Ngày 1/2, nhà hàng sushi băng chuyền Sushiro tại tỉnh Gifu, Nhật Bản phải báo cáo cảnh sát sau khi video về một vị khách có hành vi mất vệ sinh lan truyền trên mạng.
Cụ thể, nam khách hàng liếm nắp của một lọ nước chấm, đưa vành của một chiếc cốc chưa qua sử dụng vào miệng, trước khi liếm nước bọt lên tay và bôi vào một đĩa sushi, theo Japan Times.
Trước đó không lâu, một video được lan truyền rộng rãi cũng cho thấy một khách hàng chấm wasabi lên những miếng sushi vẫn còn ở trên băng chuyền tại một nhà hàng của Hama-sushi.
Những video ghi lại cảnh khách hàng cố tình có hành vi mất vệ sinh trong nhà hàng đang gây phẫn nộ lớn ở Nhật Bản. Xa hơn, nó phản ánh trào lưu xấu vốn tồn tại lâu năm trong thế hệ trẻ tuổi nước này.
Nam thực khách liếm cốc, bôi nước bọt lên sushi. Ảnh: NDTV Food. |
Đi ăn nhằm mục đích "bôi bẩn"
Tờ Time gọi hành vi này là "khủng bố sushi", chỉ những kẻ tìm tới các nhà hàng nổi tiếng, tự làm những hành động vi phạm an toàn thực phẩm rồi tung lên mạng xã hội.
Video ghi lại cảnh liếm sushi có hơn 22 triệu lượt xem. Dù xử lý vụ việc kịp thời bằng cách nhờ lực lượng chức năng điều tra, thiệt hại tới việc kinh doanh vẫn xuất hiện. Một bản tin của Nippon TV đưa tin một số khách hàng cho biết họ không muốn đến những chuỗi cửa hàng như vậy nữa.
"Khủng bố sushi" là một phần của hiện tượng đã có trong xã hội Nhật trong khoảng một thập kỷ nay và khiến đa số bất bình: baito tero, mang nghĩa “khủng bố công việc bán thời gian”.
Cụm từ này bắt đầu phổ biến tại xứ phù tang từ năm 2013, chỉ những trò đùa bẩn do nhân viên làm thêm trong những cửa hàng, quán ăn (chủ yếu là thanh niên) bày ra. Nội dung của chúng đa phần là để người xem khiếp sợ về tình trạng vệ sinh trong chế biến hay chất lượng đồ ăn, từ đó tẩy chay cơ sở kinh doanh.
Chà dụng cụ làm bếp vào đũng quần, ném thức ăn xuống đất rồi đem vào chảo chiên, liếm các món đồ trước khi chế biến là ba trong số nhiều trò đùa từng gây bức xúc.
Ban đầu, cộng đồng nghĩ người đứng đằng sau những trò đùa kiểu này là các công ty muốn chơi chiêu "bẩn" để hạ bệ đối thủ. Thực tế, chúng xuất phát từ nhu cầu muốn nổi tiếng trên mạng và bắt chước theo trào lưu hot, với đối tượng chính là người trẻ.
Hậu quả, các nhà hàng quy mô nhỏ cho đến công ty lớn đều bị mang tiếng xấu, việc kinh doanh đi xuống, thậm chí thua lỗ nghiêm trọng dù đã đứng ra xin lỗi, giải thích.
Các chuỗi nhà hàng đồ ăn ở Nhật Bản giờ phải đối phó với việc người trẻ đến quán, cố tình phá phách để câu like. Ảnh: Kyodo. |
Đã xuất hiện cách đây gần 10 năm, baito tero càng biến tướng hơn khi mạng xã hội TikTok thịnh hành trong giới trẻ Nhật Bản. Nhu cầu tiêu khiển, gây chú ý càng thôi thúc thanh niên nước này sẵn sàng thực hiện hành động kỳ quặc, gây tổn hại đến nhiều người khác.
Nhiều trò chơi khăm bên cạnh baito tero trong đó người thực hiện sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm quay video, ví dụ nhóm thanh niên đứng bên ngoài ga Shibuya cố gắng chặn những người đang vội vàng chạy để bắt kịp chuyến tàu cuối ngày của họ.
Hay những trường hợp đáng trách hơn về mặt đạo đức, như một cô gái hứa mua đồ ăn cho người vô gia cư và dẫn họ tới cửa hàng tiện lợi để chọn đồ, sau đó bỏ chạy khi tới quầy tính tiền.
Trò đùa nhỏ, thiệt hại lớn
Trong lúc trào lưu baito tero bắt đầu bị những thanh niên trẻ tuổi vô ý thức khơi mào trở lại, các công ty kinh doanh ăn uống đang nỗ lực tăng cường nhiều biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, trong nỗ lực lấy lại lòng tin khách hàng từ sai lầm không phải do họ gây ra.
"Chúng tôi đã tiến hành khử trùng kỹ lưỡng và đem bỏ các chai nước tương trong cửa hàng nơi vụ việc xảy ra. Chúng tôi nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát sau khi tiến hành một cuộc điều tra nội bộ kỹ lưỡng", phía chuỗi nhà hàng Suhiro cho biết.
Các màn chơi khăm liên quan đến mất vệ sinh món ăn đã xuất hiện ở Nhật Bản trong hơn 10 năm qua. Ảnh: Insight KR. |
Trả lời phỏng vấn tạp chí Time, phía tập đoàn Food&Life, công ty mẹ của Suhiro, nói thêm: “Nếu khách hàng cảm thấy khó chịu về bộ đồ ăn và gia vị trên bàn, họ có thể nói với nhà hàng và chúng tôi sẽ cung cấp các bộ được khử trùng".
Chuỗi cửa hàng Kura Sushi cho biết họ có kế hoạch đặt các tấm phủ chuyên dụng lên tất cả món sushi trên băng chuyền của mình, trong khi Hamazushi có kế hoạch tiến tới loại bỏ hình thức ăn bằng chuyền, theo Unseen Japan.
Phía Food&Life cho hay họ đang nỗ lực tìm ra giải pháp lâu dài hơn, trong trường hợp vấn nạn baito tero vẫn xuất hiện, dưới sức ảnh hưởng của những mạng xã hội như TikTok, Instagram.
Mặt khác, "thủ phạm" gây ra các trò đùa thiếu suy nghĩ cũng phải trả giá.
Tháng 2/2019, một sinh viên đại học ở Osaka bị nhà hàng Kura Sushi đâm đơn kiện, đòi bồi thường 10 triệu yen. Nam thanh niên này làm phụ bếp ở nhà hàng và "khoe" trên mạng cảnh mình ném miếng cá vào thùng rác, rồi nhặt lại đặt lên thớt và nấu nướng tiếp.
Khoảng hai ngày sau khi video đăng tải, lượng khách hàng tới chuỗi nhà hàng Kura Sushi tụt giảm mạnh. Theo Sora News, giá trị thị trường của doanh nghiệp này "bốc hơi" 2,7 tỷ yen trong thời gian ngắn.
Còn trong vụ việc gần nhất của Sushiro, mặc dù công ty đã nhận được lời xin lỗi trực tiếp từ "chủ nhân" trò đùa và bố mẹ của nam khách hàng, họ vẫn tiếp tục nhờ đến pháp luật can thiệp.
Theo Zing