Bên cạnh các tuyến cáp đất liền, phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế hiện qua 5 tuyến cáp quang biển quốc tế gồm APG, AAG, AAE-1, SMW3 và IA (còn gọi là Liên Á). Thế nhưng, trong năm 2022, lần lượt 3 tuyến cáp biển AAG, AAE-1 và APG đã gặp sự cố và hiện các lỗi chưa được khắc phục xong, gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ mà các nhà mạng tại Việt Nam cung cấp tới người dùng.
Trong đó, AAG gặp các sự cố vào tháng 2/2022 và tháng 6/2022 trên các cáp nhánh hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. AAE-1 gặp lỗi dò nguồn vào cuối tháng 11/2022 trên phân đoạn S1H của tuyến cáp. Được đưa vào khai thác từ tháng 7/2017, AAE-1 đóng vai trò nâng cao chất lượng kết nối hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc), Singapore.
Gần đây nhất, vào sáng ngày 26/12/2022, tuyến cáp quang biển quốc tế APG lại gặp sự cố. Lần này, sự cố xảy ra trên phân đoạn S6 gần Hong Kong (Trung Quốc). APG có chiều dài 10.400 km, được đặt ngầm dưới Thái Bình Dương, có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp này có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT, CMC và được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Thực tế, ngay sau khi phát hiện các sự cố cáp biển, các ISP tại Việt Nam đều đã khẩn trương triển khai phương án dự phòng, chuyển lưu lượng kết nối quốc tế sang các tuyến cáp biển IA và SMW3 cũng như các tuyến cáp đất liền khác.
Đơn cử như, với NetNam, do đơn vị tập trung phục vụ các khách hàng tổ chức, doanh nghiệp nên yêu cầu chất lượng chủ yếu liên quan đến độ trễ thấp, băng thông không quá lớn. Vì thế, phương án là đa dạng hoá mạng lưới kết nối quốc tế và trong nước, giám sát và thực hiện các kịch bản ứng cứu kịp thời khi có sự cố bất cứ tuyến cáp biển nào. “NetNam hiện có các kết nối trực tiếp quốc tế ở các điểm trung chuyển Hong Kong và Singapore, đồng thời có kết nối với tất cả các nhà mạng nội địa, để đảm bảo chất lượng và độ linh hoạt khi ứng phó”, đại diện nhà mạng này chia sẻ thêm.
Trong thông tin mới chia sẻ với VietNamNet, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, hiện đã có lịch sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra hồi cuối tháng 11/2022 trên tuyến cáp biển AAE-1. Theo đó, dự kiến lỗi trên phân đoạn S1H hướng kết nối đi Singapore sẽ được sửa xong vào ngày 14/1/2023.
Trong khi đó, hiện các nhà mạng tại Việt Nam vẫn chưa nhận được thông báo từ đơn vị quản lý tuyến cáp về kế hoạch xử lý, khắc phục sự cố trên 2 tuyến cáp quang biển khác là AAG và APG.
Như vậy, dự kiến sẽ chỉ có tuyến cáp biển AAE-1 được sửa chữa, khôi phục lại kênh truyền trong thời gian trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Dù vậy, việc AAE-1 được sửa xong cũng phần nào giúp giảm áp lực cho các nhà mạng trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet quốc tế cho các khách hàng.
Trước đó, tại Chỉ thị 22 ngày 23/12/2022 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong dịp Tết cũng như bảo đảm hoạt động thông suốt, an toàn, ổn định hạ tầng kết nối, trung chuyển Internet…
Trước lo ngại việc thực hiện nhiệm vụ trên gặp khó khăn do các tuyến cáp biển xảy ra sự cố ngay thời gian giáp Tết, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tin tưởng rằng: “Các nhà mạng hoàn toàn đủ khả năng để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và độ ổn định thông tin liên lạc, kết nối Internet trong dịp Tết”.
Bàn về việc nâng cao chất lượng kết nối Internet quốc tế trong dài hạn, vị phó chủ tịch VIA cho hay, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng Internet vẫn ở mức cao, nhu cầu băng thông quốc tế tăng nhanh, vì vậy mỗi nhà mạng đều có chiến lược mở rộng, bổ sung, triển khai mới các tuyến cáp quốc tế.
Về số lượng, dung lượng các tuyến cáp quang biển, hiện chúng ta còn thua xa Malaysia và Thái Lan. Vì thế, đại diện VIA mong rằng thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cùng với các doanh nghiệp viễn thông sẽ có những chiến lược để đảm bảo hạ tầng kết nối quốc tế của Việt Nam đáp ứng được sự phát triển của Internet trong nước, cũng như hướng tới khả năng Việt Nam có thể trở thành một điểm trung chuyển dữ liệu của khu vực.