lịch thế giới - World Travel Market (WTM London 2022) diễn ra đầu tháng 11 tại Anh, ông Phạm Hà thông tin, Việt Nam là một trong những điểm đến được khách Âu yêu thích sau Covid-19. Khách quan tâm đến sản phẩm mới, trải nghiệm mới “hậu Covid” gắn với thiên nhiên, sức khỏe, tuân thủ các chứng chỉ về du lịch phát triển bền vững…
Tuy nhiên, năm 2022, các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ chưa kịp phục hồi do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, tình hình kinh tế khó khăn do suy thoái, lạm phát, sức tiêu dùng còn yếu và khách ưu tiên lựa chọn các tuyến điểm gần.
Do vậy, ông Phạm Hà cho rằng, mục tiêu 5 triệu khách của Việt Nam năm nay tuy không đạt, nhưng qua đó, cần coi trọng vấn đề doanh thu hơn là chỉ nhìn vào số lượng.
Trong khi đó, cùng bối cảnh nhưng Thái Lan đón được 10 triệu lượt khách quốc tế. Ông Hà lý giải, đó là nhờ họ có cách làm tốt hơn, lại được hỗ trợ từ chính sách đến tài chính. Điển hình như Thái Lan miễn visa cho khách 45 ngày, kịp thời xúc tiến online, offline; khách sạn được hỗ trợ để có giá 0 đồng... Vì thế, ngay trong cuộc đua với các nước khu vực như Thái Lan, Malaysia,... Việt Nam chậm chân sẽ mất cơ hội.
Tại WTM London 2022, các chuyên gia dự báo, năm tới du lịch thế giới phục hồi 70% so với trước thời điểm đại dịch (năm 2019), tốc độ nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nội tại từng quốc gia; đến 2024-2025 mới hy vọng phục hồi hoàn toàn. Du lịch Việt Nam không nằm ngoài dự báo đó.
Tuy nhiên, ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp đang nỗ lực chuẩn bị để tạo đà bứt phá trong năm tới.
Đầu tiên là về đường bay. Mới đây, Vietnam Airlines vừa nối lại các chuyến bay thương mại thường lệ đầu tiên tới Quảng Châu, Thượng Hải, sau gần 3 năm đóng băng vì đại dịch Covid-19. Trước đó, Bamboo Airways triển khai bay charter (thuê nguyên chuyến) từ Hà Nội tới Thiên Tân. Vietjet Air cũng nối lại một số chuyến bay với Trung Quốc.
Mở lại các đường bay thẳng tới Trung Quốc, cùng với việc quốc gia này dần mở cửa, là tín hiệu khả quan để thị trường khách tỷ dân - vốn chiếm 1/3 tổng lượng quốc tế đến Việt Nam - năm 2023 sẽ hồi phục.
Ngoài ra, để thông tin về hình ảnh một Việt Nam an toàn, thực sự mở toang cửa đón khách, các hoạt động xúc tiến quảng bá đang diễn ra nhộn nhịp.
Sau khi kết thúc hội chợ du lịch lớn nhất thế giới tại London (Anh), ngành du lịch tiếp tục tham gia sự kiện Diễn đàn xúc tiến du lịch Việt Nam tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) từ 12-14/12,... Trong nước, các hoạt động xúc tiến cũng diễn ra mạnh mẽ. TP.HCM sẽ giới thiệu du lịch thành phố trên sóng truyền hình CNN, vào các khung giờ vàng xuyên suốt từ 12-29/12 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Trước đó, từ 7-13/11, Du lịch Hà Nội đón đoàn famtrip của 12 hãng lữ hành đến từ thị trường Australia…
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần triển khai những chiến dịch quảng bá lớn, tạo sức hút với thị trường quốc tế. Ngoài ra, một trong những điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ là chính sách visa - yếu tố thúc đẩy khách quốc tế đến Việt Nam và nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các nước, trong điều kiện họ cũng có rất ưu đãi. Khách đến càng đông, lưu trú càng dài thì doanh thu càng cao.