Đó là một kỷ niệm mà đến giờ cô Vũ Thị Diệp, giáo viên lớp 5 tuổi, Trường mầm non công lập Hải Tân (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) vẫn không thể quên khi tâm sự về nghề giáo.
Những đứa bé chưa biết nói ở tuổi thứ 5
Sinh năm 1991, Diệp làm giáo viên mầm non đã được nhiều năm. TP Hải Dương của cô không giống như ở TP.HCM hay Hà Nội có những trường chuyên biệt cho các em tự kỷ. Ở đây, các em bị tăng động, chậm phát triển… sẽ học mầm non với các bạn cùng trang lứa. Diệp là giáo viên cũng phải tập thích ứng.
Cô tâm sự, những bé như vậy đều chậm phát triển ngôn ngữ. Nhiều em 5 tuổi mà chưa biết gọi mẹ, gọi ba. Cô gọi không thưa, cơm chưa biết tự xúc, thậm chí đi vệ sinh không tự chủ được.
"Khi tiếp nhận các con như vậy, tôi thương lắm và biết trách nhiệm của mình sẽ nặng nề hơn”, Diệp chia sẻ.
Diệp kể, nhiều lần trong giờ học, bé mắc chứng tăng động bất giác đứng bật lên, chạy nhảy la hét. Cô phải ngưng dạy và giữ chặt lấy con, tránh để bé tự làm tổn thương mình.
Bé nổi khùng cào cấu cô giáo, đôi khi cắn vào tay cô chảy máu. Những lúc như vậy, Diệp tuyệt nhiên không cáu bẳn. Cô ôm bé vào lòng rồi vỗ về, tìm cách bình ổn cảm xúc của bé xuống.
“Mỗi khi đối mặt với những tình huống như vậy, tôi liền nghĩ đến con mình. Nếu con mình cũng bị như thế này thì buồn lắm", cô tâm sự. Thương phụ huynh, thương các con nên cô tìm mọi cách tiếp cận, nắm bắt tâm lý trẻ. Giờ ăn, giờ ngủ trưa cô dành thời gian cho con nhiều hơn.
Vất vả là không kể hết, nhưng hạnh phúc có lúc lại ập đến bất ngờ. Diệp nhớ mãi học sinh tên Mai A. Đây là học sinh có biểu hiện tự kỷ, chậm nói. Đi học suốt 1 năm trời con không nói dù chỉ 1 từ, không bao giờ nhìn vào mặt người khác, không chơi với bạn, không chào hỏi, đến cả ông bà tới đón về cũng không chịu mở lời. Con chỉ dùng hành động để phản kháng khi không bằng lòng một điều gì đó.
Muốn kéo con ra khỏi thế giới 1 mình đó, cô đã trao đổi với mẹ bé để cùng gia đình can thiệp từng ngày, cố gắng sao cho con có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ với những người xung quanh.
"Nhớ chiều cuối năm ngoái, sau bữa ăn phụ ở lớp, con lay tay tôi rồi bất ngờ gọi 'mẹ ơi'. Con xoè tay đang nắm viên kẹo mình để dành rồi đưa cho cô. Nước mắt tôi trào ra. Hạnh phúc quá mà!", Diệp rưng rưng nước mắt khi nhớ lại.
''Chúng mình có mấy khi được đi dép"
Đó là ví von của cô Đồng Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Quang (Nam Sách, Hải Dương) dành cho nữ giáo viên ưu tú Nguyễn Thị Xen.
Cô Xen là giáo viên trẻ đang dạy lớp 4 tuổi. Cô cùng với Diệp là những cá nhân tiêu biểu được UBND tỉnh Hải Dương tuyên dương nhân dịp 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam đợt này.
Chân trần cùng học sinh ra chăm vườn rau ở sân trường, trên gương mặt lấm tấm mồ hôi nhưng vẫn sáng lên nụ cười, Xen tâm sự, cô bén duyên với nghề mầm non chỉ vì tình yêu dành trẻ nhỏ. Thế nên, công việc dù vất vả cô vẫn thấy vui.
Nhìn xuống đôi chân lấm lem đất, Xen nói: "Chúng mình có mấy khi được đi dép đâu chị". Bởi, cô giáo mầm non trên lớp đều đi chân trần chạy cho nhanh để kịp giờ con chơi, con học rồi tới giờ ăn, giờ ngủ.
Con ngủ trưa thì cô vào nhà vệ sinh dọn dẹp, đánh bô, giặt đồ bẩn. Vào giờ học, cô vừa dạy con hát, kể chuyện… vừa phải trông nom để tránh cho các con cào cấu, đánh nhau. Một lớp 30 học sinh, cô lúc nào cũng thấy mình như "siêu nhân".
Chia sẻ về nghề giáo, cô Trần Thị Lan Phương - Hiệu trưởng Trường mầm non Hải Tân thừa nhận: “Cô giáo mầm non cực khổ lắm". Bởi, không chỉ giảng dạy, các cô ở trường còn phải chăm sóc chuyện ăn, ngủ của các con.
Con ốm, phụ huynh gửi trẻ kèm đủ các loại thuốc được kê theo đơn, cô giáo thành "bác sĩ, y tá" bất đắc dĩ. Khi con ngủ, ăn, cô luôn dỗ dành như một bảo mẫu. Khi lớp làm chủ đề, cô thành hoạ sĩ cắt, vẽ rất tài tình. Giờ ngoại khóa cô biến thành ca sĩ, diễn viên múa không kém phần chuyên nghiệp.
"Cô như siêu nhân vậy, chỉ mong phụ huynh thấu cảm, cùng chia sẻ với nhau. Đừng vì một vết côn trùng cắn lúc cô không nhìn thấy mà bố mẹ lên trường bắt đền cô, bắt đền nhà trường. Ở nhà 1 mẹ 1 con, có lúc chúng ta còn thấy mệt mỏi. Cô giáo mầm non chúng tôi, một lúc chăm, dạy hàng chục em học thì áp lực là vô cùng”, cô Phương chia sẻ.