Người đầu tiên đưa mì ăn liền Việt Nam “xuất ngoại”
Năm 1990, ông Nguyễn Trung Dũng là người đầu tiên đưa mì ăn liền Việt Nam xuất khẩu chính quy ra nước ngoài.
“Hồi đấy, các nhà máy mì Việt Nam chưa có giấy phép xuất khẩu mì ăn liền. Mình bỏ tiền nhờ một công ty xuất khẩu thủ công mỹ nghệ hỗ trợ xin giấy phép xuất khẩu và trở thành những người đầu tiên mang mì ăn liền Việt Nam sang cho người Tây trải nghiệm”, ông Dũng nhớ lại.
Nhắm đến tập khách hàng là 40 triệu người dân Ba Lan chứ không chỉ cộng đồng người Việt tại Ba Lan, ông Dũng mang mẫu mì ăn liền sang để người Ba Lan ăn thử. 10 người ăn thì 9 người nói “ngon nhưng cay”.
Nghe các bạn Ba Lan nói vậy, ông Dũng cũng ăn thử nhưng không thấy cay mấy. Về kể với nhà máy sản xuất mì rằng khách hàng bảo cay quá, lúc đầu phía nhà máy cũng khẳng định không cay vì không có ớt, sau nhiều lần thử đi thử lại thì mới phát hiện ra trong gói gia vị của gói mì có nhiều hạt tiêu. Đối với người châu Âu, hạt tiêu tạo ra vị cay khiến họ không thích.
“Nhận thấy cần phải thay đổi cho phù hợp khẩu vị của người tiêu dùng tại Ba Lan, mình đề nghị nhà máy bỏ bớt hạt tiêu, phía nhà máy đồng ý ngay vì giảm nguyên liệu đầu vào thì họ càng thích. Thay đổi theo khẩu vị của người bản xứ, những lô hàng mì ăn liền Việt Nam không có hồ tiêu nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Ba Lan, chinh phục thị trường Đông Âu, thậm chí áp đảo cả mì Thái Lan, Hàn Quốc… Có những lúc 1 tháng mình xuất khẩu 100 container 40 feet”, ông Dũng kể tiếp.
Doanh số bán mì có lúc đạt gần 10 triệu USD/năm là kết quả mĩ mãn dành cho ông Dũng cùng nhóm bạn du học sinh tại Ba Lan sau nhiều năm chật vật khởi nghiệp trên “đất khách” với nhiều ngành nghề khác nhau như mở quán ăn, mở quán trong trung tâm thương mại, nhập hàng từ Việt Nam sang bán…
Ông đã trở thành một trong rất ít doanh nhân người Việt thành công trong việc đưa sản phẩm Việt Nam vào các hệ thống siêu thị trên khắp đất nước Ba Lan ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước.
“Lắng nghe khách hàng” là bí quyết được ông Dũng đúc kết từ những ngày đầu khởi nghiệp, sau này tiếp tục phát huy tác dụng, giúp doanh nghiệp do ông gây dựng vươn ra thị trường quốc tế, tạo dựng chỗ đứng tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Anh…
Khởi nghiệp lần thứ tư ở tuổi "ngũ tuần"
Sau hơn 30 năm sinh sống và phát triển hoạt động kinh doanh ở Ba Lan, ông Dũng từng 3 lần khởi nghiệp.
Cuối năm 2012, mặc dù đang giữ vị trí cao ở một tập đoàn tại Việt Nam, thu nhập rất tốt, nhưng vì muốn được làm những việc mình thích, được làm theo cách của mình, ông Dũng quyết định khởi nghiệp lần thứ tư ở tuổi "ngũ tuần" với Công ty Cổ phần Dh Foods, tập trung khai thác tiềm năng của ngành gia vị Việt Nam.
“Gia vị Việt Nam rất phong phú, nhiều tiềm năng phát triển. Các vùng địa lý, khí hậu đều có những dòng gia vị địa phương độc đáo. Ngay bản thân mình cách đây mấy năm mới phát hiện ra một số gia vị vùng Tây Bắc như hạt dổi, mắc khén, chẩm chéo…, thơm ngon hơn rất nhiều so với các loại gia vị trước đây nhưng nhiều người không biết dùng để làm gì”, ông Dũng chia sẻ nguyên nhân và động lực thôi thúc ông tìm cách đẩy mạnh kinh doanh các loại gia vị địa phương, đặc sản vùng miền.
Hơn 30 năm sống ở nước ngoài, thấy mọi người dùng sản phẩm từ nguyên liệu tự nhiên tốt cho sức khỏe, ông cũng mong muốn làm ra được những sản phẩm tốt từ nguyên liệu tự nhiên của Việt Nam.
Hiện tại, Dh Foods đã sản xuất được nhiều sản phẩm gia vị địa phương từ đa dạng vùng miền như: Muối tôm Tây Ninh, Muối ớt chanh Nha Trang, gia vị Tây Bắc, dòng sản phẩm Mắm đặc sản miền Tây….
“Lúc đầu cũng khá vất vả vì không hóa chất, không dùng màu tổng hợp thì sản phẩm dễ bị hỏng, bị xuống màu. Có những lúc hàng trả về còn nhiều hơn bán ra, nhưng mình vẫn kiên trì con đường của mình, dần dần chinh phục các siêu thị. Sau vài năm, sản phẩm Dh Foods “phủ” được tất cả siêu thị ở Việt Nam từ lớn đến nhỏ”, vị Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tóm tắt hành trình phát triển của doanh nghiệp mình.
Ở tuổi “ngũ tuần”, ông Dũng chọn khởi nghiệp theo cách “phát triển bền vững của người lớn tuổi”.
Ông vui vẻ tâm sự: “Thời trẻ, muốn phát triển kinh doanh nhanh nhất, tạo dựng công ty lớn nhất có thể, mình làm suốt ngày đêm, sẵn sàng vay vốn, tìm các nguồn tài chính khác để triển khai ý tưởng kinh doanh. Nhưng với Dh Foods, 12 năm nay, nếu cần vốn để phát triển sản phẩm hoặc dòng sản phẩm mới thì mình sẽ tích lũy dần, chậm cũng được, không sao cả. Đến giờ, công ty vẫn chưa phải vay ngân hàng đồng nào. Đã 12 năm nhưng mình vẫn cảm giác hôm qua mới khởi nghiệp. Hàng ngày đi làm vẫn thấy niềm vui. Hiện Dh Foods có rất nhiều người trẻ, bởi phương châm tuyển người của mình là thích tuyển sinh viên. Giờ đã hơn 50 tuổi nhưng mình vẫn được các em nhận xét là người trẻ nhất, vui tính nhất công ty”.
Công ty nhỏ vươn tầm quốc tế
Ẩm thực Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến hơn trên thế giới, từ phở đến bánh mì, bún chả…, mỗi món đều đi kèm theo các loại gia vị riêng. Có thể nói, món ăn Việt Nam đi đến đâu thì gia vị Việt Nam đi theo đến đó. Đấy là lợi thế của gia vị Việt.
Sau khi chinh phục hệ thống siêu thị tại Việt Nam, người đứng đầu Dh Foods bắt đầu tính chuyện xuất khẩu, tìm những sản phẩm phù hợp để nhắm tới người bản xứ tại mỗi thị trường ngoại.
Lúc đầu, doanh nghiệp gia vị Việt xuất khẩu những sản phẩm mình có, dần dần xuất khẩu cả sản phẩm theo yêu cầu của đối tác, khách hàng ngoại. Có khách hàng muốn nhập khẩu sốt của Dh Foods nhưng yêu cầu không dùng bột ngọt. Lại có khách hàng yêu cầu lượng muối chỉ chiếm khoảng 2%. Doanh nghiệp của ông Dũng sẵn sàng thay đổi để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng ở thị trường mục tiêu.
“Ngày xưa ở Ba Lan mình là người nhập khẩu, bây giờ về Việt Nam, mình “đổi vai” thành người xuất khẩu. Mình hiểu rằng những vấn đề khách hàng quan tâm và yêu cầu thay đổi không phải gây khó dễ mà thực ra họ đang giúp mình đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng tại nước đó. Điều này rất đáng quý nên mình không cảm thấy có gì khó chịu khi khách hàng đưa ra những yêu cầu cụ thể. Ngay từ ban đầu, tất cả bao bì nhãn mác mình đều làm theo yêu cầu của khách hàng. Từng nhập khẩu nhiều nên mình biết, sản phẩm nhập khẩu phải có bao bì đạt chuẩn, nhãn mác theo tiếng địa phương, chứ còn chỉ dán một cái tem kèm phía sau thì người mua không thích. Vì thế, mình sẵn sàng in bao bì hoàn toàn mới cho từng thị trường. Khách hàng chỉ cần đặt mấy chục thùng thôi mình cũng sản xuất theo yêu cầu của họ. Nhiều khách hàng cảm thấy khá ngạc nhiên khi mình làm như vậy”, ông Dũng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân.
Ngay từ giai đoạn đầu trên hành trình đưa gia vị Việt Nam ra thị trường quốc tế, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Dh Foods tập trung chọn ngay những thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Canada, châu Âu… - những thị trường thích sản phẩm chất lượng cao và sản phẩm tự nhiên, người tiêu dùng có thể chấp nhận giá cao hơn một chút để dùng sản phẩm ưng ý.
Lãnh đạo doanh nghiệp Việt cùng các cộng sự dành nhiều thời gian, tâm sức tham gia triển lãm quốc tế, trực tiếp đi vào các siêu thị để tìm hiểu thực tiễn, thu thập thêm thông tin qua đối tác nước ngoài, và dành nhiều thời gian nghiên cứu các xu hướng thị trường, tiếp cận các báo cáo thị trường... Trên cơ sở đó xây dựng những sản phẩm xuất khẩu hướng tới cả tương lai.
Ở vị thế một công ty nhỏ và vừa, “sếp” Dh Foods luôn tâm niệm: Để xuất khẩu được, trước hết phải làm được sản phẩm chất lượng tốt ngay tại thị trường nội địa. Làm tốt nhất có thể các sản phẩm và dịch vụ trong nước rồi lúc đấy mới nên ra nước ngoài. Vì ra nước ngoài phải cạnh tranh với nhiều đối thủ rất lớn, với những yêu cầu rất khắt khe.
Hiện Dh Foods có hơn 100 sản phẩm đang có mặt trên thị trường (lúc đỉnh điểm có gần 200 sản phẩm). Nhiều khi ra mắt cả chục sản phẩm nhưng chỉ 3 – 4 sản phẩm tồn tại hoặc ít hơn, nhưng doanh nghiệp này vẫn liên tục ra sản phẩm mới. Bởi vì có những sản phẩm ở nội địa bán không được nhưng khách hàng Trung Quốc hoặc khách hàng châu Âu lại thích. Có nhiều sản phẩm thì khách dễ lựa chọn hơn. Tạo ra nhiều sản phẩm, tạo nhiều lựa chọn cho khách hàng chính là một thế mạnh của Dh Foods so với các đối thủ cạnh tranh.
Cách đây khoảng nửa năm, một khách hàng Nhật gửi email cho lãnh đạo Dh Foods với nội dung: “Chúng tôi đã nhập khẩu rất nhiều sản phẩm từ các nước châu Á, Đông Nam Á về hệ thống siêu thị của mình, nhưng các bạn là một trong những công ty có dịch vụ tốt nhất”. Đó là lời khen cực kỳ ý nghĩa dành tặng Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Trung Dũng cũng đội ngũ Dh Foods.
“Năm vừa rồi đi triển lãm ở Mỹ, Đức, lúc về, ban lãnh đạo Dh Foods quyết định đầu tư nhà máy công nghiệp để đạt những chứng chỉ cao nhất, qua đó có thể nói chuyện được với các hệ thống siêu thị lớn trên thế giới. Ở Việt Nam, tính tổng cộng có khoảng hơn 10.000 siêu thị, nhưng ở nước ngoài, chỉ 1 hệ thống siêu thị lớn cũng có thể lên tới 30.000 siêu thị nhỏ. Quyết định đầu tư nhà máy công nghiệp được đánh giá khá mạo hiểm trong giai đoạn khó khăn, nhưng mình chấp nhận sự mạo hiểm đó. Nếu vào được hệ thống siêu thị quốc tế thì tầm của mình sẽ khác hẳn”, ông Dũng chia sẻ dự tính lớn trong tương lai.
“Làm thật tốt chất lượng sản phẩm, dịch vụ, kiên trì, không vội, cứ làm đến thời điểm chín muồi, tích lũy đủ vốn thì bắt đầu đi tìm khách nước ngoài. Luôn phải lưu ý, cải tiến, lắng nghe khách hàng. Nhanh hay chậm không quan trọng, miễn sao đáp ứng yêu cầu của khách hàng” là bí quyết kinh doanh của “ông trùm” gia vị Việt. |