Cách hồ Gươm, trái tim của Thủ đô Hà Nội không xa là những căn nhà... siêu nhỏ. Có nơi, 4 tầng nhà tập thể chung nhau một nhà tắm, nhà vệ sinh. Có căn nhà nhỏ dưới 10m2 nhưng có ba, bốn thế hệ cùng chung sống.
CÁC TIN LIÊN QUAN |
BĐS cao cấp hạ mình xin làm nhà xã hội |
Nỗi khổ khó nói
Một đặc điểm giống nhau khi bước vào những ngôi nhà siêu nhỏ, trong khu tập thể cũ của phố cổ Hà Nội là sự tối tăm, ngoắt ngoéo như lạc vào mê cung. Khi tôi đi vào khu chung cư 23 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội dù là ban ngày nhưng phải lần từng bước bởi dãy hành lang chật hẹp, tối om, hai bên lỉnh kỉnh đồ đạc với những bàn ghế, xoong nồi, bếp ăn. Ngước lên trên, trần nhà nham nhở, đen sì, bong tróc, trơ cả gạch và khung sắt.
Chúng tôi lên tầng 3, không khí bớt ngột ngạt hơn. Trong căn nhà chừng hơn 10m2 một bà cụ tầm 90 tuổi đang nằm lặng lẽ trên chiếc ghế dài, nhìn qua cánh cửa gỗ. Đây là khung cửa có ánh sáng duy nhất mà cụ bà cứ nhìn như thế hàng ngày để thấy bầu trời vuông. Cụ bảo: "Tôi ở đây gần cả đời người nên cũng quen rồi". Căn nhà hơn 10m2 này trước đây là nơi sinh hoạt của năm người (gồm cụ bà và hai đôi vợ chồng người con trai). Không ở được với đòi hỏi phải ý tứ, tế nhị của hai cặp vợ chồng trẻ hàng đêm nên một cặp vợ chồng đành thuê ra ngoài.
Căn nhà cụ Nguyễn Thị H., là công nhân Công ty bưu điện Hà Nội, được cơ quan phân căn hộ này từ năm 1954. Cụ kể, ở đây ngoài chật chội, tối tăm thì khổ nhất mỗi khi trời mưa gió. Như đợt mưa bão mấy tuần trước, trong nhà dột, ngoài hành lang nước cũng lưng lửng, đang đêm phải mang hết xoong chậu ra hứng. Có khi không mưa cũng vẫn dột, nước chảy tong tỏng từ mái xuống do đã ngấm từ lâu vào trần bê tông. Muốn khắc phục cũng không được vì phường có quy định rất nghiêm ngặt là cải tạo nhưng vẫn phải giữ nguyên trạng, không được làm mái tôn hay xây tường gạch nên mọi người cũng đành bất lực.
Những căn hộ diện tích trên dưới 10m2 khá phổ biến. |
Rời nhà cụ bà, chúng tôi bắt chuyện với chị Mai, nhà ở đầu hồi, đang lúi húi đun nấu bên chiếc bếp tự tạo. Chị thở dài: "Đấy, các cô xem. Cái bếp chưa đầy 1m2 này vừa là nơi đun nấu, vừa là nhà tắm đấy. Nhà chị rộng 16m2, là nơi sinh hoạt của bốn người. Khổ nhất là không có nhà vệ sinh riêng. Mỗi lần đi lại phải chạy xuống nhà vệ sinh chung tầng 1. Ngày còn đỡ, đêm hôm khuya khoắt, mưa gió thì đành nhịn. Nhịn nhiều cũng thành quen", chị Mai kể.
Nhưng khu tập thể 23 Hàng Bài vẫn chưa phải là khủng khiếp nhất trong hình dung của chúng tôi. Cách đó không xa, khu tập thể 11 Vọng Đức, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, (còn gọi là khu tập thể Nhà máy Điện cơ cũ) cũng trong tình cảnh tương tự. Ở đây, những căn hộ diện tích trên dưới 10m2 khá phổ biến.
Thậm chí, có những căn hộ diện tích chỉ 3 - 5m2. Bà Nguyễn Thị Trân, nhà ở tầng 3, có chồng là công nhân Nhà máy điện cơ cũ, được phân căn hộ này từ những năm 60 của thế kỷ trước. Mới đầu, đây chỉ là những căn hộ dành cho người độc thân. Nhưng sau này, do nhu cầu sinh hoạt, họ sinh con đẻ cái nên số lượng nhân khẩu mỗi ngày một đông, trong khi nhà lại ngày càng xập xệ. Theo lời bà Trân, tình trạng dột nát, thiếu không khí, ô nhiễm ở đây đã xảy ra từ rất lâu. Cả dãy cũng chỉ có hai nhà vệ sinh chung. Các hộ gia đình phải tự cơi nới bếp ăn, nhà tắm, mạnh ai nấy làm nên rất lộn xộn, bừa bãi, mất vệ sinh.
Còn ở phố Hàng Mã, có chín hộ gia đình cùng ở chung một ngôi nhà cũ. Mỗi hộ được sở hữu một phòng nhỏ gần 10m2. Mấy chục con người chung một cầu thang, chung một nhà vệ sinh. Nhà xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được cải tạo, nâng cấp. Mỗi khi có người bước lên cầu thang gỗ, cả chín nhà cùng nghe thấy. Chị Mai Phương người sống ở đây còn nói: "Thậm chí, ban đêm có đôi vợ chồng nào "yêu nhau" thì cả chín nhà cùng biết. Bất tiện vô cùng!". Thật khó tin khi thực tế này tồn tại đã hơn chục năm nay, ở một nơi chỉ cách Hồ Gươm vài trăm mét!
Đi cũng dở, ở không xong
Sống trong điều kiện chật chội, bất tiện, hầu hết các hộ dân đều mong muốn được di chuyển. Song vướng mắc ở đây chủ yếu ở phía các hộ kinh doanh ngoài mặt phố không muốn chuyển đi. Nếu không kinh doanh thì cũng cho thuê, mỗi tháng được 40 - 50 triệu đồng. Mặt khác, họ lo chuyển đi sẽ không được về chỗ cũ nữa, vì vậy, các hộ dân cũng chỉ biết tự tìm cách khắc phục, sống chung với tối tăm, chật hẹp. Bên cạnh đó, phường cũng có quy định rất nghiêm ngặt là cải tạo nhưng vẫn phải giữ nguyên trạng, không được làm mái tôn hay xây tường gạch nên mọi người cũng đành bất lực.
TS. Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng cho rằng, vấn đề cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội hiện nay có nhiều điều chưa hợp lý. Đô thị ngày xưa và ngày nay khác nhau rất nhiều. Chung cư trước đây ở Hà Nội đều do Nhà nước làm để làm nhà tập thể cho cơ quan mình.
Bởi vậy, nếu cải tạo mà giao cho tư nhân thì có nhiều vấn đề đáng bàn. Bởi mục đích của họ không phải là cải tạo nhà ở cũ cho thành phố mà là để kiếm lợi nhuận. Trong khi đó, một chung cư cũ như vậy rất khó đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư nên chắc chắn sẽ chẳng có nhà đầu tư nào chịu làm cả. Với những chung cư cũ có vị trí đẹp, thuận lợi, các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia.
Ví dụ như Nhà B6 Giảng Võ, trước mặt là trường học đất đai rộng rãi, đi ra đường Kim Mã cũng không xa. Hay là ở khu Kim Liên thì chẳng phải cải tạo chỗ nào cả. Sẵn hai miếng đất ngày xưa để làm lưu không thì bây giờ chen thêm một dãy nhà cao tầng vào đấy. Còn với những chung cư phải phá đi làm lại thì phải tính toán đến vấn đề tấi định cư, bồi thường, TS. Phạm Sỹ Liêm phân tích. Bởi vậy, TS. Phạm Sỹ Liêm đề xuất, việc cải tạo chung cư cũ nên do Nhà nước đứng ra, lấy mục đích cải tạo là chính chứ không phải vì kiếm lợi nhuận.
Quản lý một phường có nhiều chung cư cũ, bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND phường Hàng Bài cũng rất trăn trở với việc làm sao để cải tạo được các chung cư này càng sớm càng tốt. Theo bà Mai, việc xã hội hóa các chung cư cũ là cần thiết, tuy nhiên, với một số chung cư đặc thù như 11 Vọng Đức, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bởi thực tế, do đường hẹp, dân đông, không có lãi nên có không ít nhà đầu tư đến rồi chạy. Trong khi đó, chung cư này đã xuống cấp trầm trọng, lại chật chội, dột nát, có những căn hộ chỉ 3-5m2!.
Nhiều khu chung cư... "sống trong sợ hãi" Hà Nội hiện có 982 nhà chung cư cũ 4 - 5 tầng. Hầu hết các khu tập thể, chung cư đó đã 40 - 50 năm tuổi, đều đến giai đoạn xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Trong đó, có 11 công trình nhà chung cư nguy hiểm cấp D, cần tổ chức di dời, cải tạo, xây dựng lại theo quy định của luật Nhà ở. Tuy nhiên, cho đến nay, Hà Nội mới cải tạo 11 chung cư, phần lớn vẫn đang trong giai đoạn thi công khá chậm, tương đương... 1% số lượng các công trình cần xây dựng, cải tạo lại. |
(Theo Người đưa tin)