Tư nhân đầu tiên mời chuyên gia nước ngoài về đào tạo phục hình răng
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Lương Tài (ngày trước là Gia Lương – Bắc Ninh) vốn được mệnh danh là vùng “chiêm khê mùa thối”, khát vọng tạo công ăn việc làm cho người dân quê hương luôn âm ỉ cháy trong tâm trí của chàng thanh niên Vũ Đề những ngày đầu tìm hướng lập nghiệp.
2 năm theo học Mỹ thuật, cảm thấy đây không phải đam mê của mình, chàng trai Bắc Ninh quyết định dừng lại, chuyển hướng sang mở phòng khám răng, nối nghiệp cha. Tuy nhiên, 8 năm trực tiếp làm nghề vẫn không thỏa khát vọng, bởi muốn làm được bác sĩ nha khoa thì phải học đại học, và điều này quá tầm với của hầu hết người dân Lương Tài.
“Đến một ngày, tình cờ nghe một người bạn giới thiệu cơ hội làm xưởng/Labo chế tác răng gia công cho các phòng khám nha khoa, tôi tự nhủ: Ồ, đây chính là hướng đi có thể giúp được người dân quê mình có sinh kế. Thế là tôi quyết định về Hà Nội, làm thuê cho Labo để tích lũy kinh nghiệm. Càng làm càng thấy lĩnh vực này hay. Tôi lặn lội nhiều nơi để học hỏi thêm, từ Sài Gòn, đến Thái Lan, Singapore…, đến giờ, tổng cộng cũng đã đi được 46 nước rồi”, ông Vũ Đề kể về bước ngoặt lớn trong đời.
Năm 1998, ông Vũ Đề cùng 9 người khác chung sức thành lập 1 Labo (với tên gọi Vude Dental Lab) chuyên nghiên cứu, phát triển và cung cấp các sản phẩm phục hình răng, tiền thân của Công ty Cổ phần Nha khoa Detec. Đây là Labo thứ 7 tại Hà Nội, cùng hoạt động với khoảng chục Labo tương tự ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Chỉ sau 2 năm, Detec đã thu hút đông đảo khách hàng trên cả nước. Có thời điểm, 1.587 phòng nha là khách hàng của công ty. Ông Vũ Đề đã giúp nhiều người dân ở quê mình có việc làm ổn định với nghề làm răng gia công.
“Thời đấy, nha sĩ ở Việt Nam có quá ít thông tin và khóa học về phục hình răng. Trực tiếp làm nghề, tôi nhìn ra bất cập này, nên mạnh dạn mời 2 vợ chồng chuyên gia người Đức sang để đào tạo nâng cao kiến thức cho người trong ngành nha khoa. Nếu nói về khối tư nhân thì có lẽ tôi là người đầu tiên mời chuyên gia nước ngoài như thế. Năm 2000, tôi tổ chức hội thảo quy mô lớn ở khách sạn Kim Liên (Hà Nội) để giới thiệu, quảng bá về công nghệ, kỹ thuật mới, như đúc kim loại, đắp sứ…, mời hẳn 500 bác sĩ nha khoa tham dự. Nhiều người khi ấy đánh giá hội thảo của Detec là sự kiện lớn nhất do tư nhân tổ chức trong lĩnh vực này. Sau đó, hàng năm, các sự kiện lớn nhỏ của Detec hầu như đều hết chỗ, mời khách nào họ cũng đến, thậm chí còn xin thêm suất. Sau sự kiện được tổ chức ở Khách sạn Kim Liên, không ít người vẫn nghĩ tôi là người khởi đầu trong ngành phục hình nha khoa ở miền Bắc, trong khi thực tế tôi chỉ là người đi sau. Labo đầu tiên ở miền Bắc đã có trước Detec khoảng 4 năm”, ông Vũ Đề nhớ lại.
Chia sẻ bí quyết giúp tạo dựng vị thế thương hiệu, ông Đề nhấn mạnh sự chân thành và chân thật đối với bất kỳ khách hàng nào. Gần như các phòng khám nha khoa lớn/nổi tiếng và những Labo bây giờ đều có sự góp sức của ông Đề và Detec từ những buổi khởi đầu, giúp họ hình dung những việc cần làm.
Không bao giờ coi những người làm cùng nghề là đối thủ cạnh tranh, ông Đề quan niệm: Hàng trăm Labo cùng làm tốt thì có nghĩa là đang cộng hưởng để cùng nhau phát triển, tạo ra những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Chỉ những người làm những việc ảnh hưởng tới uy tín, đạo đức nghề nghiệp mới là đối thủ.
Tiên phong công nghệ, tạo dựng vị thế trong ngành phục hình răng
Những ngày đầu khởi nghiệp, Detec gặp khá nhiều khó khăn vì thiết bị công nghệ chưa được đa dạng như bây giờ. Rất nhiều thiết bị muốn mà không có, hoặc đã từng mua nhưng bị hỏng, không có nguồn thay thế.
Ông Vũ Đề vô tình trở thành nhà sáng chế khi tìm tòi giải pháp khắc phục khó khăn.
“Hồi ấy, làm 1 chiếc răng nhiều màu đâu có dễ. Loay hoay 7 năm nung nấu, đến một ngày tôi cũng tìm ra giải pháp và phổ biến cho các anh em khác. Cũng từ quá trình vừa làm vừa nghiên cứu, tôi còn nghĩ ra cách làm răng nhựa đẹp như răng sứ, kể cả răng hàm hay răng cửa, chỉ có đưa máy mài vào mới biết là nhựa thôi. Bình thường về kỹ thuật hay thương mại thì toàn thấy dân Bắc mình vào Nam để học. Nhưng lúc đấy nhiều người trong Nam đã ra Bắc nhờ tôi hướng dẫn kỹ thuật làm răng nhựa. Tôi còn được đặt tên gọi dân dã là “vua răng nhựa” đấy", ông Đề không giấu vẻ tự hào khi ôn lại chuyện xưa.
Năm 2015, ông Vũ Đề được cấp bằng sáng chế cho sản phẩm máng thẩm mỹ linh hoạt, kiểu như tạo chiếc áo mặc cho răng. Ông đặt 1 nhà máy bên Đức sản xuất ra miếng nhựa để chế tác sản phẩm này.
Sự tâm huyết của chuyên gia phục hình răng Vũ Đề cùng các cộng sự đã mang đến cho thị trường Việt Nam không ít giải pháp phục hình nha khoa hiện đại tiêu chuẩn quốc tế như: Smartalign (chỉnh nha thông minh công nghệ Nhật), Dây cung chỉnh nha thông minh E-wire (hợp tác độc quyền giữa Detec và hãng E-Wireligner của Hàn Quốc)…
Trong nghề lâu năm, ông Vũ Đề hiểu rõ, bản chất “nút thắt” của nha khoa là ứng dụng công nghệ. Nhiều Labo ở Việt Nam sẵn sàng mạnh tay chi đầu tư máy móc, thiết bị, có thể làm tốt hơn Detec ở một thời điểm nào đấy, song các sáng chế là lợi thế cạnh tranh đặc biệt của Detec mà các Labo khác khó có thể vượt qua.
Với tinh thần “tiên phong công nghệ”, đã đầu tư thì phải chọn loại tốt nhất, Detec liên tục cập nhật và ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật phục hình nha khoa tiên tiến nhất vào sản xuất. Tiêu biểu như ứng dụng máy cắt PM7 hiện đại nhất thế giới (cả Việt Nam chỉ có 2 máy); lắp đặt hệ thống máy in kim loại 3D hiện đại nhất hiện nay…
Năm 2020, với sự tư vấn của tập đoàn nha khoa hàng đầu thế giới Ivoclar Vivadent, Detec ra mắt Labo đầu tiên tại châu Á đạt mô hình sản xuất tiêu chuẩn châu Âu.
“Tôi gọi Facetime cho các bạn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, nói rằng mình đang ở Labo của Detec, họ không tin vì họ không nghĩ ở Việt Nam lại có được Labo hiện đại như vậy. Thực ra, đến năm 2020 mới làm Labo này đối với tôi còn là hơi chậm. Bởi trước đó vì ham mê đầu tư nhiều thứ nên hơi bị lan man. Nếu thực sự tập trung thì có lẽ thời điểm ra mắt Labo sẽ trước đó 10 năm. Năm 2010, nói tới Vũ Đề, hầu như mọi nha sĩ ở Bắc – Trung – Nam lúc đó đều biết”, ông Đề vui vẻ kể.
Đưa răng sứ, răng nhựa sang thị trường Mỹ
Sau chuyến thăm Mỹ năm 2007, nhận thấy đây là một sân chơi lớn của thế giới, lại khá cởi mở, CEO Detec quyết định đưa sản phẩm xuất ngoại.
Năm 2009, Detec đã được cấp chứng nhận FDA (của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm phục hình nha khoa sang thị trường Mỹ.
3 năm liền (2009 – 2011), các sản phẩm răng sứ, răng nhựa của Detec được 1 tập đoàn nha khoa ở Mỹ đặt hàng để cung ứng cho khu vực Bắc Mỹ. Cứ mỗi tháng trung bình xuất 10 lô hàng, giá bán sang Mỹ cao gấp 3 lần so với giá bán tại Việt Nam.
Năm 2009, ông Vũ Đề biết tới Hiệp hội Labo Hoa Kỳ, với hơn 5.000 thành viên, chủ yếu ở Mỹ và một số lượng không lớn ở châu Âu. Sau quá trình nộp đơn, chờ giám định, Detec là doanh nghiệp thứ hai ở châu Á được kết nạp làm thành viên của Hiệp hội Labo Hoa Kỳ. Doanh nghiệp châu Á đầu tiên có tên trong danh sách thành viên Hiệp hội này là một doanh nghiệp Hàn Quốc, được kết nạp trước Detec khoảng 2 tháng.
“Có 117 tiêu chí để xem xét kết nạp thành viên Hiệp hội Labo Hoa Kỳ. Detec đạt 114 tiêu chí. Kể cả Hàn Quốc hay nhiều đơn vị bên Mỹ không được như thế. Một trong những tiêu chí mình không đạt là về mặt bằng, bởi ở Việt Nam hồi đó không dễ gì có mặt bằng lớn, toàn đặc thù nhà ống, chia nhiều tầng”, ông Đề cho biết.
Cơn bão tài chính càn quét khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ lao đao. Cuối năm 2011, nhiều đơn hàng bị chậm thanh toán. CEO Detec tạm ngưng xuất khẩu sang Mỹ để tránh rủi ro.
Tuy nhiên, với sự nhanh nhạy của một người nhiều năm lăn lộn trong nghề, ông Đề đã đàm phán thành công, mua license (bản quyền) đào tạo về phục hình nha khoa tiêu chuẩn Mỹ với tổng chi phí lên tới 50.000 USD, tương đương khoảng 1 tỷ đồng (lúc đó có thể mua được 2 căn hộ).
“Giáo trình đào tạo gồm 9 cuốn sách. Chúng tôi là đơn vị đầu tiên có license này đưa về Việt Nam, bây giờ vẫn dùng. Chương trình tiêu chuẩn quốc tế đã được chúng tôi cô đọng lại, Việt hóa và chuyển thành giáo trình điện tử”, ông Đề cho hay.
Kỹ thuật viên phục hình răng đang là công việc có rất nhiều tiềm năng phát triển trên thế giới. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, kỹ thuật viên phục hình răng có mặt bằng lương cao tương ứng bên châu Âu, trung bình từ 2.500 – 3.000 USD/tháng. Ở Mỹ, chi phí cho 1 nhân viên lên tới 10.000 USD/tháng (cả lương và bảo hiểm). Còn tại Việt Nam, mức lương trung bình khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Có 3 yếu tố quyết định chất lượng trong ngành phục hình nha khoa, gồm: Kỹ thuật, Nguyên vật liệu, Công nghệ. Trong bối cảnh thế giới hội nhập, nguyên liệu và công nghệ cơ bản giống nhau. Do vậy, kỹ thuật chính là yếu tố đem lại ưu thế cạnh tranh.
Người Việt Nam ưu điểm là khéo tay nhưng nhược điểm là hay “đốt cháy giai đoạn”. Giáo trình đào tạo tiêu chuẩn quốc tế do Detec triển khai sẽ giúp các kỹ thuật viên phát huy ưu điểm, hạn chế nhược điểm để thành công hơn trong sự nghiệp.
Khát vọng xây dựng thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế
“Đến giờ, cả nước đã có khoảng 4.000 Labo, trong đó khoảng 30 Labo có quy mô trên 100 kỹ thuật viên, hầu hết còn lại ở mức độ 10 – 20 người. Du lịch nha khoa, thu hút người nước ngoài, nhất là Việt kiều về Việt Nam làm phục hình thẩm mỹ răng, có thể là giải pháp khả thi giúp ngành nha khoa trong nước tăng trưởng bứt tốc trong thời gian tới”, CEO Detec đề xuất.
Cách đây ít lâu, ông Vũ Đề mạnh dạn tích hợp 2 phương pháp phục hình răng phổ biến (bọc chụp và dán) thành 1 giải pháp trên thế giới chưa ai làm: SmartVeneer - Giải pháp phục hình thẩm mỹ xâm lấn tối thiểu thẩm mỹ tối đa, sử dụng vật liệu dùng để bọc chụp, không cần tiêm tê.
“Đây có thể là “bảo bối” để chúng ta triển khai Du lịch nha khoa, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Khi hàng triệu người đổ về Việt Nam làm phục hình thẩm mỹ răng, nhu cầu sản xuất gia tăng, tới một thời điểm nhất định, những hãng bán vật liệu quốc tế sẽ đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Như vậy, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm nha khoa của thế giới. Hơn thế nữa, khi sản phẩm ứng dụng phương pháp mới của Detec thay thế tốt những sản phẩm truyền thống của nha khoa quốc tế, chúng ta có cơ hội trở thành người sắp xếp lại cuộc chơi, cả về định vị giá cả, chất lượng, cũng như các quy định, cam kết. Và Detec sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng xây dựng thương hiệu quốc gia mang tầm quốc tế”, ông Đề hướng tới tương lai.
Theo dự tính của Tổng Giám đốc Vũ Đề, tới năm 2029, Detec sẽ đứng đầu toàn quốc về sản lượng cũng như quy mô trong ngành phục hình răng; đào tạo ra 10.000 chuyên gia phục hình răng.
Cùng với đó, doanh nghiệp Việt sẽ tăng cường liên kết với các phòng nha để hình thành mạng lưới các trạm bảo hành sản phẩm xuất khẩu, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế.
Mới đây, ông Đề vừa nộp đơn đăng ký sáng chế mới: Nhuộm răng trắng bằng chất hữu cơ (lấy cảm hứng từ tục lệ nhuộm răng đen của các cụ ngày xưa). Từ nguyên liệu chính là rơm rạ sẽ chế tác thành chất ngấm vào răng để làm trắng. Kỳ vọng của ông Đề, công nghệ này không chỉ làm trắng răng mà còn chống được ê buốt, ngừa sâu răng, gia cường bề mặt răng.
“Về hình thức thì đã ổn rồi, song hiện vẫn còn vài điểm tôi chưa ưng ý. Nếu thành công, đây sẽ có thể cuộc cách mạng về công nghệ phục hồi chỉnh hình nha khoa giá bình dân”, ông Đề tâm sự.
Những năm gần đây, rất nhiều người có nhu cầu làm đẹp hàm răng, đặc biệt là thế hệ sinh năm 1965 – 1985, bị dùng thuốc kháng sinh Tetracycline vô tội vạ. Có thống kê cho hay, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân đi mài răng, bọc răng sứ nhiều nhất thế giới. Tại các quốc gia phát triển, trung bình một bác sĩ nha khoa phục vụ 1.000 - 2.000 người dân. Nhìn sang các nước trong khu vực, Thái Lan đạt mức 1 nha sĩ/5.000 người dân. Trong khi đó, tại Việt Nam, theo số liệu thống kê khoảng 4 năm trước, 1 nha sĩ phục vụ khoảng 27.000 người dân. |