Trong khoảng 1 thập kỷ qua, Trung Quốc là nước đạt được tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Sri Lanka nhờ các khoản cho vay và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc đảo quốc Nam Á này tuyên bố vỡ nợ và lâm vào khủng hoảng chính trị đã mở ra cơ hội cho Ấn Độ thể hiện tầm ảnh hưởng, thông qua những khoản hỗ trợ tài chính khổng lồ.
"Trong chính trị, không có khoản hỗ trợ nào mà không có mục đích. Mục tiêu của New Delhi là lấy lại tầm ảnh hưởng tại Sri Lanka, quốc gia vốn được coi là sân sau của Ấn Độ", Sreeram Chaulia, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế Đại học O.P. Jindal (Ấn Độ) nhận xét.
Chuỗi ngọc trai ở Ấn Độ Dương
Sri Lanka là quốc gia 22 triệu dân, nhưng lại có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi. Đảo quốc này nằm gần các tuyến đường biển lớn của Ấn Độ Dương, là con đường vận chuyển dầu chủ yếu từ Trung Đông tới Trung Quốc.
Vì nguyên nhân này, Sri Lanka là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch Vành đai - Con đường và dự án Chuỗi ngọc trai ở Ấn Độ Dương của Bắc Kinh. Trong những năm qua, cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đã nhận rất nhiều khoản vay từ Trung Quốc, trong đó đáng chú ý nhất là khoản vay 1,1 tỷ USD cho dự án cảng biển Hambantota.
Đáng tiếc, cảng biển này không thể tạo ra đủ lợi nhuận để bù vào tiền đầu tư, khiến Sri Lanka phải trao quyền sử dụng một diện tích đất rất lớn cho Trung Quốc trong 99 năm để trừ nợ. Điều này khiến cho tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tại đảo quốc này trở nên vượt trội hơn bất kỳ quốc gia nào, và cũng làm dấy lên những quan từ phía Ấn Độ về vấn đề an ninh khu vực.
Tuy vậy, sau khi Sri Lanka vỡ nợ vì không thể chi trả nổi các khoản vay nước ngoài và chính phủ rơi vào tình trạng hỗn loạn, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đã không còn như xưa.
Dù tuyên bố sẽ hỗ trợ Sri Lanka thông qua chương trình của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các đàm phán tái cấu trúc nợ sắp tới, đại lục lại tỏ ra không hài lòng với quy trình ra quyết định của Colombo và ngăn quốc gia Nam Á tiếp cận giao dịch hoán đổi tiền tệ trị giá 1,5 tỷ USD cũng như khoản tín dụng 2,5 tỷ USD theo kế hoạch.
Ngoài ra, việc Trung Quốc dồn sự chú ý vào Biển Đông và không muốn bị chỉ trích thêm về chính sách “ngoại giao bẫy nợ” đã tạo ra cơ hội để Ấn Độ mở rộng tầm ảnh hưởng.
Không chậm trễ, Ấn Độ ngay lập tức thể hiện sự ủng hộ của mình với Sri Lanka thông qua số nhu yếu phẩm trị giá hàng triệu USD, một khối lượng lớn dầu diesel và xăng, cũng như nhiều khoản viện trợ nhân đạo khác.
New Delhi cũng mở rộng hạn mức tín dụng với đảo quốc Nam Á lên 4 tỷ USD, nhằm giúp Colombo tái cơ cấu nợ và có ngoại tệ để nhập hàng thiết yếu.
Lảng tránh ‘bẫy nợ”
Về mặt ngoại giao, nhiều chuyên gia nhận định rằng, quyền Tổng thống Wickremesinghe đang cố gắng tránh khỏi bước xe đổ của gia tộc Rajapaksa, vốn được coi là thân với Trung Quốc.
Điều này vô tình trở thành một xu hướng có lợi với Ấn Độ, giúp New Delhi gia tăng tầm ảnh hưởng mà không cần phải đưa ra những nhận xét kiểu "bẫy nợ của Trung Quốc góp phần gây ra cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka".
Ngoài ra, các tập đoàn Ấn Độ cũng đang thành công trong việc đấu thầu các dự án quan trọng tại Sri Lanka trước Trung Quốc.
Vào tháng 3, Sri Lanka đã hoàn tất việc liên doanh với Ấn Độ để phát triển một nhà máy điện mặt trời. Cũng trong thời gian ấy, Colombo chấm dứt hợp đồng xây dựng nhà máy điện gió 12 triệu USD với một công ty Trung Quốc, rồi chào bán dự án này cho một nhà thầu Ấn Độ.
Không những vậy, việc viện trợ Sri Lanka cũng phù hợp với chính sách đối ngoại “Láng giềng trên hết” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Theo đó, tập trung vào việc vun đắp và duy trì quan hệ với những nước lân cận, giúp các quốc gia này không lâm vào khủng hoảng, qua đó gia tăng lợi ích của New Delhi.
Một chiến lược hợp lý khác của Ấn Độ là việc không muốn trở thành quốc gia viện trợ kinh tế duy nhất, và đã thúc đẩy Sri Lanka tập trung vào gói hỗ trợ của IMF, cũng như đàm phán giãn nợ với các chủ nợ lớn như Nhật Bản và Ngân hàng phát triển châu Á.
"Về mặt chính trị và an ninh, Ấn Độ đang muốn trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Sri Lanka. Nhưng về mặt kinh tế, New Delhi sẽ chỉ trở thành một trong số các quốc gia tham gia viện trợ", Rahul Roy-Chaudhury, chuyên gia Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược Quốc tế nhận xét.
Với khoảng 51 tỷ USD nợ nước ngoài, Sri Lanka là chính phủ đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vỡ nợ quốc tế kể từ sau trường hợp của Pakistan năm 1999. Có nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch (59,2% GDP - bao gồm du lịch, khai thác cảng biển), Sri Lanka lâm vào khủng hoảng khi đại dịch Covid-19 nổ ra, dự trữ ngoại hối giảm đi 2/3, khiến chính phủ phải tiếp tục dựa vào các khoản vay ngoại tệ để chi tiêu. Đi kèm với đó là những vấn đề toàn cầu như chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine hay khủng hoảng lương thực, khiến giá cả nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh và lạm phát vọt lên mức cao nhất lịch sử. Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng vỡ nợ của Sri Lanka là chính sách sai lầm về nông nghiệp. Quốc gia Nam Á này vốn tập trung vào các cây trồng xuất khẩu như trà, cà phê và cao su, nhưng vào tháng 4 năm ngoái, một lệnh cấm nhập khẩu phân bón đã được đưa ra. Chính sách này nhanh chóng thất bại và bị hủy bỏ vào tháng 11, nhưng hậu quả là sự suy giảm sản lượng nông nghiệp chưa từng thấy. Sri Lanka từ một nước tự cung tự cấp gạo thành nước nhập khẩu hơn 600 triệu USD gạo nước ngoài. |
Việt Dũng