LỜI TOÀ SOẠN

Suốt hơn 100 năm qua, người dân TP.HCM vẫn truyền tụng câu nói nổi tiếng: nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa (hay tứ Định) khi nhắc đến bốn vị đại phú hào giàu có bậc nhất Sài Gòn xưa.

Sở hữu ruộng đất bao la, khối tài sản khổng lồ, vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, độ giàu có của những nhân vật này không chỉ bó hẹp trong Sài Gòn mà còn đứng ở vị trí nhất, nhì ở Đông Dương.

Tuyến bài Gia sản khổng lồ của đại phú hào Sài Gòn xưa lật mở những thông tin tư liệu để bạn đọc có thể hình dung được phần nào về mức độ giàu có đến choáng ngợp của những nhân vật nổi tiếng này.

Ruộng đất bao la, cò bay mỏi cánh

Trưa tháng 3, TP.HCM nắng nóng như đổ lửa, chúng tôi đến thăm quan nhà thờ Huyện Sỹ (quận 1). Đây là một trong những nhà thờ có khuôn viên rộng rãi, khoáng đãng nhất tại TP.HCM.

Với gam màu trắng sáng chủ đạo, khối kiến trúc toát lên vẻ đẹp trang nghiêm. Tính đến nay, nhà thờ đã ngoài trăm tuổi và là nơi lưu dấu về Huyện Sỹ, người đứng đầu trong tứ đại phú hào Sài Gòn xưa.

Huyện Sỹ tên thật là Lê Nhứt Sỹ (1841 - 1900). Ông sinh ra tại Sài Gòn trong một gia đình theo Công giáo. Thuở nhỏ, ông được các tu sĩ người Pháp đưa sang Malaysia học tập.

Trong thời gian này, Lê Nhứt Sỹ đổi tên thành Lê Phát Đạt do tên cũ trùng với tên một người thầy của ông. Trở về Sài Gòn, ông được bổ nhiệm làm thông ngôn, rồi trở thành Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam kỳ.

W-dai-phu-hao-1.jpg
Nhà thờ Huyện Sỹ, nơi lưu dấu về vị đại phú hộ giàu có nhất Sài Gòn xưa. Ảnh: Hà Nguyễn

Sau đó không lâu, ông được phong hàm lên cấp huyện. Dù đã đổi tên nhưng người dân vẫn quen gọi ông bằng cái tên Nhứt Sỹ. Danh xưng Huyện Sỹ gắn bó với ông từ đó.

Huyện Sỹ giàu lên không phải nhờ chức tước, bổng lộc. Trong sách Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển cho rằng, Huyện Sỹ giàu lên là nhờ việc gom tiền mua rẻ những thửa đất có địa thế tốt do chính quyền Pháp phát mãi.

Sau khi mua lại, ông trồng lúa trên các mảnh đất này. Lúa trúng mùa, Huyện Sỹ thu về lượng lớn thóc gạo. Nhận thấy đầu tư có lãi lớn, ông tiếp tục vay mượn tiền bạc để mua đất khắp Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ thuộc tỉnh Long An ngày nay.

Có ruộng đất, ông thuê người canh tác, trồng lúa. Lúa liên tiếp trúng mùa, ông Sỹ giàu lên nhanh chóng và tiếp tục có tiền để mua thêm điền sản ở nhiều nơi.

Trong thời kỳ cực thịnh, gia đình Huyện Sỹ nắm trong tay toàn bộ vùng đất trù phú ở Gò Công, Long An, Tiền Giang kéo dài đến tận biên giới Campuchia.

Giai đoạn này, dân gian thường có câu "cò bay mỏi cánh cũng không hết đất của ông Huyện Sỹ". Gia đình Huyện Sỹ giàu có đến mức xuất hiện giai thoại ông có một kho tiền bí mật. Để đảm bảo tiền không mốc, hỏng, ông thuê hẳn một nhóm người bảo quản, đem tiền ra phơi nắng rồi cất lại vào kho.

Giàu có, Huyện Sỹ Lê Phát Đạt cho con cái du học ở những trường danh giá của Pháp. Khi các con trưởng thành, trở về nước, ông chia cho quản lý một phần tài sản ở những vùng khác nhau.

Sau này, con cháu của ông gồm: Lê Thị Bình (mẹ Nam Phương Hoàng hậu), Lê Phát An, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân đều là những đại điền chủ nổi tiếng có nhiều đất ở Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ và Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An ngày nay). Trong số này, người con Lê Phát An của ông là nổi tiếng nhất.

Gia tộc giàu có hơn vua Bảo Đại

Không chỉ sở hữu ruộng đất bao la ở các tỉnh miền Tây, Huyện Sỹ còn mua một loạt khu đất ngoại thành Sài Gòn, đặc biệt là ở khu vực quận Gò Vấp ngày nay để làm kho xưởng, nhà máy rồi cho người khác thuê lại.

Tại đây, ông cũng cho xây dựng hàng nghìn căn nhà để cho thuê. Các giai thoại đều khẳng định, đất đai của Huyện Sỹ bao trùm một vùng rộng lớn của Sài Gòn, kéo dài từ ngoại thành đến các quận 1, Tân Bình, Gò Vấp.

Cho đến bây giờ, dù đã trải qua hơn 100 năm, các dấu tích, minh chứng cho nhận định trên vẫn hiện hữu tại TP.HCM gồm: Nhà thờ Huyện Sỹ (quận 1), nhà thờ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), nhà thờ Chí Hòa (quận Tân Bình).

Tất cả các nhà thờ này đều xây trên đất của Huyện Sỹ. Trong số này, nhà thờ Huyện Sỹ hay còn gọi nhà thờ Chợ Đũi là nổi tiếng hơn cả.

Theo các tài liệu còn sót lại, nhà thờ này được Huyện Sỹ Lê Phát Đạt hiến đất và xuất 1/7 gia tài để xây dựng. Tính theo thời giá lúc bấy giờ, chi phí xây dựng nhà thờ Huyện Sỹ trên 30.000 đồng bạc Đông Dương. Đây được nhận định là một số tiền cực lớn vào thời điểm ông sinh sống.

Nhà thờ Huyện Sỹ được xây dựng từ năm 1902 đến năm 1905 mới hoàn thành. Nhà thờ xây theo kiến trúc Gothic và dùng đá granite Biên Hòa để ốp mặt tiền, các cột chính điện. Sau hơn 100 năm, kiến trúc này vẫn trầm mặc cùng thời gian, trở thành điểm du lịch nổi tiếng của TP.HCM.

Ngoài các dấu tích nói trên, người xưa còn truyền tai giai thoại gia tộc Huyện Sỹ giàu có hơn cả vua Bảo Đại. Thông tin này xuất hiện khi cháu ngoại ông, bà Nguyễn Hữu Thị Lan kết hôn với vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn.

Chuyện kể rằng, khi bà Nguyễn Hữu Thị Lan ra Huế tổ chức hôn lễ với vua Bảo Đại, ông Lê Phát An, con trai của Huyện Sỹ đã tặng cô cháu gái của mình 1 triệu đồng tiền mặt để làm của hồi môn.

Lúc bấy giờ, giá vàng chỉ 50 đồng/lượng. Nếu quy đổi, 1 triệu đồng lúc đó tương đương 20.000 lượng vàng. Từ món quà hồi môn này, dân gian đồn thổi tài sản của gia tộc Huyện Sỹ còn giàu có hơn nhiều so với vua Bảo Đại.

W-dai-phu-hao.png
Hiện nay, nhiều người đến nhà thờ Huyện Sỹ để tìm hiểu về cuộc đời, độ giàu có đến choáng ngợp của đại phú hào Lê Phát Đạt. Ảnh: Hà Nguyễn

Thậm chí, có thông tin cho rằng, vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn cưới Nam Phương Hoàng hậu chỉ để có thể sử dụng khối tài sản kếch xù của gia tộc bà. Lúc còn làm vua, Bảo Đại luôn bị cho là tiêu tiền của nhà vợ.

Nhận định trên được ông Phạm Khắc Hòe, Đổng lý Ngự tiền Văn phòng tại triều đình Huế ghi lại trong hồi ký Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc của mình. Ông viết: “Cô Lan lấy Bảo Đại chủ yếu là để lên ngôi Hoàng hậu. Bảo Đại lấy cô Lan chủ yếu là để đào mỏ…”.

Độ giàu của gia tộc Huyện Sỹ còn thể hiện trong việc ông Nguyễn Hữu Hào (con rể Huyện Sỹ, cha đẻ của Nam Phương Hoàng hậu) để lại khối tài sản khổng lồ cho con gái, khi bà rời Việt Nam sang Pháp sinh sống. 

Sách Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang viết: “Tài sản riêng do gia đình Nguyễn Hữu Hào tậu cho bà gồm một chung cư lớn tại Neuilly và một chung cư tại đại lộ Opera. Ngoài ra bà còn nhiều nhà đất ở bên xứ Maroc, Congo…”.

Mặc dù không có một thống kê cụ thể nào về tài sản, ruộng đất của Huyện Sỹ nhưng mức độ giàu có của ông được thể hiện qua những công trình còn hiện hữu tại nhiều quận của TP.HCM sau hơn 100 năm qua. 

Chưa kể đến việc gia tộc sở hữu những điền sản bao la ở các tỉnh miền Tây, chỉ riêng việc nắm trong tay các khu đất rộng lớn kéo dài từ quận 1 đến quận Bình Tân, Gò Vấp, Huyện Sỹ đã đủ trở thành người giàu bậc nhất Sài Gòn xưa.

Dẫu vậy, Huyện Sỹ vẫn chưa phải là người có tiếng tăm nhất tại Nam kỳ lục tỉnh. 

Thay vào đó, một nhân vật khác dù xếp sau ông một bậc về độ giàu có nhưng lại vô cùng nổi tiếng. Thậm chí, gia sản của người này không chỉ khiến người dân Nam kỳ lục tỉnh thán phục, mà cả người Pháp cũng phải ngạc nhiên.

Kỳ tới: Đại phú hào Sài Gòn sở hữu khối gia sản khiến người Pháp cũng phải ngạc nhiên

Tỷ phú Sài Gòn xưa chơi ngông cỡ nào?

Tỷ phú Sài Gòn xưa chơi ngông cỡ nào?

Ông Nguyễn Văn Hảo, một thương gia, tỷ phú ô tô của Sài Gòn xưa vì quá yêu cải lương đã mở nguyên một rạp hát lớn nhất, 1200 chỗ mang tên mình: Rạp Nguyễn Văn Hảo.