Liên danh các nhà tài trợ (Ngân hàng Phát triển Châu Á, Cơ quan phát triển Pháp, Tổng cục Kho bạc Pháp và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu) tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội vừa gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến kế hoạch vận hành trước đoạn trên cao từ ga S1 - ga S8.
Trong thư gửi Thủ tướng, liên danh các nhà tài trợ cho rằng, kế hoạch vận hành trước đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2022 không còn khả thi. Nguyên nhân được các nhà tài trợ cho là do có “những vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình tại khu Depot Nhổn”.
Cụ thể, trong 2 năm qua, Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (HANCORP) - nhà thầu phụ trách xây dựng Depot Nhổn (gói thầu số 5) đã gần như ngừng huy động nhân lực thi công trên công trường do những vấn đề hợp đồng.
“Có vẻ như HANCORP không có khả năng hoặc không sẵn sàng phân bổ các nguồn lực cần thiết để hoàn thành hợp đồng đã ký kết”, các nhà tài trợ nhận định. Theo liên danh các nhà tài trợ, nếu không hoàn thành việc xây dựng Depot Nhổn, các gói thầu về điện, thiết bị phòng điều khiển và hệ thống giám sát cũng không thể tiếp tục thực hiện.
Điều này có thể khiến các nhà thầu này phải tạm dừng hoặc chấm dứt hợp đồng do công việc của họ bị chặn bởi sự chậm trễ này.
Liên danh các nhà tài trợ dự án lo ngại rằng, thời gian kéo dài thêm cho các hợp đồng này sẽ gây ra những hậu quả tài chính ngoài phí cam kết tài chính hiện tại. HANCORP là các cơ quan nhà nước nên cần có hướng dẫn chỉ đạo để giải quyết những khó khăn kể trên.
Trước đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu cuối năm 2022 vận hành trước đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5km.
Tuyến đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn-Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km.
Công trình trong khu Depot Nhổn bao gồm nhà điều hành và các nhà chứa tầu, nhà bảo dưỡng, kỹ thuật điện và các công trình phụ trợ. Giá trị dự toán gói thầu này là gần 800 tỷ đồng. Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đến nay, công tác thi công và lắp đặt các công trình thuộc gói thầu số 5 đạt 69,97%, còn công tác thử nghiệm vận hành 0%. “Tiến độ theo hợp đồng gốc gói thầu này phải hoàn thành ngày 12/2/2018. Tuy nhiên hợp đồng dự kiến ký đến 12/2022 chậm hơn so với dự hợp đồng gốc là 59 tháng”, MRB Hà Nội cho hay. |
Xuân Quang