LỜI TÒA SOẠN 
Nhiều trường đại học lớn ở TP.HCM đang bỏ trống "ghế" hiệu trưởng. Nhiệm vụ điều hành trường được giao cho phó hiệu trưởng phụ trách hoặc quyền hiệu trưởng. Việc "khuyết" vị trí này xảy ra trong thời gian dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động điều hành của trường và khiến dư luận hoài nghi về vấn đề quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

2 NGƯỜI GÁNH VIỆC 4 NGƯỜI

Suốt năm 5 năm, Trường ĐH Luật TP.HCM không có hiệu trưởng. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao một trường đào tạo ngành luật lớn nhất phía Nam lại để khuyết vị trí quan trọng lâu như vậy.

Chia sẻ với VietNamNet, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Luật TP.HCM bộc bạch, bất kỳ một trường đại học hay cơ quan, tổ chức nào nếu các điều kiện cho phép và chín muồi, phải kiện toàn người đứng đầu. Trường đại học cần có hiệu trưởng. 

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà các văn bản pháp luật có quy định quyền hiệu trưởng hay người phụ trách để thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu khi chưa đủ điều kiện bổ nhiệm hiệu trưởng. Đối với Trường ĐH Luật TP.HCM, vừa rồi nhà trường đã công bố nghị quyết của Hội đồng trường về việc giao ông Lê Trường Sơn, Phó Hiệu trưởng làm phụ trách trường. 

“Thời điểm công bố Nghị quyết, tôi cũng nói rõ khi điều kiện cho phép nhà trường sẽ nhanh chóng để kiện toàn hiệu trưởng”- ông Nhiêm nói.

Theo ông Nhiêm, sau khi GS Mai Hồng Quỳ nghỉ hưu từ tháng 3/2018, Bộ GD-ĐT giao PGS.TS Trần Hoàng Hải phụ trách nhà trường. Tháng 12/2020, căn cứ vào điều kiện tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể của trường và sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan, Đảng uỷ, Hội đồng trường xét thấy các điều kiện tiêu chuẩn để kiện toàn hiệu trưởng chưa thực sự chín muồi, tức chưa có những ứng cử viên “chín muồi” và đủ điều kiện tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, người phụ trách nhà trường là PGS.TS Trần Hoàng Hải có năng lực, uy tín. Song song với việc tiến hành quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ, Hội đồng trường đã giao quyền hiệu trưởng cho PGS.TS Trần Hoàng Hải.

Khi PGS.TS Trần Hoàng Hải hết tuổi quản lý, Hội đồng trường giao TS Lê Trường Sơn, Phó Hiệu trưởng, sẽ phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM từ ngày 1/5/2023. Sắp tới, khi các điều kiện chín muồi, nhà trường sẽ thực hiện các quy trình cần thiết để kiện toàn hiệu trưởng.

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: Lê Huyền

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm cho rằng, với quy mô và tính chất của Trường ĐH Luật TP.HCM, Ban giám hiệu cần có 1 hiệu trưởng và 3 phó hiệu trưởng. Hiện nay, Ban giám hiệu Trường ĐH Luật TP.HCM chỉ có 2 phó hiệu trưởng là TS Lê Trường Sơn, Phó hiệu trưởng phụ trách trường và TS Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng. Vì thế, trách nhiệm của các thầy trong Ban giám hiệu là rất lớn.

“Khi công bố phó hiệu trưởng phụ trách, tôi đã nói rõ những khó khăn về khối lượng công việc họ phải đảm trách. Vì vậy phải có sự phân công hợp lý, các phó hiệu trưởng cũng phải làm việc nhiều hơn và có cơ chế linh hoạt để tận dụng chất xám của các trưởng đơn vị cũng như tất cả giảng viên pháp luật cho phép” – ông Nhiêm nói.

Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Luật TP.HCM nhấn mạnh không phải bây giờ nhà trường mới chuẩn bị nhân sự hiệu trưởng mà từ khi ông làm Chủ tịch Hội đồng trường đã đẩy mạnh quá trình chuẩn bị cho nhân sự hiệu trưởng và phó hiệu trưởng.

Ví dụ, đối với việc nâng cao trình độ chính trị, trường đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để đào tạo các lớp về trung cấp lý luận chính trị. Về trình độ cao cấp lý luận chính trị, vì “quota” được phân bổ khá hạn chế, nên nhà trường tranh thủ các kênh, nhất là từ phía Bộ GD-ĐT để chọn lựa, cử viên chức đi học.

Bên cạnh đó, trường cũng chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ điều hành, lãnh đạo, hình thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận. Trường cũng xác định công tác quy hoạch phải đi trước 1 bước, nên luôn quan tâm về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo và quản lý.

Trước ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến Trường ĐH Luật TP.HCM không có hiệu trưởng là do mâu thuẫn nội bộ, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm cho rằng việc này có thể nhìn ở nhiều góc độ, lăng kính khác nhau.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn tổng thể, giai đoạn PGS.TS Trần Hoàng Hải làm phó hiệu trưởng phụ trách và quyền hiệu trưởng từ 3/2018 đến nay, các nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường nhìn chung rất ổn.

Cụ thể, trường đã đạt được một số thành tựu về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; Trường ĐH Luật TP.HCM là một trong những cơ sở tiên phong trong việc thực hiện NQ19/TW về chủ trương Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng trường và từng bước xây dựng, hoàn thiện thể chế nội bộ theo hướng tự chủ.

Về vướng mắc khiến các trường không có hiệu trưởng trong thời gian dài, PGS.TS Nhiêm cho rằng, giai đoạn hiện nay, việc giao phụ trách hoặc quyền hiệu trưởng không phải hiếm ở không ít cơ sở đào tạo.

Vấn đề này phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó thứ nhất là thể chế, quy chế, cụ thể trong quá trình đổi mới cần có tiến trình, lộ trình và dần hoàn thiện, khó có thể hoàn thiện ngay.

Hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước về giáo dục và các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ. Trường ĐH Luật TP.HCM đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.

Tuy nhiên, trong việc bổ nhiệm người đứng đầu có nhiều bước khác nhau. Đảng và Nhà nước có đường lối rất đúng đắn nhưng trong quá trình triển khai thể chế, các văn bản cần bảo đảm tính liên thông, đồng bộ, tính thống nhất, toàn diện. 

Các trường thực hiện trên cơ sở được hướng dẫn nhưng khi thực hiện vẫn còn “mò mẫm”, nên vướng ở đâu, xin ý kiến cấp trên ở đó. Đôi khi, việc thực hiện việc xin ý kiến cấp trên phải mất một thời gian, có khi 2-3 tháng thậm chí có thể lâu hơn, nhiều quy trình như vậy lặp đi lặp lại sẽ kéo dài thời gian.

Thứ hai là trường, trước hết là các thiết chế chủ chốt như Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu cũng cần từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực quản trị, năng lực quản lý.

Là người đứng đầu Hội đồng trường, PGS. TS Vũ Văn Nhiêm nhấn mạnh, Đảng uỷ, Hội đồng trường cũng như Ban Giám hiệu Trường ĐH Luật TP.HCM, nếu như các điều kiện, tiêu chuẩn chín muồi, trường rất mong muốn kiện toàn hiệu trưởng.

Hiện Đảng ủy, Hội đồng trường đang từng bước chuẩn bị các điều kiện để kiện toàn hiệu trưởng; trong quá trình thực hiện gặp vướng mắc ở đâu, với chức năng nhiệm vụ của mình Hội đồng trường đề xuất cấp trên và các cấp liên quan để nhận được sự chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn.

“Chúng tôi mong muốn, trong thời gian ngắn nhất, các điều kiện tiêu chuẩn chín muồi, nhà trường sớm hoàn thiện bộ máy lãnh đạo”- PGS Vũ Văn Nhiêm nói.

TRE GIÀ NHƯNG MĂNG CHƯA KỊP MỌC

Tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM từ tháng 7/2020, Bộ Y tế công nhận Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 – 2025, GS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, từ tháng 4/2015, sang giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường, trường này “khuyết” hiệu trưởng đến nay.

Các phó hiệu trưởng lần lượt được giao phụ trách trường là PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, PGS.TS Ngô Quốc Đạt.

GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Bí thư Đảng uỷ Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nêu 5 lý do khiến nhiều trường đại học, trong đó có Trường ĐH Y Dược TP.HCM chưa có hiệu trưởng.

Thứ nhất là mô hình quản trị đại học mới với Hội đồng trường triển khai thiếu sự đồng bộ với các quy định khác.

Thứ hai, chưa tạo được nhận thức chung của xã hội và các bên liên quan về vai trò của Hội đồng trường. Thứ ba, các bộ ngành Trung ương và chính quyền địa phương có nhận thức khác nhau về vai trò của Hội đồng trường.

Thứ tư, có những thay đổi về điều kiện bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo. Thứ năm là sự thiếu chuẩn bị của các trường khi thực hiện ngay mô hình quản trị đại học mới.

Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Trường ĐH Y Dược TP.HCM trực thuộc Bộ Y tế. Hiện trường có 11 phòng chức năng, 7 khoa, 2 đơn vị khám chữa bệnh, 7 trung tâm và 3 đơn vị khác. Với quy mô như hiện nay, theo GS.TS Trần Diệp Tuấn, Ban giám hiệu Trường ĐH Y Dược TP.HCM phải có 1 hiệu trưởng và 3-4 phó hiệu trưởng.

Tuy nhiên, Ban giám hiệu Trường ĐH Y Dược TP.HCM hiện chỉ có 1 phó hiệu trưởng phụ trách (PGS Ngô Quốc Đạt) và 1 phó hiệu trưởng (PGS Nguyễn Hoàng Bắc kiêm nhiệm Giám đốc BV Đại Học Y Dược TP.HCM) nên sẽ sớm kiện toàn nhân sự Ban giám hiệu để từng bước ổn định tổ chức và triển khai các mục tiêu chiến lược của nhà trường trong nhiệm kỳ 2020-2025. 

“Chắc chắn trường sẽ phải kiện toàn bộ máy lãnh đạo, tuy nhiên cần phải tuân thủ các quy định hiện hành”- GS.TS Trần Diệp Tuấn khẳng định.

Trước câu hỏi Hội đồng trường có trách nhiệm như thế nào khi để 1 trường đại học lớn “khuyết” hiệu trưởng trong thời gian dài, GS.TS Trần Diệp Tuấn, khẳng định: “Hội đồng trường ĐH Y Dược TP.HCM đã cố gắng làm hết trách nhiệm của mình, tuy nhiên việc “khuyết” hiệu trưởng là do nhiều yếu tố chi phối, trong đó có lý do khách quan”.

Cùng chung tình trạng này là ĐH Quốc gia TP.HCM. Tại đại học này, Ban giám đốc hiện chỉ có giám đốc và 1 phó giám đốc. 

PGS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết vướng mắc lớn nhất khiến ĐH Quốc gia TP.HCM chưa bổ nhiệm thêm phó giám đốc là do yếu tố con người. 

"Để tìm được người phù hợp vừa có đức và tài đáp ứng yêu cầu là rất khó. Bổ nhiệm bất kỳ một vị trí nào, con người vẫn là nhân tố quyết định"- ông Quân nói.