Sau 10 năm triển khai chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), đến nay Quảng Ninh có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình với 569 sản phẩm, trong đó có 336 sản phẩm đạt từ 3-5 sao gồm: 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp Trung ương, 87 sản phẩm đạt 4 sao, 246 sản phẩm đạt 3 sao.
Hiện Quảng Ninh có 14 vùng trồng cây ăn quả, sản lượng khoảng 4.500 tấn/năm. Sản lượng khai thác thủy sản trung bình hằng năm đạt trên 145.000 tấn. Tỉnh cũng đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, trồng trọt…
Các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh ngày càng đa dạng về bao bì, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh có trên 95% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử hoặc có mã số, mã vạch. Cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng, Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối, quảng bá, chắp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa.
Quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch
Kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch là một trong những cách để Quảng Ninh tạo dựng thương hiệu cho hàng hóa của tỉnh, góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa phát triển kinh tế, vừa quảng bá sản phẩm địa phương.
Tại Quảng Ninh đã hình thành nhiều địa chỉ du lịch sinh thái thu hút du khách check-in, trải nghiệm với hoạt động về với thiên nhiên, tham quan, tìm hiểu, mua sắm các sản phẩm OCOP - đặc sản của địa phương.
Có thể kể đến vùng trồng ổi tại xã Sơn Dương - TP. Hạ Long, nơi du khách được trải nghiệm những vườn ổi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP - sản phẩm OCOP Quảng Ninh 4 sao; các vườn dâu tằm ở xã Tràng An - TX Đông Triều, địa chỉ hấp dẫn du khách chụp ảnh, hái dâu, tham quan xưởng sản xuất rượu Dâu tằm - sản phẩm OCOP 4 sao…
Hay như tại Móng Cái, du khách sau khi tham quan các điểm du lịch ngoài việc thưởng thức hải sản tươi sống có thể ghé qua các cửa hàng, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP tìm hiểu, mua sắm thủy sản do ngư dân nuôi trồng, đánh bắt như nõn tôm, nõn bề, nõn ghẹ, cá khô một nắng... làm quà cho gia đình, người thân.
Sản phẩm OCOP Quảng Ninh xuất hiện đậm nét tại các sự kiện văn hoá, du lịch, thể thao tầm cỡ được tổ chức tại tỉnh như SEA Games 31, Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17; được quảng bá rộng rãi ở các lễ hội nổi tiếng của địa phương như: Lễ hội Trà hoa vàng (huyện Ba Chẽ), Hội đình Tràng Y (xã Đại Bình), Hội văn hóa các dân tộc huyện Đầm Hà, Lễ hội đền Cửa Ông, Hội Hoa sở Bình Liêu...
Cách thức này không chỉ góp phần làm phong phú các tour, tuyến du lịch, tăng sức hút của điểm đến, mà còn giúp các sản phẩm đặc sản Quảng Ninh được biết đến nhiều hơn, theo chân du khách đi mọi miền Tổ quốc, ra cả nước ngoài theo khách du lịch làm quà ở những miền đất xa xôi.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Để đưa các sản phẩm OCOP Quảng Ninh vươn cao, vươn xa, Quảng Ninh cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Những năm qua, hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được triển khai mạnh mẽ. Giai đoạn 2017-2022, tỉnh đã tổ chức 16 lượt hội chợ OCOP cấp tỉnh; 28 tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tại 13 địa phương trong tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, nhiều hội chợ quy mô lớn được tổ chức: Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2023, Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2023, Hội chợ triển lãm chào mừng Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 30 về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Thu Đông 2023, sắp tới đây là Hội chợ OCOP vùng Đông Bắc - Quảng Ninh 2023. Mỗi hội chợ quy tụ hàng trăm gian hàng, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, mua sắm.
Thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ hiệu quả sản phẩm OCOP, Quảng Ninh có nhiều cơ chế hỗ trợ để đưa sản phẩm OCOP vào các trung tâm, điểm bán và giới thiệu sản phẩm. Toàn tỉnh có khoảng 30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP. Trên 54 sản phẩm OCOP đã được liên kết tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Go!, MM Mega Market, Aloha, Winmart, Winmart+...
Không chỉ đẩy mạnh giới thiệu tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước, các hoạt động xúc tiến thương mại với các thị trường nước ngoài được triển khai tích cực theo phương châm “linh hoạt, đổi mới, sáng tạo”. Các chương trình xúc tiến OCOP tại Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc; Hội chợ Thương mại Du lịch quốc tế Việt Nam - Trung Quốc; mở rộng xúc tiến vào các thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan... đã tạo điều kiện để các sản phẩm đặc sản của tỉnh thâm nhập thị trường ngoại.
Một trong những kênh phát triển, mở rộng đầu ra sản phẩm OCOP hiệu quả là sàn thương mại điện tử. Hiện đã có 336/336 sản phẩm OCOP đạt 3-5 sao lên các sàn giao dịch điện tử, giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể mua sản phẩm OCOP Quảng Ninh một cách thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi.
Trong đó, Sàn thương mại điện tử Voso giới thiệu 160/336 sản phẩm OCOP đạt 3-5 sao, Sàn thương mại điện tử Postmart giới thiệu 108/336 sản phẩm. Riêng Sàn thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh (http://teqni.gov.vn) giới thiệu 424/560 sản phẩm OCOP toàn tỉnh, gồm 190 sản phẩm đạt 3-5 sao. Các chủ sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng từng bước đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Sendo…
Nhờ đẩy mạnh tiếp thị, liên kết, các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến, góp phần tạo dựng uy tín và thương hiệu vững chắc cho nông sản, phát triển kinh tế địa phương.