Sáng 6/10, phiên xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM); Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương); Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó Giám đốc Sở TN&MT); Nguyễn Thành Rum (cựu Giám đốc Sở VH-TT&DL) bước vào phần tranh luận.
Trước khi tranh luận, đại diện VKS trình bày quan điểm về vụ án. Theo đại diện VKS, căn cứ vào các tài liệu, hồ sơ thu thập được, có thể khẳng định bị cáo Diệp đã mang thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng. Tài sản này chưa được giải chấp, bản chính giấy tờ nhà đất 57 Cao Thắng đang được Ngân hàng Agribank Chi nhánh TP.HCM nắm giữ.
Căn cứ theo hợp đồng tín dụng ký ngày 31/12/2008, các đơn kiến nghị, tài liệu, biên bản làm việc... đều được bị cáo Diệp ký tên và được giám định chữ ký theo quy định.
Theo đại diện VKS, toàn bộ tài liệu trong vụ án được thu thập đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, được kiểm chứng công khai, khách quan, không ảnh hưởng đến bản chất vụ án. Vì vậy, việc bị cáo Diệp cho rằng đây là tài sản làm giả mạo là không có căn cứ.
Trong quá trình hoán đổi hai tài sản 57 Cao Thắng và 185 Hai Bà Trưng, bị cáo Diệp đã thực hiện hành vi gian dối như chỉ cung cấp bản bản photo giấy tờ nhà đất 57 Cao Thắng; gây sức ép bằng các đơn thư khiếu nại gửi đến các cấp lãnh đạo thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc hoán đổi.
Bị cáo Diệp không thừa nhận hành vi phạm tội, kêu oan là không có căn cứ. Quá trình điều tra đến nay, bị cáo chưa khắc phục số tiền chiếm đoạt. Vì vậy, đại diện VKS đề nghị HĐXX bác đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Diệp.
Đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài, bị cáo kháng cáo, cho rằng những chỉ đạo của bị cáo trong vụ án đều chưa được thực hiện. Bị cáo chỉ triển khai theo chỉ đạo của cấp trên, không gây thất thoát tài sản của nhà nước.
Tuy nhiên, bị cáo Tài trước đó là Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, vai trò cao, trọng trách lớn. Bị cáo không được phân công quản lý tài sản nhà nước nhưng khi nghe bị cáo Vy Nhật Tảo và bị cáo Diệp trình bày về việc hoán đổi, bị cáo Tài đã đồng ý duyệt chủ trương và chỉ đạo các sở ban ngành thực hiện thủ tục.
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của UBND TP.HCM nhưng đã thiếu trách nhiệm trong tham mưu, chấp thuận việc hoán đổi tài sản trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho bị cáo Diệp chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho nhà nước. Do đó, VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của 3 bị cáo này.
Theo bản án sơ thẩm, bà Diệp thỏa thuận lấy tài sản 57 Cao Thắng để hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng, là tài sản Nhà nước giao Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM sử dụng.
Tuy nhiên, quá trình hoán đổi, bị cáo Diệp đem tài sản 57 Cao Thắng thế chấp cho Ngân hàng Agribank chi nhánh TP.HCM, dẫn đến hậu quả nhà nước mất quyền tài sản 185 Hai Bà Trưng, đồng thời không thể xác lập quyền sở hữu đối với tài sản 57 Cao Thắng.
Dù không được phân công quản lý tài sản nhà nước nhưng ông Nguyễn Thành Tài vẫn nghe theo sự tư vấn của cấp dưới, đồng ý để bà Diệp hoán đổi căn nhà 57 Cao Thắng để hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng của Nhà nước gây thiệt hại lớn.
Phiên sơ thẩm, ông Nguyễn Thành Tài bị tuyên phạt 5 năm tù; các bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thành Rum cùng nhận mức án 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bị cáo Dương Thị Bạch Diệp nhận án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Sau phiên sơ thẩm, bà Dương Thị Bạch Diệp có đơn kháng cáo kêu oan; ông Nguyễn Thành Tài xin miễn trách nhiệm hình sự và bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thành Rum cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.