Lịch sử đã chỉ ra công thức thành công của Việt Nam. Độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia được đặt lên hàng đầu để từ đó có sự thức thời, linh hoạt và thích nghi trong quan hệ với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn vì mục tiêu của mình.
Lịch sử và những điều kỳ vĩ mà dân tộc Việt Nam đã làm được gắn với những cuộc chiến tranh. Chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh dân tộc luôn rất mạnh mẽ trong những thời khắc đất nước đứng trước thách thức tồn tại hay không tồn tại. Không một thế lực hay siêu cường nào có thể khuất phục chúng ta.
Tuy nhiên, ước mơ bằng bạn, bằng bè, sánh vai với các cường quốc năm châu của chúng ta vẫn chưa thành hiện thực. Khát vọng cháy bỏng và áp lực phải khẩn trương để mạnh hơn và hùng cường hơn chưa được tạo ra.
Nhân ngày xuân, chúng ta cùng suy ngẫm về những điều đã qua để nhìn về phía trước, xác định quyết tâm. Nếu có được tinh thần và cách làm như thời chiến thì Việt Nam sẽ thành công.
Nhưng câu chuyện giờ đã khác…
Vươn lên bên cạnh Trung Quốc
Từ thời Lý cho đến khi phải trở thành thuộc địa của Pháp, Việt Nam đã có hơn 800 năm chịu sự ảnh hưởng chủ yếu của Trung Quốc. Họ rất mạnh và nhiều lần tìm cách thôn tính chúng ta. Tuy nhiên, quyết tâm trong lúc chiến tranh, duy lý và thức thời trong thời bình đã giúp Việt Nam có thể vươn lên và mở mang bờ cõi trong giai đoạn này.
Lòng dân được hiệu triệu khi quân Tống xâm lược được thể hiện qua bài thơ “Sông núi nước Nam” của Lý Thường Kiệt:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Đến thời Trần, khi chống giặc Nguyên Mông, tinh thần của người Việt lại được thể hiện trong Hịch Tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn:
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.
Khi chống giặc Minh, sức mạnh của người Việt được thể hiện trong “Bình ngô Đại cáo”:
Gươm mài đá, đá núi cũng mòn; voi uống nước, nước sông phải cạn.
Ðánh một trận sạch không kình ngạc; đánh hai trận tan tác chim muông.
Khi đánh quân Thanh, tinh thần của người Việt lại thể hiện trong “Hịch xuất quân” của Nguyễn Huệ:
Ðánh cho để dài tóc
Ðánh cho để đen răng
Ðánh cho nó chích luân bất phản
Ðánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Ðánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Sau khi đánh đuổi các thế lực xâm lược phương Bắc ra khỏi bờ cõi, Việt Nam liền nối lại các quan hệ ngoại giao, thực hiện các nghi thức cần thiết để có thể ổn định và phát triển. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng để chúng ta có được hòa bình.
Trong “Việt Nam: Một lịch sử chính trị”, Joseph Buttinger đã phân tích rằng khác với nhiều nước Đông Nam Á, Việt Nam đã học hỏi được những tinh hoa của chế độ phong kiến Trung Quốc. Việt Nam đã xây dựng được một chế độ phong kiến tập quyền, cách thức tuyển dụng quan lại dựa vào tài năng tạo ra một bộ máy hiệu quả, một quân đội mạnh để mở mang bờ cõi.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phạm phải những sai lầm mang tính chiến lược. Cụ thể, khi người Pháp đưa quân đến Việt Nam, chúng ta không có đủ thông tin và sự hiểu biết để thấy thế giới đang thay đổi.
Do vậy, Triều đình Nhà Nguyễn vẫn cử người sang cầu viện Nhà Thanh hỗ trợ chống Pháp, trong khi họ cũng rơi ở cảnh “ốc không mang nổi mình ốc”.
Sự không thức thời làm chúng ta phải trả giá cho gần 100 năm dưới ách đô hộ của người Pháp, trong khi vẫn có thể có những lựa chọn tốt hơn như người Nhật đã làm.
Tinh thần cây tre thời hiện đại
Độc lập và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng với dân tộc Việt Nam. Đứng trước cảnh thuộc địa, các thế hệ cha ông của chúng ta đã tìm đường cứu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các tiền bối cách mạng đã tìm được đường đi hợp lý đem lại độc lập cho Dân tộc.
Sự linh hoạt, nắm rõ thời cuộc và có thể tận dụng các cơ hội của Việt Nam được thể hiện rất rõ trong hơn một thế kỷ qua. Thành lập Đảng Cộng sản vào năm 1930 để giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, tập hợp đội ngũ là bước đi chiến lược đầu tiên.
Đưa Đảng Cộng sản vào hoạt động bí mật và hình thành một liên minh rộng lớn cho mục tiêu độc lập dân tộc vào đầu thập niên 1940 đến năm 1945 là một bước đi chiến lược khác.
Không chỉ tập hợp được các lực lượng trong nước mà việc chọn đứng về phe đồng minh, tìm kiếm sự hỗ trợ của họ là hết sức thức thời.
Sau khi có được độc lập, ngoài việc tìm kiếm sự ủng hộ của Liên Xô và các nước XHCN khác, Chính phủ của Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Truman để tạo dựng mối quan hệ và trực tiếp đàm phán với Pháp để tìm cơ chế độc lập cho nước Việt Nam còn non trẻ. Tiếp cận làm bạn với tất cả các nước có từ thời bấy giờ.
Không may, đàm phán với người Pháp bất thành và chiến tranh đã nổ ra.
Trong 30 năm chiến tranh (1945 - 1975), Việt Nam đã thực hiện chiến lược ngoại giao cây tre - ngoại giao cân bằng hợp lý giữa Liên Xô và Trung Quốc để có thể tranh thủ sự ủng hộ của họ cho chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 1954 và thống nhất đất nước vào năm 1975.
Chúng ta hiểu rằng trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu nên cần phải thỏa hiệp, phải nhượng bộ những điều cần thiết trên bàn đàm phán, nhất là ở Hội nghị Giơnevơ và Hội nghị Paris. Lịch sử không có từ nếu. Có những điều chưa thực sự toàn vẹn và có thể nhìn ở những góc độ khác nhau. Tuy nhiên, những lựa chọn ở những thời khắc quyết định của Việt Nam, về cơ bản, là hợp lý.
Sự thức thời và chiến lược ngoại giao cây tre đã trở lại với Việt Nam từ khi Đổi mới. Kết quả được thể hiện rõ nhất vào năm 2023. Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất với Mỹ. Nguyên thủ của cả hai siêu cường đang cạnh tranh với nhau đã đến thăm Việt Nam với thái độ hết sức trọng thị và các kết quả hết sức cụ thể.
Lịch sử đã chỉ ra công thức thành công của Việt Nam. Độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia được đặt lên hàng đầu để từ đó có sự thức thời, linh hoạt và thích nghi trong quan hệ với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn vì mục tiêu của mình.
Cơ hội lớn
Thành tựu của 40 năm Đổi mới là rất ấn tượng. Việt Nam thuộc nhóm 5 nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Đây cũng là kết quả tốt nhất về phát triển kinh tế trong suốt chiều dài lịch sử của Dân tộc. Tuy nhiên, kết quả này vẫn thấp hơn mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp, có thu nhập bình quân đầu người gần với ngưỡng nước có thu nhập cao.
Đầu thập niên 1980, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam và Trung Quốc xấp xỉ nhau. Tuy nhiên, đến năm 2023, Trung Quốc đã bước vào ngưỡng nước có thu nhập cao, trong khi chúng ta vẫn chưa vào ngưỡng thấp của nước có thu nhập trung bình cao. GDP/người của Việt Nam chỉ bằng 1/3 Trung Quốc.
Trước đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cũng làm được điều tương tự. Quyết tâm đương đầu và cạnh tranh quốc tế để tận dụng các cơ hội là nhân tố dẫn đến thành công. Điều này giúp cho việc lựa chọn các hướng đi và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Khi gặp khó khăn (khủng hoảng), họ đã có thể vượt qua để tiếp tục tiến lên.
Đối với Việt Nam, trong hòa bình, chúng ta lại hài lòng với thực tại mà không có khát vọng cháy bỏng để tạo ra những điều kỳ vĩ. Sự tương phản giữa thời chiến và thời bình của Dân tộc Việt Nam được thể hiện rất rõ trong lời thơ của Nguyễn Đình Thi:
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
Khi bị dồn vào tình thế tồn tại hay không tồn tại, chúng ta đã rất sáng tạo, hợp lý, gan góc và vô cùng hiệu quả. Tinh thần này cần được phát huy chứ chúng ta không nên an phận thủ thường.
Cơ hội lần thứ nhất để trở nên hùng cường đã bị bỏ lỡ. Việt Nam đang có cơ hội lần thứ hai trong bối cảnh địa chính trị và cạnh tranh của các siêu cường. Lần này, chúng ta cần tận dụng tốt để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào thời điểm 100 năm độc lập.
Nhân dịp năm mới, chúc cho dân tộc Việt Nam của chúng ta có được khát vọng cháy bỏng với tinh thần khẩn trương để cùng nhau đưa mảnh đất hình chữ S tiến lên.