Hiện công an quận 8, TP.HCM đang thụ lý điều tra gần chục vụ việc mà các nạn nhân trình báo bị lừa đảo qua mạng xã hội, mạng viễn thông. Công an quận 8 tiếp tục cảnh báo mà từ trước đến nay Bộ Công an và công an các tỉnh, thành cũng đã chỉ rõ nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi, nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy.
Đó là, tội phạm lừa đảo đánh vào tâm lý sợ dính vào lao lý cùng sự thiếu hiểu biết pháp luật hình sự của bị hại, giả danh cán bộ tư pháp yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của bọn chúng để làm tin. Bị hại hoảng loạn nên làm theo…
Điển hình, mới đây anh Vũ Hoàng Anh K. (22 tuổi) đến Công an quận 8 trình báo về việc bị một đối tượng xưng là cán bộ Công an, Viện KNSD TP Đà Nẵng, thông báo anh liên quan đến đường dây buôn ma tuý, rửa tiền. Từng bước chúng đánh vào tâm lý, đề nghị anh K. chuyển tổng cộng 90 triệu đồng vào hai tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để chứng minh sự trong sạch…
Tương tự, giữa tháng 8 vừa qua, anh Dương Minh T. (33 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) nhận điện thoại của một người xưng là cán bộ Công an Đà Nẵng, thông báo anh có liên quan đến vụ tai nạn xảy ra ở địa phương này. Anh T. cố gắng thanh minh và đối tượng đề nghị anh hợp tác trực tuyến.
Theo hướng dẫn của đối tượng, anh T. đến thuê khách sạn ở quận 8 để gọi trực tuyến giải quyết vụ việc. Người xưng cán bộ công an đề nghị anh T. cung cấp số dư ngân hàng, ví điện tử thông qua ứng dụng Viber và hướng dẫn anh T. truy cập vào website có tên miền 113, khai báo thông tin cá nhân, ngân hàng.
Người xưng công an còn đề nghị anh T. vay tiền người thân nhưng anh không chịu. Nghi ngờ bị lừa, anh T. gọi điện đến ngân hàng đề nghị khoá tài khoản nhưng đã bị chuyển đi 27 triệu đồng.
Thủ đoạn khác, là các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và ham mua tài sản giá rẻ của người dân, đưa thông tin ảo về tài sản bọn chúng cần bán. Nạn nhân tuy không gặp trực tiếp nhưng vẫn tin tưởng chuyển tiền….
Anh Lê Thanh M. (SN 1987, ngụ phường 5, quận 8) vừa đến công an địa phương trình báo bị lừa mất 105 triệu đồng vì mua xe cẩu Unic 500 thông qua nhóm “Hội mua bán xe cẩu tự hành” trên mạng facebook.
Chỉ trao đổi qua mạng, cuối tháng 8 vừa qua, anh M. chuyển 5 triệu đồng tiền đặt cọc mua xe cẩu cho một người không rõ lai lịch. Người nhận tiền đã gửi hình ảnh xe cẩu, hoá đơn cho anh M. qua mạng xã hội mà anh lại tin, chuyển tiếp 100 triệu đồng. Sau đó, anh M. liên hệ với người nói trên nhận hàng thì bị chặn số điện thoại lẫn ứng dụng zalo.
Kiểu lừa việc nhẹ lương cao và giả mạo website ngân hàng
Phương thức thủ đoạn lừa đảo hiện nay đang xảy ra rất nhiều, là lừa đảo đánh vào tâm lý cần việc làm nhẹ nhàng, lương cao của bị hại, dụ dỗ bị hại tham gia làm đối tác của các trang bán hàng trực tuyến (Lazada, Shoppee...).
Ban đầu bọn chúng trả công vài trăm ngàn để tạo lòng tin cho bị hại. Vài ngày sau bọn chúng giở thủ đoạn yêu cầu bị hại đặt trước tiền, gọi là tiền bảo lãnh, tiền làm nhiệm vụ... Lần đầu chỉ vài triệu đồng để bị hại dễ dàng chấp nhận. Sau đó, bọn chúng lấy lý do bị hại làm sai lệnh, hoặc thao tác công việc sai, và đưa ra mức phạt, nếu không phải mất tiền đã nạp cho bọn chúng. Bị hại sợ nên buộc phải đóng thêm tiền. Mức phạt từ đó tiếp tục tặng lên đến khi bị hại biết bị lừa đảo thì bọn chúng xóa tài khoản, cắt liên lạc.
Cuối tháng 8 vừa qua, công an quận 8 nhận liên tiếp những trình báo của nạn nhân bị lừa kiểu như vậy.
Anh Chu Văn C. (32 tuổi) trình báo, được công ty Lazada Group mời làm việc trên mạng bằng hình thức mua đơn hàng quảng cáo sản phẩm để nhận hoa hồng của sàn thương mại điện tử Lazada. Thông qua mạng, có người hướng dẫn anh C. truy cập vào tài khoản trên trang “http://Lazadaapp.fun” để mua đơn quảng cáo cho 60 sản phẩm trên một ngày, anh C. phải đóng số tiền theo thời gian để mua đơn hàng.
Chúng chiêu dụ, khi anh C. mua đủ đơn hàng, hệ thống sẽ hoàn tiền lại và kèm theo hoa hồng. Vì hám lợi, anh C. đã chuyển vào một tài khoản chỉ định hơn 450 triệu đồng, gồm 8 lần mua hàng trong hai ngày 23 và 24/8, sau đó thì anh mới phát hiện bị lừa.
Hay vụ đầu tháng 9, chị Võ Thị Hà M. (25 tuổi) quen biết trên mạng xã hội với một phụ nữ tên Duyên, được mời vào một nhóm trên ứng dụng Telegram. Duyên hướng dẫn chị M. tải ứng dụng và thông báo làm theo sẽ được nhận 150 ngàn đồng.
Sau đó, Duyên hướng dẫn chị M. nạp tiền 100 ngàn đồng vào trang web http://minhngochn.com thông qua số tài khoản do Duyên chỉ định, rồi hướng dẫn đặt lệnh trên trạng web, lập tức thắng được 335 ngàn đồng. Duyên liên tục hướng dẫn M. nạp tiền để làm nhiệm vụ, khi hoàn thành sẽ được nhận số tiền lớn. Tổng cộng chị M. nạp 54,5 triệu đồng qua tài khoản chỉ định, rồi mới biết mình bị lừa.
Một thủ đoạn lừa đảo bùng phát trong giai đoạn gần đây, mà Công an đã nhiều lần chỉ rõ, các ngân hàng đã lên tiếng khuyến cáo mà vẫn có những người dính bẫy quá dễ dàng, đó là tội phạm lừa đảo hack vào được tin nhắn của ngân hàng, thông báo bị hại là tài khoản bị hại sẽ bị trừ tiền hàng tháng do bị hại đăng kí các ứng dụng nào đó. Bị hại sợ mất tiền nên đăng nhập vào đường link do bọn chúng cung cấp trong tin nhắn. Từ đó vào trang web có giao diện giống hệt web của ngân hàng, yêu cầu bị hại đăng nhập tên tài khoản, mật khẩu. Từ đó bọn chúng nắm được thông tin trên và rút hết tiền trong tài khoản của bị hại.
Vụ điển hình, mới đây anh Phạm Phương D. (40 tuổi, ngụ phường 4, quận 8) nhận được tin nhắn của ngân hàng SCB thông báo, tài khoản ngân hàng của anh có đăng ký chương trình quảng cáo trên Tiktok, hàng tháng bị mất phí 2,6 triệu đồng, rồi yêu cầu anh truy cập vào link “https://scb.com.vn.ii3.icu” để kiểm tra. Do lo bị mất tiền oan nên anh làm theo hướng dẫn.
Trên trang mạng này yêu cầu anh D. phải nhập mật khẩu tài khoản banking online, rồi điền mã OTP mà điện thoại vừa nhận được. Anh D. làm theo thì thấy tiền ở các tài khoản được rút về một tài khoản chính, tổng cộng 322 triệu đồng trong tài khoản này được chuyển sang tài khoản của các đối tượng lừa đảo.
Tội phạm giới 'công bộc của dân' gia tăng, lừa đảo đi thẳng vào giường ngủ
Người đàn ông mất tiền tỷ vì vài cuộc điện thoại
Bán hơn 100 tấn ruốc khô cho người đàn bà xa lạ chưa từng gặp mặt, ông Sinh không ngờ bị sập bẫy lừa đảo.