Cuộc chia ly vĩnh viễn

Sinh thời, tỷ phú Nguyễn Tấn Đời nổi tiếng giàu có, được người cùng thời đặt cho biệt danh “vua nhiều ngai” của Sài Gòn xưa. Tài kinh doanh cùng sự giàu có tột bậc của ông đến ngày nay vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên và thán phục.

Dẫu nổi tiếng, được nhiều người biết đến nhưng không như một số tỷ phú cùng thời, “vua nhiều ngai” Sài Gòn không sa đà vào ăn chơi, hưởng lạc. Ngoài mối tình đầu và người vợ “bất đắc dĩ”, ông không có những mối quan hệ yêu đương khiến người đời cười chê.

Mối tình đầu của tỷ phú Nguyễn Tấn Đời bắt đầu từ khi ông đang học ở Long Xuyên. Lúc bấy giờ, cậu thanh niên Tấn Đời ỷ thế gia đình giàu có nên chơi nhiều hơn học.

trieu-phu-1.png
Chân dung tỷ phú Nguyễn Tấn Đời. Ảnh: Hồi ký Nguyễn Tấn Đời

Phát hiện sự việc, cha mẹ Tấn Đời bắt cậu phải học thêm lớp buổi tối. Thời gian này, Tấn Đời gặp gỡ thiếu nữ T.K.X. đang tuổi đẹp như trăng rằm.

Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, chàng thanh niên Tấn Đời đã ngây dại trước sắc đẹp của cô gái quê Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay). T.K.X. có dáng người thon thon, da trắng hồng mịn màng. Đặc biệt, cô có đôi mắt đen láy với hàng lông mày cánh phượng tuyệt mỹ.

Trong hồi ký, tỷ phú Nguyễn Tấn Đời miêu tả mối tình đầu của mình có đôi bàn tay nuột nà. Giọng nói của cô ngọt ngào đủ làm người nghe quên hết muộn phiền.

Sau nhiều lần “gặp nhau chỉ len lén nhìn và khẽ mỉm cười để bày tỏ nỗi niềm", đôi trẻ yêu nhau tha thiết. Thậm chí, Tấn Đời thề hẹn sau khi học xong sẽ cưới K.X. và "cùng dìu nhau đi hết đường đời”.

Thế nhưng, trong lúc tình yêu đang thăng hoa, Tấn Đời bất ngờ bị bố mẹ ép lên Sài Gòn học. Dù không muốn, nhưng chàng thanh niên buộc phải tạm biệt người yêu.

Cả hai hẹn gặp nhau lần cuối tại khu nhà bỏ hoang. Sau những giây phút ngồi bên nhau trong im lặng, Tấn Đời bắt đầu lời chia tay bằng mơ ước được sống cùng K.X. trong ngôi nhà có nhiều cây trái.

Nghe lời ấy, đôi mắt thiếu nữ đang yêu ánh lên niềm hạnh phúc. Cô hỏi lại người mình yêu rằng, liệu cả hai có thể tạo dựng và giữ được ước mơ ấy hay không.

Không một chút do dự, Tấn Đời nói, dù bây giờ chỉ là mơ ước nhưng sẽ quyết hiện thực hóa giấc mơ ấy của mình. Sau đó, ông hỏi K.X. có sẵn lòng chờ đợi mình theo đuổi công danh, sự nghiệp hay không.

W-ti-phu-5.JPG.jpg
Vị trí trước đây từng là khách sạn Mai Loan nổi tiếng của tỷ phú Nguyễn Tấn Đời. Ảnh: Hà Nguyễn

Cô gái trẻ gật đầu đồng ý. Không những không níu giữ, cô còn ủng hộ Nguyễn Tấn Đời theo đuổi sự nghiệp và tin tưởng ông sẽ thành công trong tương lai.

Câu trả lời khiến Tấn Đời hạnh phúc như vỡ tung lồng ngực. Ông nắm lấy tay người yêu, nhìn vào đôi mắt long lanh đang ánh lên niềm hạnh phúc, rồi hứa sau khi tốt nghiệp sẽ trở về cưới cô, nếu có xuất ngoại cũng sẽ mang cô theo.

Sau cái nắm tay đầu tiên ấy, đôi tình trẻ chia tay trong quyến luyến. Tấn Đời lên Sài Gòn, còn T.K.X. ở lại Long Xuyên học tiếp rồi về quê Rạch Giá. Ngăn cách địa lý khiến cả hai chỉ có thể trao gửi yêu thương qua những lá thư tay.

Trong thư, ông Đời nhắc nhớ lời mình đã hứa và quả quyết sẽ trở về cưới K.X, nhưng sau đó cặp đôi mất liên lạc. Tấn Đời nhiều lần tìm kiếm K.X. nhưng vô vọng. Ông tìm kiếm tình cũ từ những năm tuổi trẻ cho đến khi đã thành công trên đường đời.

Dẫu vậy, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn không có tin tức gì về bà T.K.X.

Cưới người mình chưa quen mặt

Ông viết: “Sau này, khi đã thành công lừng lẫy trên đường đời, tôi cố gắng tìm ra tung tích nàng. Quê nàng ở Rạch Giá, tôi ra ứng cử dân biểu ở Rạch Giá, tôi mở chi nhánh ngân hàng Tín Nghĩa ở Rạch Giá…

Tôi hỏi thăm những người ở nơi đây về tung tích của nàng nhưng bặt vô âm tín. Tôi lần mò về đến tận nơi nàng ở, ngôi làng của nàng. Nhưng tất cả những gì tôi tìm thấy chỉ là một ngôi làng hoang tàn, trơ trụi”.

Mối tình đầu khắc sâu vào lòng Nguyễn Tấn Đời. Ông hầu như không màng đến những người con gái khác. Thậm chí, khi đã trở thành "vua gạch ngói" Sài Gòn, ông vẫn không nghĩ đến chuyện yêu đương, lập gia đình.

ti-phu-4.png
Vợ chồng tỷ phú Nguyễn Tấn Đời (ngồi, hàng dưới) chụp ảnh kỷ niệm cùng nhân viên nhà hàng của ông. Ảnh: Hồi ký Nguyễn Tấn Đời

Chuyện này khiến mẹ ông đứng ngồi không yên. Bà muốn con trai lập gia đình, sinh con nối dõi tông đường. Thấy con liên tục thoái thác chuyện cưới vợ, bà đến trụ sở hãng gạch Đời Tân gặp, đòi ông phải cưới vợ mới chịu ra về.

Không thể thoái thác, ông nói vu vơ: “Má ra văn phòng của con xem mấy cô con gái chủ nhà, có cô nào hợp mắt má, má chịu thì con cưới cho vừa lòng má”. Nói xong câu ấy, ông tưởng sẽ không bị mẹ ép lấy vợ nữa.

Nào ngờ, mẹ ông như trút bỏ được gánh nặng trong lòng. Bà nhìn qua một lượt rồi chọn cô gái đứng may đồ trong tiệm may nhỏ kế bên trụ sở hãng gạch.

Không cần hỏi lại con trai, bà đến gặp bố mẹ cô gái, đặt vấn đề, hỏi cưới cô cho ông chủ hãng gạch Đời Tân. Trở về, bà thông báo cho con trai rằng, mình chọn cô thợ may làm dâu và đã đi xem tuổi cho hai người.

Nghe chuyện, ông bàng hoàng, không biết trả lời mẹ ra sao. Đêm nằm, ông nghĩ đến thiếu nữ sẽ là vợ của mình. Lúc này, ông mới loáng thoáng nhớ đến cô gái bán vải trong chợ Sài Gòn, có tiệm may nhỏ gần hãng gạch của mình.

Dẫu vậy, ông vẫn không có ấn tượng gì về cô. Sáng hôm sau, ông bí mật vào chợ Sài Gòn, tìm đến sạp vải của cô, lén xem mặt người sẽ là vợ mình trong tương lai.

Tại đây, ông thấy cô gái thật dễ thương. Cô có đôi mắt sáng, lộ vẻ hiền từ, chân thật. Đặc biệt, ông nhận thấy cô gái là người siêng năng, không đua đòi chưng diện.

Quan trọng hơn, ông thấy cô có nhiều nét giống với mối tình đầu của mình. Trở về, ông gật đầu xác nhận với mẹ về việc cưới cô gái mà bà đã chọn.

Tháng 12/1950, "vua gạch ngói" Sài Gòn cưới cô gái bán vải xinh đẹp trong hôn lễ đầy ắp niềm vui. Về làm vợ người giàu có bậc nhất Sài Gòn, cô gái bán vải năm nào không ỷ thế chồng giàu mà sống xa hoa, lãng phí.

Đổi lại, bà cần kiệm, giúp chồng quán xuyến nhà cửa. Bà nổi tiếng hiền hòa, hiếu thuận với 2 bên cha mẹ.

Bà cũng được đánh giá là khéo chiều chồng, giỏi nuôi dạy con. Chính sự khéo léo ấy của bà đã giúp vị tỷ phú dù lúc trên đỉnh cao giàu có, hay khi vấp ngã đến trắng tay vẫn có được hạnh phúc gia đình.

Trong hồi ký của mình, vị tỷ phú được mệnh danh là "vua ngân hàng" Sài Gòn viết: “Tôi rất hoan hỉ được ghi vào đây vài dòng để tỏ lòng ghi ơn người vợ hiền đã cùng tôi gắn bó suốt cuộc đời vui buồn, hoạn nạn.

Người đã can đảm giúp tôi không ít trong suốt thời gian lập nghiệp, và dựng lại cơ nghiệp đến thành công một cách vẻ vang, mà tôi nghĩ ít người được tốt số như tôi…

Người vợ đã thấu hiểu và thương yêu, chiều chồng đúng cách nên mọi giao tế, gặp nhiều tình cảm thoáng qua trong lúc bon chen lập nghiệp, dù có buồn đôi chút cũng không gây một hiểu lầm nho nhỏ nào đáng tiếc cho hạnh phúc gia đình.

Tôi ví người như một bà tiên hiền hòa đã vun xới, thúc đẩy thêm cho sự nghiệp của tôi vậy”.