Trong các cuộc làm việc trong chuyến thăm tới Mỹ đang diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn bày tỏ vui mừng khi Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, tạo xung lực mới và khuôn khổ hợp tác lâu dài cho quan hệ hai nước, mở ra giai đoạn mới cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu đậm quan hệ Việt Nam – Mỹ một lần nữa tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với chủ đề “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người” hôm 19/9, tức chỉ hơn một tuần sau khi ông đến thăm Việt Nam.
Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng thống Mỹ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất. Điều này là một minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trở thành đối tác để cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương.
Những phát biểu của các nhà lãnh đạo, thêm một lần nữa, thể hiện mối quan hệ song phương vô cùng đặc biệt và chỉ diễn ra sau hơn 1 tuần của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ.
Các nhà bình luận thời sự chính trị quốc tế đánh giá là sự kiện mang tính lịch sử và mở ra chương mới của hai quốc gia từng là cựu thù.
Nội hàm Tuyên bố chung của lãnh đạo hai quốc gia cho thấy, đánh giá trên đây không hề phóng đại khi quan hệ Việt - Mỹ được nâng lên cấp Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong đó có nhiều nội dung quan trọng, mang tính đột phá.
Những cam kết mang tính lịch sử
Trong bản Tuyên bố chung mà lãnh đạo hai quốc gia cam kết có nhiều nội dung mang tính đột phá, đó là:
Một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương với việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.
Hoa Kỳ tiếp nhận yêu cầu chính thức của Việt Nam về đề nghị xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định.
Hoa Kỳ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, nông nghiệp bền vững và thông minh...
Việt Nam và Hoa Kỳ quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hoa Kỳ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao.... ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại quốc phòng, công nghiệp quốc phòng, phù hợp điều kiện mỗi bên, thông qua các cơ chế hợp tác được hai bên thống nhất. Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực tự cường về quốc phòng, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam và các cơ chế đã thiết lập.
Khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế...
Chương mới trong quan hệ giữa hai nước sẽ đưa quan hệ đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới. Cùng nhau hiện thực hóa nguyện vọng của người dân về một tương lai tươi sáng và năng động, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực quan trọng này cũng như trên toàn thế giới.
Những mục tiêu phát triển lớn
Có thể đánh giá những cam kết đột phá trong tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ như là một quyết định “thông quan” mở đường cho hợp tác toàn diện của hai quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng lên một tầm cao mới.
Nhưng để những cam kết quan trọng đó trở hành hiện thực là cả một quá trình đầy cam go, đòi hỏi các nhà quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và nhân dân cả hai bên phải hành động bằng cả khối óc và con tim.
Chẳng hạn để nền kinh tế Việt Nam được Chính phủ Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường, trước hết thể chế kinh tế Việt Nam phải tương thích với các quy luật thị trường, cạnh tranh.
Trong khi đó, mặc dù chúng ta đã đạt được những bước tiến quan trọng về xây dựng thể chế kinh tế thị trường, nhưng việc xây dựng, tạo lập thể chế thị trường còn một chặng đường dài phía trước.
Tuy nhiên, để thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển, dù khó khăn đến mấy cũng phải hoàn thiện thể chế kinh tế, để nền kinh tế Việt Nam được thế giới văn minh, các quốc gia tiên tiến công nhận là nền kinh tế thị trường.
Đạt được mục tiêu đó vừa gỡ được các nút thắt về thể chế, mở đường cho doanh nghiệp phát triển; vừa tạo cơ sở cho hàng hóa xuất khẩu được đối xử công bằng, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập và mở rộng thị trường tốt hơn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ổn định hơn và thuận lợi, nhằm thu hút được nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ hơn.
Để thu hút các nhà đầu tư từ Mỹ, nhất là các lĩnh vực đầu tư mới có trình độ công nghệ cao thì thể chế kinh tế ổn định, tương thích, thuận lợi với thể chế kinh tế thị trường tiên tiến là điều cần nhất đối với họ.
Vì vậy, sau sự kiện lãnh đạo Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, các nhà đầu tư Mỹ và các nước phát triển đang trông chờ những cải cách về hành lang thể chế và chính sách mới của Chính phủ Việt Nam đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói trên VietNamNet: “Nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho rằng còn một số rào cản của môi trường kinh doanh khi gia nhập thị trường Việt Nam.”
Phải chăng vì vậy mà đầu tư của Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và hầu hết các lĩnh vực có trình độ công nghệ cao bậc nhất thế giới - vào Việt Nam vẫn xếp vị trí thứ 11 trong số 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký chỉ gần 11,4 tỷ USD, kém xa Hàn Quốc: 80,5 tỷ USD; Singapore: 70,2 tỷ USD; Nhật Bản: 66,1 tỷ USD.
Khi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, có các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ thu hút tốt hơn nữa đầu tư của các công ty đa quốc gia, trong đó có các công ty của Mỹ vào Việt Nam. Đầu tư của các doanh nghiệp FDI đa quốc gia, sẽ kéo theo các công ty vệ tinh khác.
Giá trị chung về quyền của người lao động
Trong tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ, cũng đã khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; tôn trọng các quyền của người lao động được quốc tế công nhận dựa trên Tuyên bố về nguyên tắc cơ bản và quyền tại nơi làm việc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Đây là những vấn đề mà các nước Liên minh châu Âu, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam và chính bản thân Việt Nam luôn xem là then chốt và quan trọng trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết. Tạo lập quyền của người lao động qua cải thiện môi trường lao động, chống lao động trẻ em… cũng là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam.
Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cụ thể hóa những vấn đề về quyền con người, quyền của người lao động như cam kết trong các FTAs và các công ước của ILO mà Việt Nam đã ký kết.
Những vấn đề trên đây đều có chung mục tiêu cao cả là mang lại cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc cho người dân. Và nhất là Hiến pháp hiện hành của Việt Nam cũng đã quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Nguyễn Huy Viện