Theo 19Fortyfive, trong ngày 4/8, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, tàu sân bay hạt nhân lớn nhất của hải quân nước này, USS Gerald R. Ford đã vượt qua bài kiểm tra "Đánh giá vận hành chiến đấu" (CSORE). Đây là một cột mốc quan trọng để siêu tàu sân bay này có thể chính thức làm nhiệm vụ trong thời gian tới.
USS Gerald R. Ford (CVN-78) là tàu sân bay hạt nhân lớp Ford đầu tiên của hải quân Mỹ. Mẫu hạm khổng lồ này được bàn giao vào ngày 31/5/2017, trước khi chính thức vào biên chế 2 tháng sau đó. Ford là lớp tàu sân bay hiện đại, có thể phóng nhiều phi cơ hơn 25% mỗi ngày và cần ít hơn 25% thủy thủ so với tàu sân bay lớp Nimitz. Theo một tính toán của Bộ Quốc phòng Mỹ, chi phí vận hành trong khoảng thời gian phục vụ 50 năm của Ford sẽ thấp hơn 4 tỷ USD so với các tàu sân bay tiền nhiệm.
Là tàu sân bay lớn nhất của Mỹ, Gerald R. Ford có chiều dài 333m, rộng 77m, lượng choán nước 100.000 tấn, tháp điều khiển cao 76m. Với "trái tim" là 2 lò phản ứng hạt nhân A1B, mẫu hạm này có tốc độ trung bình 56 km/h, không bị giới hạn tầm hoạt động, có thể chở theo thủy thủ đoàn 4.600 người.
Với kích thước khổng lồ, Ford có thể mang theo tối đa 90 máy bay quân sự các loại, cùng với đó là một hệ thống vũ khí với 2 bệ phóng tên lửa đất đối không RIM-162, 2 bệ phóng tên lửa tầm gần RIM-116, 3 pháo tự động Phalanx CIWS và 4 súng máy M2 12,7mm. Về hệ thống tác chiến điện tử, Ford được trang bị 2 radar quét điện tử chủ động đa chức năng AN/SPY-3 và AN/SPY-4 tân tiến.
Với việc đã vượt qua bài kiểm tra CSORE, tập trung vào các hệ thống súng máy và tên lửa, Ford sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống phóng máy bay điện tử (EMALS) trong thời gian tới. Các tiêm kích hiện đại nhất của hải quân là F-35C Lightning II và F/A-18E Super Hornet sẽ được lựa chọn để làm nhiệm vụ thường trực trên tàu.
Sau rất nhiều lần trì hoãn và chi phí sản xuất lên tới 13 tỷ USD, đi kèm với 4,7 tỷ USD chi phí nghiên cứu, USS Gerald R. Ford cuối cùng đã sẵn sàng làm nhiệm vụ vào cuối năm.
Các chuyên gia quân sự đánh giá, USS Gerald R. Ford đã trải qua một chặng đường phát triển dài và đầy khó khăn, nhưng giờ các thành viên hải quân Mỹ đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Việc duy trì một đội tàu sân bay 11 chiếc là vô cùng quan trọng trong việc thể hiện tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
"USS Gerald R. Ford là một tuyệt tác của nền công nghiệp quốc phòng trong bối cảnh an ninh ngày càng phức tạp", Chuẩn Đô đốc James Downey, quan chức điều hành chương trình của hải quân về tàu sân bay cho biết.
Việt Dũng
Đọc tin quân sự mới nhất trên VietNamNet