Theo The Guardian và NDTV, cuộc tranh giành quyền lực giữa lực lượng của hai vị tướng nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 2021 vốn kéo dài nhiều tuần đã bùng nổ thành bạo lực chết người vào ngày 15/4.
Giao tranh nổ ra sau những bất đồng gay gắt giữa tư lệnh quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan và người phó của ông là Mohamed Hamdan Daglo - chỉ huy lực lượng bán quân sự hùng mạnh Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) về kế hoạch sáp nhập RSF vào quân đội chính quy. Việc sáp nhập là điều kiện then chốt cho một thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt khủng hoảng xảy ra sau cuộc đảo chính năm 2021, vốn đã làm chệch hướng quá trình chuyển tiếp sang chế độ dân chủ.
Cả hai bên đều tuyên bố kiểm soát những vị trí chủ chốt, gồm cả sân bay và dinh Tổng thống. Tuy nhiên, các tuyên bố đều không thể xác minh độc lập.
Các nhà phân tích cho biết, giao tranh ở thủ đô của Sudan - quốc gia hứng chịu bất ổn thường xuyên, là chưa từng có và có thể kéo dài, bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn của khu vực và toàn cầu. Các trận chiến cũng diễn ra trên khắp đất nước rộng lớn này, làm dấy lên lo ngại nó sẽ lan rộng sang các khu vực khác ở trong vùng.
Trong những ngày cuối cùng và linh thiêng nhất của tháng lễ Ramadan, người dân thủ đô Khartoum chứng kiến cảnh xe tăng lăn bánh trên đường phố, các tòa nhà rung chuyển và khói bốc lên từ các đám cháy do giao tranh gây ra.
Các vụ không kích, nã pháo và đấu súng ác liệt đã nổ ra khi xung đột bùng phát.
Người đứng đầu phái bộ của Liên Hợp Quốc tại Sudan, ông Volker Perthes nói với Hội đồng Bảo an trong một phiên họp kín rằng có ít nhất 185 người đã thiệt mạng, 1.800 người khác bị thương. "Tình hình thay đổi liên tục nên khó nói cán cân đang chuyển dịch về đâu", ông Volker nói với các nhà báo sau cuộc họp.
Sáng sớm hôm qua (17/4), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lại một lần nữa kêu gọi các bên tham chiến ở Sudan ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch. Ông cảnh báo rằng sự leo thang hơn nữa có thể tàn phá đất nước này và khu vực.
Các nhân viên y tế ở Sudan trước đó cho biết, có gần 100 dân thường và hàng chục chiến binh từ hai phía thiệt mạng, song con số thương vong còn có thể cao hơn do có nhiều người bị thương chưa thể tới bệnh viện.
Hiệp hội các bác sĩ cảnh báo giao tranh đang gây thiệt hại nặng nề cho nhiều bệnh viện ở Khartoum và các thành phố khác, một số bệnh viện đã ngừng hoạt động hoàn toàn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết một vài trong số 9 bệnh viện ở Khartoum, những nơi tiếp nhận người bị thương, đã hết máu, thiết bị truyền máu, dịch truyền tĩnh mạch và các vật tư quan trọng khác.
Hôm qua, các hoạt động ngoại giao đã được đẩy mạnh song giao tranh không có dấu hiệu giảm bớt. Ai Cập, nước láng giềng phía bắc của Sudan, đã thảo luận với Ảrập Xêút, Nam Sudan và Djibouti (tất cả đều là đồng minh thân cận của Sudan) về sự cần thiết phải nỗ lực hết sức để duy trì sự ổn định và an toàn.
Mỹ đóng băng 700 triệu USD tiền viện trợ cho Sudan
Bộ Ngoại giao Mỹ đã đóng băng khoản viện trợ 700 triệu USD cho Sudan, sau khi quân đội nước này bắt giữ thủ tướng cùng các thành viên của chính phủ dân sự.
Sudan tuyên bố tình trạng khẩn cấp, giải tán chính phủ
Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu Hội đồng cầm quyền lâm thời của Sudan, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời giải tán quốc hội và chính phủ.