Ông Terry F. Buss - Giáo sư Đại học Carnegie Mellon - từng giảng dạy tại nhà tù ở hạt Marion (bang Ohio), từ năm 1976-1977, trong thời gian thực hiện chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ. Ông chia sẻ trải nghiệm này.
Phần 1: Tiến sĩ Mỹ với những ngày làm thầy của phạm nhân
... Và cứ thế, tôi đã vượt qua được cơn ác mộng của ngày đầu tiên, vượt qua được nỗi bất an để giảng dạy trong nhà tù hạt Marion gần tròn một năm. Tôi làm được điều đó bởi hai lý do: Thứ nhất, tôi không muốn bản thân mình bị coi là kẻ bỏ cuộc, phải chịu khuất phục trước những kẻ bắt nạt. Thứ hai, tôi thực sự tin rằng những gì mình làm mỗi ngày sẽ có ý nghĩa trong cuộc đời của các phạm nhân, dù chỉ là chút ít.
Tôi thực sự quý mến và tôn trọng nhiều phạm nhân mà tôi đã dạy. Chính tại nhà tù này tôi đã nhận ra rằng ấn tượng đầu tiên không phải lúc nào cũng đúng. Sau những e dè và nghi ngờ ban đầu, tôi đã có thời gian để hiểu họ hơn và họ cũng mở lòng để “bộc lộ” con người thật của mình đằng sau dáng vẻ “xù xì” và có phần “đáng sợ”, “đáng gờm” của những ngày đầu. Đó là những cá tính thực sự thú vị, dễ mến và một tinh thần tích cực hơn nhiều so với những gì tôi thấy bên ngoài.
Tìm mọi cách tạo động lực cho học viên
Vì vậy, tôi đã tìm mọi cách để tạo động lực học tập cho học viên của mình: tôi đã tuỳ biến khoá học để phù hợp với đối tượng học viên và hoàn cảnh đặc biệt của họ chứ không chỉ đơn thuần là một khóa học tiêu chuẩn trong trường đại học. Tôi đã điều chỉnh nội dung và các bài tập thực hành để học viên của mình có thể liên hệ với bài học và để họ thấy rằng tôi thực sự quan tâm đến nhu cầu và hoàn cảnh của họ.
Nói một cách khác, khoá học của tôi phải hướng đến nhóm đối tượng cụ thể là những phạm nhân, hầu hết là người da màu, có hoàn cảnh gia đình không suôn sẻ, cuộc sống đầy bạo lực và đã nhiều lần phạm tội. Và trước mắt họ cuộc sống tù đầy chưa có điểm kết.
Một ví dụ cụ thể là tôi đã chọn cuốn tiểu thuyết “Cội rễ” làm bài đọc chính cho cả lớp như một phần của chương trình giảng dạy. Đây là một tác phẩm của tác giả người da màu Alex Haley. Với nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi về cội nguồn của chính mình mà ông biết rõ không phải ở nước Mỹ, ông đã dành ra 15 năm để thực hiện và hoàn thành tác phẩm này. Roots kể về cuộc hành trình của một gia đình người da màu lội ngược dòng quá khứ quay về châu Phi, khi những người da đen bị bắt và bị bán làm nô lệ đến nước Mỹ ngày nay.
Cuốn tiểu thuyết ra mắt đã gây chấn động nước Mỹ, trở thành cuốn sách bán chạy nhất và đã được chuyển thể thành một bộ phim truyền hình ăn khách. Những học viên của tôi chủ yếu là người da màu đã ngay lập tức tìm thấy sự đồng cảm với cuốn sách này. Họ bị cuốn vào câu chuyện và chúng tôi đã có những cuộc thảo luận thú vị trong lớp.
Tôi rất vui vì dường như mình đã tạo được “mối kết nối tâm giao” với những người chưa tắt niềm đam mê học tập ngay giữa chốn tù đày. Và tôi cũng nhận ra một điều rằng, bản thân tôi đã học được rất nhiều từ lớp học đặc biệt này. Ở một lớp học đại học bình thường vào những năm 1970 của tôi sẽ không có mặt các sinh viên người da màu. Còn ở lớp học này thì họ lại chiếm đa số. Đó chẳng phải là một đặc quyền với một giảng viên như tôi sao. Và vì vậy, để thu phục được những học viên này thì việc phải đối mặt với những kẻ bắt nạt và môi trường nhà tù cũng là điều đáng làm.
Cơ hội thứ hai cho những người lầm lỡ
Kết thúc thời gian giảng dạy tại nhà tù hạt Marion, tôi vẫn trăn trở với nhiều nỗi niềm. Cuộc sống của tôi trải qua nhiều thăng trầm, tôi đã giảng dạy ở nhiều môi trường khác nhau trong và ngoài nước Mỹ. Học viên của tôi sau này đã có cả người da màu, người gốc Latinh, người châu Á, châu Phi, châu Đại Dương... Và tôi vẫn đau đáu nghĩ về những học viên “phạm nhân” của mình.
Nhìn lại, tôi thấy việc thiết kế và đưa vào giảng dạy các khoá học bậc đại học như chương trình tại nhà tù hạt Marion sẽ không đáp ứng được tầm nhìn của các nhà quản lý giáo dục đại học. Họ trông đợi rằng các phạm nhân sẽ có bằng đại học hoặc các tín chỉ cần thiết để tiếp tục chương trình đại học sau khi mãn hạn tù để trở thành công dân có ích cho xã hội. Nhưng tôi cho rằng điều quan trọng hơn là những khoá học trong tù phải làm sao để giúp khơi dậy niềm đam mê học tập cho phạm nhân, giúp trang bị cho họ những kiến thức khiến họ cảm nhận được ý nghĩa và tính nhân văn của án tù.
Nếu bạn hỏi tôi việc thực hiện những điều này có khó không, tôi nói rằng không dễ dàng. Bởi mọi lý thuyết khi đưa vào thực tế đều cần có sự điều chỉnh, tuỳ theo hoàn cảnh, điều kiện nguồn lực và ý chí của bộ máy. Điều quan trọng là mọi quyết định đưa ra đều để hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Một xã hội luôn có cơ hội thứ hai cho những người lầm lỡ.