Thảo luận báo cáo tội phạm và phòng chống tham nhũng tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp vào ngày 9/9, đại biểu Dương Khắc Mai nhắc đến con số tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng hơn 33%; tội phạm lạm dụng, chức vụ quyền hạn tăng 69%.
Tội phạm công nghệ cao đổ bộ đến tận giấc ngủ
“Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, suy nghĩ. Chúng ta quyết liệt rồi, xử lý rồi nhưng vẫn thế này thì phải xem lại cán bộ bố trí cho tới cơ chế chính sách của chúng ta”, đại biểu Mai trăn trở.
Ông đề nghị Chính phủ đánh giá phân tích vấn đề này, nguyên nhân nào và xu hướng ra sao, cần phải có biện pháp mạnh hơn.
Nhấn mạnh đến thực tế nhiều vụ án, vụ việc xảy ra rất nghiêm trọng, đại biểu băn khoăn, pháp luật theo hướng ngày càng nhân đạo, nhân văn nhưng tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp và những hành vi phạm tội rất tàn bạo, độc ác.
“Cử tri gửi cho tôi câu hỏi: Bây giờ pháp luật nhân văn, nhân đạo hơn, còn tội phạm như thế thì có ổn không. Nên chăng xử lý tội phạm tương thích với hành vi phạm tội để đủ sức răn đe”, ông chia sẻ, đồng thời dẫn chứng một số vụ án bạo hành trẻ em gần đây gây bức xúc xã hội. Một đứa bé ở với mẹ thì bị bố dượng đóng đinh vào đầu; đứa bé ở với bố thì bị người yêu bố hành hung cho tới chết...
“Quan điểm của tôi là phải tăng nặng hình phạt. Kể cả tội phạm tham nhũng và các loại khác, để đủ sức răn đe”, ông Mai nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại biểu cũng nêu thực tế tội phạm công nghệ cao, tội phạm không gian mạng hết sức phức tạp. “Tôi nghĩ không phải làm mưa làm gió, bây giờ đổ bộ đến tận giấc ngủ của các gia đình”, đại biểu bày tỏ.
Theo ông, chính tội phạm này gây ra rất nhiều khó khăn trong ngành chức năng phòng chống tội phạm, đặc biệt là người dân. Chúng hành động với đủ thủ đoạn, hình thức lừa đảo, làm nhiều gia đình sống dở chết dở, nhiều bi kịch đau lòng đã xảy ra.
“Liệu Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật, hệ thống của chúng ta có đủ nguồn lực để ngăn chặn khi đây là loại tội phạm vô hình”, ông đặt vấn đề.
Từ đó, đại biểu đề nghị tăng giáo dục và tăng hình phạt với các loại tội phạm. Trong đó giáo dục, trang bị cho các cơ quan và người dân kiến thức để có đủ kháng thể chống lại tội phạm.
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn nhắc đến việc gần đây đưa ra truy tố một số vụ án lớn và người phạm tội có chức vụ cao.
“Chúng ta phấn đấu để không cần, không dám, không thể, không muốn nhưng hai vụ gần đây (vụ ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh) họ vẫn dám, vẫn có thể tham nhũng trong lúc khó khăn như vậy. Tôi muốn nói phòng ngừa để không tham nhũng dường như chúng ta vẫn chưa tập trung vào”, ông Phàn băn khoăn.
Hậu thanh tra, kiểm tra để kiềm chế các đối tượng “không biết sợ”
Giải trình sau đó, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ đã chủ động có giải pháp, cố gắng mỗi năm giảm 5% tội phạm so với năm trước. Số liệu ghi trong các báo cáo đều thấy rất cố gắng nhưng cần có giải pháp đồng bộ.
Theo Thứ trưởng Công an, mỗi giai đoạn, cơ cấu tội phạm khác nhau. Trước 1990, tội phạm thời kì bao cấp; từ 1990 - 2000 nhen nhóm tội phạm ma túy mới, không còn là thuốc phiện mà là heroin. Đến 2010 là tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm ma túy tổng hợp. Từ 2010 - 2020 là tội phạm núp bóng doanh nghiệp, có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm mạng…
Từ 2020 tới nay, là tội phạm lợi dụng dịch bệnh, thiên tai, tội phạm mạng xuyên biên giới đã nhận diện và tội phạm lừa đảo trên không gian mạng rất phức tạp.
Bộ Công an tổng kết và đều có kinh nghiệm tham mưu Chính phủ, Bộ Chính trị chỉ đạo địa phương phối hợp, chủ động phòng chống có hiệu quả.
“Chúng tôi thừa nhận cơ cấu tội phạm hậu Covid-19 đang rất phức tạp ở một số nhóm tội danh như: Mâu thuẫn trong nhân dân dẫn đến giết người thân, giết nhiều người thân, tội phạm tâm thần, ngáo đá, lừa đảo, tệ nạn xã hội, dâm ô…”, tướng Ngọc nêu thực tế.
Về phòng chống tham nhũng, Thứ trưởng Công an cho biết, qua các hội nghị gần đây có chỉ đạo, kết quả và dự báo trong thời gian tới. Qua 5 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi là Việt Á, Lãnh sự, Tân Hoàng Minh, FLC, AIC… đã kiến nghị tương đối sát với các nhóm.
Từ đó, tướng Ngọc đề nghị cần thiết hậu thanh tra, kiểm tra đảm bảo kiềm chế các đối tượng “không biết sợ”. Cùng với đó hoàn thiện một số chính sách pháp luật cho phù hợp, cảnh báo tình trạng lợi dụng sơ hở để sai phạm.
Ông cũng kiến nghị ứng dụng dữ liệu dân cư để xác thực định danh, chuyển đổi số. Khi làm tốt, người dân hạn chế dùng giấy tờ, gặp cơ quan công quyền thì tham nhũng vặt, bôi trơn sẽ hạn chế.
Phó Tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cũng nhìn nhận, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, có những mặt hình thức.
Do đó, theo ông Lam, phải thực hiện mạnh mẽ hơn các giải pháp công khai minh bạch; tăng cường trách nhiệm giải trình; chấp hành tiêu chuẩn, định mức; cải cách thủ tục hành chính; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập...
“Đây chính là các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Chúng tôi thấy rằng phải thực hiện thường xuyên, mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Chúng ta không chỉ chống, không chỉ xử lý nghiêm mà phải phòng ngừa tham nhũng”, Phó Tổng thanh tra nhấn mạnh.