Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế, cho biết thừa cân, béo phì đã trở thành một đại dịch có tính chất toàn cầu với hơn 4 triệu người chết mỗi năm, theo thống kê vào năm 2017.
Trước năm 1970, tỷ lệ béo phì ở trẻ em trong tuổi đi học chỉ khoảng 2% thì nay là 16%. Điều này có nghĩa là cứ 10 năm, tỷ lệ thừa cân, béo phì lại tăng từ 2-3 lần, tốc độ tăng theo hình thẳng đứng.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có khoảng 41 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì, một nửa trong số đó sống ở châu Á. Ở lứa tuổi từ 5-19, có khoảng 340 triệu em trong tình trạng tương tự.
Tại Việt Nam, tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 cho thấy trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân béo phì đã tăng gấp rưỡi sau một thập kỷ (từ 5,6% lên 7,4%), còn nhóm từ 5-19 tuổi đã tăng gấp đôi (từ 8,5% lên 19%). Riêng với người lớn, tỷ lệ này cũng tăng gần gấp đôi sau 10 năm (từ 12% lên 19,6%).
Vị chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh nếu trẻ em bị thừa cân, béo phì từ sớm do di truyền hay ảnh hưởng từ gia đình, trẻ sẽ gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý cũng như hậu quả về sức khỏe.
Nhiều yếu tố góp phần khiến trẻ bị thừa cân, béo phì như bà mẹ bị béo phì trước sinh, yếu tố di truyền, trẻ bị giảm thời gian ngủ, ít vận động, dinh dưỡng kém chất lượng, tích luỹ dần theo thời gian. Tuy nhiên, kiểm soát thừa cân, béo phì vẫn gặp nhiều trở ngại.
"Ngay trong môi trường sống và học tập của trẻ, chúng ta kêu gọi tăng cường vận động nhưng các em không có khoảng không để tập luyện thể thao. Đây là một yếu tố góp phần khiến chúng ta chưa cải thiện được tình trạng thừa cân, béo phì của trẻ", Phó giáo sư Mai nói.
Hiện nay, tỷ lệ người béo phì ở Việt Nam tính trên tổng dân số vẫn còn ở mức thấp hơn so với Malaysia, Thái Lan nhưng tốc độ tăng mỗi năm lại rất cao, ở mức 38% trong khi các nước Đông Nam Á là 10-20%/năm.
Các chuyên gia của Bộ Y tế cảnh báo thừa cân, béo phì là nguy cơ của nhiều loại bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ và ít nhất 13 loại ung thư. Đây là gánh nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội do phải tăng chi phí chăm sóc y tế, giảm năng suất lao động, giảm chất lượng cuộc sống.
Thừa cân và béo phì được định nghĩa là tình trạng tích tụ mỡ bất thường hoặc quá mức gây nguy hiểm cho sức khỏe. Chỉ số BMI trên 25 được coi là thừa cân và trên 30 là béo phì.