Tại sự kiện ra mắt bộ sách Không có sông quá dài - Không có đỉnh quá cao, GS Phan Văn Trường nói viết cuốn sách vì tình yêu và trách nhiệm đối với thế hệ đi sau, đồng thời muốn truyền tải cách hiểu đúng đắn về khởi nghiệp.
Theo ông, ngày nay con người dần nhầm lẫn giữa 'tiền' và 'giá trị', dẫn đến việc tìm ra vô số phương cách kiếm tiền nhưng không tạo thêm giá trị.
"Vì vậy, khởi nghiệp bị hiểu nhầm thành gom góp trong tay mọi yếu tố của quyền lực để nhanh kiếm tiền trong khi nó chất phác hơn nhiều: mỗi người làm một nghề, đóng một vai trong xã hội, phát triển sở trường, nâng cao sở đoản trong một tinh thần đùm bọc nhau", giáo sư nói.
GS Phan Văn Trường cùng 29 đồng tác giả đến từ các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, làm đẹp, dịch vụ, thời trang, y tế, an ninh mạng... nỗ lực hướng bạn đọc đi con đường đúng đắn của khởi nghiệp.
Phần 1 Không có sông quá dài do GS Phan Văn Trường chấp bút, chia sẻ kiến thức, góc nhìn và kinh nghiệm khởi nghiệp cá nhân. Phần 2 Không có đỉnh quá cao gồm 27 câu chuyện trải nghiệm gồm thành công lẫn thất bại của của những nhà khởi nghiệp.
Giáo sư Trường biết ơn 29 đồng tác giả đã 'rút ruột' chia sẻ bằng tình yêu và sự chân thành. Họ nhiều lần vấp ngã, từng trải qua những tình huống bi đát không mong muốn, thức trắng đêm tìm giải pháp cho các bài toán tưởng như bế tắc rồi cuối cùng cập bến thành công.
Nhờ vậy, bạn đọc không cảm thấy những chia sẻ về khởi nghiệp xa vời hay sáo rỗng mà hiểu thế nào là cơ hội, rủi ro, chướng ngại và vận may, từ đó vận hành tốt guồng máy của chính mình.
Thông điệp được nêu rõ: "Không thất bại nào là bắt buộc, không có thành công không ai với tới được".
Tác giả nhấn mạnh 2 cuốn sách không hướng dẫn người khởi nghiệp làm giàu, thậm chí chấn chỉnh tư duy sai như làm giàu nhanh bằng cách "đi tắt", tìm thành công nhanh bằng sản phẩm ảo, những cách làm hời hợt, gian xảo...
Ông muốn định nghĩa lại "khởi nghiệp" là tạo những giá trị bền vững từ đam mê thực tế có khả năng được toàn xã hội hưởng ứng dài lâu. Khi hiểu đúng, người khởi nghiệp sẽ làm đúng thay vì loay hoay rồi mất trắng thời gian, công sức, tiền bạc và tự làm xói mòn ý chí.
GS Phan Văn Trường mất nhiều thời gian đặt tựa sách vì khó tìm tựa bao trùm các vấn đề khởi nghiệp cũng như đời người. Trên tinh thần truyền tải sự tự tin và kiên trì cho người đọc, ông chọn 2 tựa ngắn gọn, khiêm tốn, có tính gợi mở cao.
Theo ông, "con sông nào rồi cũng ra biển lớn diễn tả hành trình thực chất mà vũ trụ đề nghị và ban cho mỗi người. Bạn đọc hãy tự tin, sớm muộn cũng thành công".
GS Phan Văn Trường không cố chọn 29 đồng tác giả còn lại vì muốn mọi thứ diễn ra thuận tự nhiên. Nhờ vậy, các câu chuyện trải nghiệm đa dạng về quy mô, giai đoạn, lĩnh vực... Ông tin nguyên tắc của sự sống là người đã trải nghiệm truyền lại cho người chưa thực nghiệm những bài học quý giá mà họ rút tỉa qua năm tháng thử thách.
Tác giả nói thêm, khởi nghiệp đi đôi với làm giàu và hạnh phúc. Khi khởi nghiệp với đam mê, mong muốn mang lợi ích cho xã hội, công việc sẽ không bao giờ nhàm chán vì người khởi nghiệp luôn biết cách tăng giá trị cho việc đang làm mỗi ngày, từ đó đạt được hạnh phúc dài lâu. Kế đến, ông quan sát và rút ra từ những người có sự nghiệp vĩ đại: đừng nghĩ đến tiền mà tập trung vào giá trị mình tạo nên, tiền sẽ tự đến.
GS Phan Văn Trường sinh năm 1946, là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, tác giả của bộ sách Một đời quản trị, Một đời thương thuyết, Một đời như kẻ tìm đường, Công dân toàn cầu – công dân vũ trụ...