Nhiều tên tuổi mới
Sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid-19, năm 2022 dự kiến ngành khách sạn đón nhận nhiều dự án mang thương hiệu quốc tế đi vào hoạt động. Archipelago là một thương hiệu mới mẻ trong ngành quản lý khách sạn, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Năm hợp đồng đầu tiên của đơn vị này là các dịch vụ quản lý kênh phân phối phòng và doanh thu cho bốn khách sạn ở TP.HCM và một khách sạn ở Phú Quốc.
Ông Norbert Vas, Phó Chủ tịch Phát triển tại Archipelago International, cho biết, họ sẽ liên kết các khách sạn độc lập và các tập đoàn khách sạn với hệ thống của mình, tự động hóa quy trình phân phối và kết nối với hơn 3.000 đối tác. Đơn vị còn quản lý dịch vụ trọn gói cho các khách sạn có quy mô đến 1.000 phòng, hợp đồng quản lý thương hiệu mềm (soft brand) và nhượng quyền thương hiệu.
Tại Hà Nội, Capella Hanoi là dự án đầu tiên đánh dấu sự hiện diện của Capella Hotel Group tại thị trường Việt Nam. Khách sạn có quy mô chỉ 47 phòng, với thiết kế kiến trúc và tiện nghi, nội thất sang trọng. Đây sẽ là boutique hotel 5 sao đầu tiên tại thủ đô. Capella Hotel Group là cái tên gắn liền với những khách sạn siêu sang trọng trên toàn thế giới.
Thị trường còn có sự xuất hiện của nhiều khách sạn mới như như Regent Phú Quốc, Voco Hotel Đà Nẵng, Best Western Plus Marvella Nha Trang, Radisson Resort Phan Thiết, Mercure Đà Lạt...
IHG Hotels & Resorts vừa công bố sẽ tăng gấp đôi số lượng khách sạn tại Việt Nam trong vòng 3 đến 5 năm tơí và tập trung phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng nhanh. IHG hiện có hệ thống 15 khách sạn tại Việt Nam. Nếu tính thêm 18 khách sạn mới đang phát triển, thì dự kiến đến năm 2027, IHG sẽ đưa vào hoạt động thêm hơn 6.000 phòng khách sạn.
Meliá Hotels mới công bố dự án tại Quy Nhơn. Dự án rộng 12 ha, có 140 phòng nghỉ và 93 biệt thự với quy mô từ 1 đến 3 phòng ngủ. Mới đây, Meliá đã ký với Vinpearl tiếp quyền quản lý 12 khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Chuỗi 12 khách sạn sau chuyển giao sẽ mang thương hiệu mới “Meliá Vinpearl”. Trước khi thực hiện chiến lược hợp tác chuyển giao với Vinpearl, Meliá có 8 khách sạn đang hoạt động và 16 khách sạn sắp khai trương tại những điểm đến du lịch trên khắp Việt Nam.
Marriott International, Inc. công bố kế hoạch bổ sung gần 9.000 phòng nghỉ tại Việt Nam và ra mắt các thương hiệu chiến lược như Ritz-Carlton Residences, Marriott Hotels, Westin và Courtyard by Marriott Hotels.
Trong cuộc đua mở mới, Sojo là cái tên đáng chú ý của chủ đầu tư trong nước. Chuỗi Sojo Hotels đã đi vào hoạt động tại các Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang và gần đây nhất là Hòa Bình, Phú Thọ. Dự kiến, chuỗi này sẽ tiếp tục khai trương thêm 4 khách sạn mới tại các thành phố trong năm nay, hiện thực hóa kế hoạch mở chuỗi 100 khách sạn từ nay tới năm 2026.
Phục hồi mạnh
Thống kê vừa công bố của Savills Hotels cho thấy, tính đến tháng 2, khoảng 64 thương hiệu khách sạn khu vực và quốc tế đã hiện diện ở Việt Nam. Con số này dự kiến tiếp tục tăng trong những quý tới.
Số lượng dự án khách sạn và resort mang thương hiệu tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng, từ 36 dự án (8.200 phòng) năm 2010 lên đến 120 dự án (32.000 phòng) vào cuối tháng 1/2022. Nếu như trước đây các đơn vị điều hành quốc tế và khu vực có xu hướng chú trọng sự hiện diện tại các thị trường trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc,... thì hiện nay, các điểm đến du lịch đang phát triển (Hồ Tràm, Đà Lạt, Phan Thiết, Quy Nhơn… ) cũng nhận được nhiều sự quan tâm.
Theo Savills Hotels, từ quý I/2022, nhiều chủ đầu tư cũng như đội ngũ vận hành khách sạn đang mạnh dạn tái khởi động hoạt động kinh doanh, triển khai các kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và thúc đẩy marketing để đón đầu làn sóng phục hồi của thị trường quốc tế. Nhiều dự án khách sạn cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và triển khai hoạt động tiền khai trương để có thể chào đón du khách trong thời gian tới.
Ông Rajit Sukumaran, Giám đốc Điều hành của IHG, khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc, nhận định, ngành du lịch tại Việt Nam đang hồi phục và sẽ bật dậy mạnh mẽ. Theo dữ liệu STR, công suất phòng lưu trú của Việt Nam trong tháng 2 đã tăng 47% so với năm ngoái, đây là một thay đổi rất lớn.
“Xuất phát từ nhu cầu du lịch bị dồn nén, chúng tôi nhận thấy hoạt động du lịch quốc tế hồi phục mạnh mẽ ở một số nơi như TP.HCM và Hà Nội”, ông Sukumaran đánh giá. Những tín hiệu cho thấy cho sự trở lại của các chặng bay trung và dài xuất phát từ các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Mỹ và Úc.
Ông Ignacio Martin, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Meliá Hotels International, cho rằng tiềm năng phát triển rất lớn ở Việt Nam, nhất là ngành khách sạn hạng sang.
Mặc dù nhiều tiềm năng, song thị trường khách sạn đang cạnh tranh với các nước trong khu vực. Ông Mauro Gasparotti – Giám đốc Savills Hotels APAC, lưu ý, ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực đang dần nối lại các hoạt động du lịch như Thái Lan, Indonesia, Campuchia.
Để có thể cạnh tranh và khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế, du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh hơn các hoạt động truyền thông, quảng bá và xúc tiến. Điều này cần một sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương đến các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực.
Duy Anh