Anh N.T.D (trú tại Long Biên, Hà Nội) chia sẻ cách đây hơn 2 tháng, anh và 3 người bạn phải nhập viện cấp cứu vì ăn hàu sống. Ngoài đau bụng, tiêu chảy, người đàn ông này cho biết toàn thân ớn lạnh. Cơn lạnh tới tận xương tủy rồi lại chuyển sang nóng, mồ hôi đổ như tắm. Ba người bạn của anh cũng có triệu chứng tương tự.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Thăng Vân, Phụ trách khoa Hồi sức tích cực Nội Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), cho biết bệnh viện từng tiếp nhận một người bị nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (tảo biển) do ăn hàu sống. Dù đã được chăm sóc và điều trị tích cực nhưng người bệnh đã không qua khỏi.
Kết quả xét nghiệm cấy máu cho thấy người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Đây là loại vi khuẩn gây ra viêm ruột cấp tính, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn toàn thân và có thể dẫn đến tử vong. Vi khuẩn này sống ký sinh trong hải sản như cua, cá, tôm, hàu, sò, hà… của vùng nước lợ và nước mặn, ngoài ra còn tìm thấy trong cát, bùn, nước biển bị ô nhiễm.
Theo bác sĩ Võ Duy Tâm, chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM, hàu là món ăn dinh dưỡng, giàu đạm, kẽm và các axit béo. Hàu được nam giới đặc biệt yêu thích vì họ cho rằng nó có chức năng cải thiện khả năng tình dục.
Về mặt tác dụng của hàu, bác sĩ Tâm cho biết đây là hải sản dạng nhuyễn thể tốt cho sức khỏe. Trong 100g hàu có khoảng 1,5g chất béo, 10,9g protein, carbohydrates, ngoài ra còn có các loại vitamin như A, B1, B2, B3, C, D giúp cho cơ thể được tăng cường khả năng chống viêm.
Tuy nhiên, nhiều người ăn hàu tái vì nghĩ rằng tái càng tốt và giữ được độ tươi ngon, ngọt của thực phẩm. Đây là quan niệm sai lầm. Hàu sống có nguy cơ nhiễm vi khuẩn nếu môi trường nước không đảm bảo chất lượng. Hàu còn là thực phẩm giàu đạm. Do đó, nếu hàu chết các axit amin nhanh chóng biến đổi chất sinh ra độc tố và người ăn có thể bị ngộ độc thực phẩm.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, trong quý I/2023 đơn vị này đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản Miền Bắc thu, phân tích mẫu môi trường tại các vùng nuôi hàu tập trung tại Vân Đồn, Quảng Ninh.
Kết quả xét nghiệm cho thấy mật độ Vibrio tổng số và Coliform tổng số trong nước cao. Kết quả phân tích mẫu hàu cũng phát hiện vi khuẩn Vibrio fluvialis, V. parahaemolyticus và V. alginolyticus với tần suất bắt gặp 1/6 và 2/6 mẫu.
Từ đầu năm 2023, Quảng Ninh chưa phát hiện có dịch bệnh trên sản phẩm cá biển và hàu. Tuy nhiên, Chi cục Thủy sản Quảng Ninh khuyến cáo tới người tiêu dùng không nên ăn hàu sống tại thời điểm này, chỉ sử dụng các món đã được chế biến và nấu chín.
Ngoài ra, người dân lưu ý, khi mua hàu tươi, nên rửa sạch nếu chưa dùng ngay, có thể cho hộp kín để ngăn mát tủ lạnh từ 1 đến 2 ngày hoặc bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh. Cách này có thể giữ được độ tươi của hàu lên đến vài tuần.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đẩy mạnh quy hoạch vùng nuôi sạch để đảm bảo mật độ, chất lượng nguyên liệu, chất lượng nguồn hàu cung cấp cho thị trường.