Chiều 29/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Vượt cơ cấu vốn, không phù hợp theo quy định
Nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh kiến nghị của Chính phủ điều chỉnh 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm mà bộ ngành, địa phương đề xuất trả lại để chuyển sang lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để đầu tư cho 3 dự án thuộc ngành giao thông.
Cụ thể, bổ sung 407 tỷ đồng cho dự án đầu tư đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; bố trí 230 tỷ đồng cho dự án đường tránh phía Đông TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; bổ sung 295 tỷ đồng cho dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc điều chuyển để phân bổ từ lĩnh vực y tế và an sinh xã hội, lao động việc làm sang lĩnh vực giao thông vận tải là “vượt cơ cấu vốn, không phù hợp theo quy định của Nghị quyết 43”.
Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị không điều chỉnh sang lĩnh vực khác mà tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc lĩnh vực xã hội chưa được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc bố trí vốn chưa đầy đủ để triển khai thực hiện.
Còn với 3 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, có thể bố trí từ nguồn chưa phân bổ 11.437 tỷ đồng thuộc lĩnh vực đầu tư hạ tầng để bảo đảm tuân thủ quy định mức tối đa 113.550 tỷ đồng Quốc hội đã quyết nghị.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cũng bày tỏ băn khoăn trước đề xuất chuyển 932 tỷ đồng từ lĩnh vực y tế, an sinh, lao động việc làm sang 3 dự án giao thông. Bởi trong 3 dự án giao thông chỉ 1 dự án là “khẩn cấp”.
Nêu thực tế qua đi giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng: “Anh em ngành y đang khổ, việc nhiều, đón nhiều đoàn thanh tra, kiểm toán, nên nhiều khi rà soát, chuẩn bị thủ tục dự án không kịp”.
Nhấn mạnh ngành y tế đang cần được đầu tư, ông Phong chia sẻ thêm: “Nhân lực y tế nghỉ việc rất lớn và hàng loạt vấn đề khác đặt ra nữa. Do đó nếu lấy số tiền trên chuyển cho giao thông, đứng ở phía người làm trong ngành y sẽ tủi thân”.
Vì vậy, ông Phong đề nghị tiếp tục rà soát để báo cáo bổ sung dự án sau này cho ngành y.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, không nên điều chỉnh 932 tỷ đồng vốn dành cho ngành y tế, an sinh, lao động việc làm cho lĩnh vực khác, nhất là giao thông. Bởi vốn dành cho hạ tầng giao thông cần nhiều, bao nhiêu cũng không đủ, trong khi ngành y cũng đang rất cần nhưng hiện do vướng nên chưa thể triển khai.
Ông Tùng nói và đề nghị ngành y tế rà soát lại để có thể bố trí vốn cho các dự án của ngành này.
Không nên chuyển từ “chỗ này sang chỗ kia”
Giải trình nội dung này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói, trong 932 tỷ đồng của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm, Chính phủ dự kiến bố trí cho Bộ Xây dựng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 130 tỷ đồng, nhưng 2 đơn vị này đã có văn bản xin không sử dụng. Số còn lại 802 tỷ đồng của lĩnh vực y tế, sau rà soát, Bộ Y tế cũng xin chưa sử dụng.
Theo Thứ trưởng Trần Quang Phương, nếu giữ lại thì mất nhiều thời gian tìm dự án phù hợp với tiêu chí, nguyên tắc và triển khai thủ tục tiếp theo. Để sử dụng đồng vốn hiệu quả, Chính phủ đề xuất cho 3 dự án giao thông sắp hoàn thành.
Còn số tiền vốn đầu tư công trung hạn 11.000 tỷ đồng thực tế đã được thông báo làm thủ tục đầu tư cho 6 dự án phân cấp cho địa phương thực hiện. Vì vậy, nếu sử dụng từ nguồn 11.000 tỷ đồng thì sau khi các dự án trên đủ thủ tục đầu tư, sẽ không có nguồn bù đắp.
Do đó, việc lấy 932 tỷ đồng từ nguồn 11.000 tỷ đồng cho 3 dự án giao thông là rất khó, nên Chính phủ đề xuất lấy từ khoản tiền ngành y tế, an sinh, lao động việc làm tạm chưa sử dụng.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, theo Nghị quyết 43, mức vốn tối đa đầu tư cho lĩnh vực y tế là 14.000 tỷ đồng, nhưng nghị quyết này cũng đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.
Căn cứ hướng dẫn của các bộ, ý kiến của tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Y tế đã có 10 văn bản, cũng như tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành để làm rõ tiêu chí, tiêu chuẩn dự án.
“Chúng tôi có mốc thời gian cụ thể, và đến thời hạn mà địa phương không báo cáo thì có nghĩa là không có nhu cầu, chứ bộ không chờ đợi vì đã chậm tiến độ”, ông Tuyên nói.
Bộ Y tế đã rà soát rất kỹ, họp nhiều lần, có văn bản trao đi, đổi lại thì giảm từ 272 dự án xuống còn 144 dự án đảm bảo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn của Nghị quyết 43. Do đó, tổng mức đầu tư chỉ dự kiến còn 13.198 tỷ đồng, thấp hơn 802 tỷ đồng.
“Nhu cầu đầu tư cho y tế rất lớn nhưng phải bám vào Nghị quyết 43 của Quốc hội. Hiện các dự án, địa phương đã, đang phê duyệt chủ trương đầu tư và phải xong trước 31/8/2022”, Thứ trưởng Y tế cho hay.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát đề bố trí vốn, sử dụng số tiền 932 tỷ đồng cho các lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm. Số tiền này không đáng bao nhiêu, không nên chuyển từ “chỗ này sang chỗ kia”.