Tháng 9/2023, vợ chồng tôi tổ chức lễ cưới sau 4 năm yêu nhau. Chúng tôi cùng quê, học chung trường cấp 3. Đến năm thứ hai đại học, hai đứa chính thức hẹn hò.

Ra trường, chúng tôi đi làm, tích góp tiền bạc để chuẩn bị kết hôn. Hàng tháng, hai đứa còn phải trả góp tiền mua căn hộ chung cư.

Chúng tôi quyết định kết hôn sớm, không chờ trả hết tiền vay ngân hàng mua nhà. Cả hai đều nghĩ sống chung sẽ giảm được nhiều khoản chi tiêu.

Vợ chồng tôi tự lo chi phí cưới hỏi, gia đình hai bên không hỗ trợ. Thế nên, hai đứa bàn nhau tổ chức đơn giản, phần nào bỏ qua được thì lược bớt. 

pexels rene asmussen 4181649.jpg
Tôi không thể nén giận khi thấy 2 bàn tiệc cưới toàn trẻ em ngồi. Ảnh minh họa: Pexels

Tính tới tính lui, chúng tôi chọn thuê nhà hàng giá phải chăng, làm lễ thành hôn, đãi khách nhà trai và nhà gái chung một tiệc.

Tổng số khách mời gói gọn khoảng 28 bàn tiệc. Tôi đặt thêm 2 bàn dự phòng nhưng đinh ninh sẽ không phải dùng đến.

Do tiệc ở nhà hàng, hạn chế trẻ em nên tôi nói chồng dặn bố mẹ chồng mời khách thì nói khéo để họ không dẫn theo con cháu. Tôi chỉ muốn hạn chế tối đa sự cố ngoài dự tính và không phát sinh chi phí.

Ngày cưới trời mưa khá to, nhưng khách đến đông đủ khiến vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm. Càng gần giờ làm lễ, họ hàng nhà trai đến càng nhiều. Tôi chưa kịp mừng thì thấy họ dẫn theo con cháu rất đông.

Tôi nghĩ thầm, chắc họ sẽ kê thêm ghế cho các cháu nhỏ ngồi chung bàn. 30 phút trước khi buổi lễ diễn ra, tôi choáng váng khi nhân viên nhà hàng ra báo phải dùng đến 2 bàn tiệc dự phòng.

Điều đáng trách, khách nhà trai dồn trẻ em đi kèm sang 2 bàn dự phòng, chứ không ngồi xen kẽ như tôi dự tính. 

Với 2 bàn trẻ em ngồi kín, tôi phải trả chi phí tính thêm là 6 triệu đồng. Như vậy, tiệc chưa tàn mà vợ chồng tôi đã mất trắng nửa tháng lương.

Không thể làm gì khác, tôi chuyển sang giận dỗi chồng, hỏi anh tại sao không nhắc bố mẹ nói khách hạn chế dẫn theo con cháu. Anh ấy thề thốt đã nhắc bố mẹ không dưới 3 lần.

Tôi không nén được cơn giận, mặt mày cau có. Lúc lên sân khấu làm lễ, vẻ mặt khó chịu của tôi rơi vào tầm ngắm của nhà chồng. 

Thế nên, trong lúc chúng tôi đến chào bàn, một người họ hàng bên chồng cợt nhả: “Chưa mở phong bì mừng cưới mà mặt cô dâu đã nặng như đeo đá thế kia”.

Cơn giận bị châm ngòi, tôi chẳng chịu thua, lên tiếng cạnh khóe: “Cần gì kiểm đếm nữa ạ? Nhìn khách thế kia thì xác định vui là chính thôi ạ”.

Tôi đang nói thì chồng giật tay ra hiệu dừng lại. Nụ cười chào khách của mẹ chồng đanh lại. Bà ra hiệu tôi vào phòng thay đồ nói chuyện.

Vào phòng, mẹ chồng trách tôi ăn nói thiếu chừng mực, hỗn láo với họ hàng. Tôi không nhịn, bật lại: “Bố mẹ hỗ trợ đồng nào cho vợ chồng con làm đám cưới không? Bố mẹ không phụ một đồng nào thì làm sao hiểu được cảm giác người ta dẫn con cháu đến “ăn chùa”. 

Chưa cần kiểm tra thùng tiền mà thấy gánh nợ 2 bàn tiệc toàn trẻ con. Chưa kể, đám trẻ con ấy toàn là người bên họ hàng nhà trai, nhà gái của con không có ai dẫn theo con cháu”.

Mẹ chồng quay sang chồng tôi đay nghiến: “Con chọn vợ giỏi lắm, chưa bước vào nhà đã dạy đời mẹ”.

Nói xong, bà vội vã ra ngoài tiếp khách. Từ đó đến nay, bà không hỏi han đến vợ chồng tôi. Có lần, chồng tôi hỏi thăm, hứa Tết về quê chơi thì mẹ chồng bảo không cần.

Tôi không biết mình sai chỗ nào mà mẹ chồng lại giận dỗi như thế. Đáng ra, bà phải xuống nước, nhận sai mới đúng.

Bà đâu có biết, sau đám cưới, vợ chồng tôi phải nhịn ăn nhịn mặc để trả thêm nợ cưới, trong khi bố mẹ chồng không cho một xu.

Tết này, tôi dự định vẫn về quê cho tròn bổn phận. Mẹ chồng đối xử ra sao thì ra, dẫu gì tôi cũng đâu có sống chung.

Mời độc giả chia sẻ ý kiến về câu chuyện này qua địa chỉ mail: bandoisong@vietnamnet.vn hoặc bình luận phía cuối bài. Trân trọng!

Độc giả giấu tên