KHUYẾT "ĐẦU TÀU" CÔNG VIỆC SẼ ÁCH TẮC
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, hiệu trưởng trường đại học, giám đốc đại học (gọi chung là hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học) là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do Hội đồng trường, Hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận do Hội đồng trường, Hội đồng đại học quyết định bổ nhiệm.
Nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học do Hội đồng trường, Hội đồng đại học quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của Hội đồng trường, Hội đồng đại học.
Tại những trường đại học “khuyết” hiệu trưởng trong thời gian dài, các phó hiệu trưởng được giao phụ trách hoặc được giao quyền hiệu trưởng. Việc Ban giám hiệu không đủ nhân sự, khiến những người trong ban giám hiệu đương nhiệm có trách nhiệm rất lớn, 2 người “gánh” việc 4 người thậm chí là 5 người.
Theo GS.TS Trần Diệp Tuấn, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược TP.HCM, với quy mô như hiện tại Ban giám hiệu trường phải có 1 hiệu trưởng và 3-4 phó hiệu trưởng. Tuy nhiên, hiện tại trường chỉ có 2 phó hiệu trưởng, trong đó 1 phó hiệu trưởng được giao phụ trách.
Với quy mô của Trường ĐH Luật TP.HCM, Ban giám hiệu cần có 1 hiệu trưởng và 3 phó hiệu trưởng, nhưng hiện tại chỉ có 2 phó hiệu trưởng, trong đó 1 người được giao phụ trách.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM hiện cũng chỉ có 2 phó hiệu trưởng trong đó 1 người được giao phụ trách. Không những “khuyết” hiệu trưởng, trường này còn “trống ghế” Chủ tịch Hội đồng trường, Bí thư Đảng uỷ…
Ông Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng hiệu trưởng của trường đại học rất quan trọng. Nếu “khuyết” hiệu trưởng, nhiều công việc sẽ bị ách tắc và không hiệu quả, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và sự phát triển của nhà trường.
Cụ thể như việc xây dựng, thực hiện, đánh giá chiến lược phát triển nhà trường, hoàn thiện cơ cấu tổ chức trường để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, liên quan đến bộ máy, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm nhân sự. Đối với việc tuyển sinh đòi hỏi phải có chiến lược tạo hình ảnh cho nhà trường để thu hút người học có nguồn mà hoạt động.
“Trách nhiệm này nặng đến nỗi ở các trường ngoài công lập, nếu hiệu trưởng không tổ chức chỉ đạo tuyển sinh được thì dễ rũ áo ra đi”- ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, hiệu trưởng có trách nhiệm lãnh đạo và quản lý chương trình giáo dục như phát triển chương trình mới, đổi mới chương trình cũ, lãnh đạo và quản lý chất lượng giáo dục; phát triển cơ sở vật chất như đầu tư, cải tạo, mua sắm thiết bị.
Hiệu trưởng cũng lãnh đạo và quản lý nguồn lực và huy động nguồn lực từ xã hội không thất thoát, đầu tư hiệu quả, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, trao đổi học thuật, nhân lực giảng dạy, nghiên cứu và cán bộ khác liên quan đến tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, thậm chí sa thải, giải quyết xung đột trong quan hệ việc làm.
Ngoài ra, hiệu trưởng cũng lãnh đạo và quản lý truyền thông liên quan đến marketing dịch vụ cung cấp cho cộng đồng về giáo dục, lãnh đạo và quản lý hợp tác với các đối tác từ doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Mỗi một mảng việc đều phải có kế hoạch triển khai cụ thể và nguồn lực để thực hiện.
Ông Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng một người khi được bổ nhiệm hiệu trưởng sẽ có kế hoạch, hành động riêng. Lý do là việc bổ nhiệm hiệu trưởng được tính theo nhiệm kỳ 5 năm, cho nên sự gắn bó, phát triển của trường sẽ gắn với người đứng đầu là hiệu trưởng chứ không phải người phụ trách.
Chỉ khi việc bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, người được bổ nhiệm mới yên tâm để xây dựng đề án công tác dài hạn, kế hoạch chiến lược để phát triển nhà trường. Vì vậy các trường đại học không có hiệu trưởng sẽ có những thiệt thòi rất lớn. Cụ thể, trường đại học sẽ không có định hướng, chiến lược phát triển và sẽ bị chậm lại nhiều năm.
Vì không có chiến lược phát triển, chất lượng đào tạo của trường đại học cũng vì vậy mà kém đi. Những người được giao phụ trách trường chỉ biết làm ngày qua ngày mà không có sự đầu tư, quan tâm phát triển bền vững. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học sẽ ngày càng kém hơn.
NGƯỜI ĐƯỢC GIAO PHỤ TRÁCH KHÔNG TẬN TÂM, SỢ RỦI RO
Ông Hoàng Ngọc Vinh nhìn nhận, việc thiếu vắng hiệu trưởng sẽ gây ra những ách tắc nhất định trong tổ chức, bởi không ai dám quyết vì họ không có vai trò của hiệu trưởng. Những người được giao nhiệm vụ theo kiểu ủy quyền sẽ không tận tâm, làm hết trách nhiệm của người tạm quyền hiệu trưởng vì sợ những rủi ro về uy tín, quyền lực.
Mặt khác việc khuyết hiệu trưởng cho thấy công tác nhân sự không dứt khoát sẽ dễ gây ra sự mất đoàn kết nội bộ, tranh giành quyền lực và lợi ích nhóm. Tất cả những hiện tượng này phần nhiều do đơn vị đó thiếu đi vai trò của một thủ lĩnh.
Về mặt tâm lý, một lãnh đạo quản lý trường là cấp phó sẽ không toàn tâm, toàn ý vì họ không biết rằng tương lai liệu có chắc chắn được làm hiệu trưởng hay không. Trong khi đó, bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải có người dám làm, dám chịu.
Việc “khuyết” hiệu trưởng cũng thể hiện sự quan liêu của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý không sâu sát, vấn đề nhân sự không được quan tâm đúng mức. Trách nhiệm của việc chậm trễ bổ nhiệm hiệu trưởng trước hết thuộc về Đảng uỷ trường và cơ quan quản lý chủ quản của trường.
Theo ông Đỗ Văn Dũng ở các trường đại học “khuyết” hiệu trưởng tồn tại thực tế tâm lý chần chừ, chờ đợi của cán bộ quản lý các cấp cũng như của giảng viên. Vì không có hiệu trưởng nên gần như không ai chịu lắng nghe ai, họ sẽ không toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp chung.
Không có người dẫn đầu nên sẽ không có định hướng làm việc và nếu có làm theo kiểu chờ ngày có hiệu trưởng do vậy muốn phát triển đột phá, mạnh mẽ, phải bổ nhiệm hiệu trưởng trong 1 nhiệm kỳ 5 năm.
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99 ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và dự thảo tờ trình Chính phủ. Theo Bộ GD-ĐT, thực tiễn kể từ khi Nghị định số 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay đã có nhiều quy định mới của pháp luật về viên chức được ban hành và có hiệu lực. Theo đó, các quy định mới của pháp luật về viên chức đã tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học có hành lang pháp lý để thực hiện quy định về công tác cán bộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, bấp cập, chồng chéo. Do đó cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ một số vướng mắc trong thực tiễn. Cụ thể như việc xác định “cấp thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận” đối với chức danh hiệu trưởng các cơ sở giáo dục công lập. Bộ GD-ĐT đề xuất, để bảo đảm phù hợp với các Nghị định khác của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 6 Điều 7 như sau: “Cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện vai trò của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ. Cơ quan quản lý trực tiếp quyết định việc giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường trong trường hợp sau: (i) đối với trường đại học mới thành lập: Cơ quan quản lý trực tiếp giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường để tham gia hội đồng trường lâm thời và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng chính thức theo đề xuất của hội đồng trường; (ii) đối với các trường đại học đã khuyết hiệu trưởng quá 06 tháng mà chưa gửi tờ trình đề nghị công nhận hiệu trưởng tới cơ quan quản lý trực tiếp. Hội đồng trường thực hiện hoặc ủy quyền hiệu trưởng thực hiện các trình tự, thủ tục đánh giá, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với phó hiệu trưởng theo quy định của pháp luật, trình hội đồng trường xem xét, quyết định. |