Năm 2022, KTNN đã kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn Nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 tập đoàn, tổng công ty và công ty.

Kết quả kiểm toán cho thấy, 19/20 đơn vị sản xuất kinh doanh có lãi. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị đạt tương đối cao. 

Bên cạnh đó, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn một số hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp lỗ nặng

Theo KTNN, một số đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Tại Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), đơn vị này có 7 công ty con và 2 khoản đầu tư khác không chia cổ tức trong năm 2021 do lợi nhuận thấp. 8 công ty con chia cổ tức với tỷ lệ 0,69%/tổng giá trị đầu tư. Vinafood1 có 9/24 công ty con lỗ lũy kế 381,86 tỷ đồng.

Đối với Tập đoàn Than khoáng sản (TKV), công ty mẹ có 3 công ty con và 3 công ty liên doanh, liên kết chưa chia cổ tức do lợi nhuận không đủ để chia cổ tức hoặc còn lỗ lũy kế.

Ngoài ra, 3 công ty con lỗ lũy kế 386,84 tỷ đồng. Trong đó, 2 công ty con năm 2021 không hoạt động. Một công ty thành lập để thực hiện dự án đầu tư nhưng đang tạm dừng đầu tư.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) có 5/17 công ty con lỗ lũy kế 4.958 tỷ đồng.
 

Nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước làm ăn thua lỗ, dòng tiền gặp khó.

Bên cạnh đó, theo KTNN, một số khoản đầu tư của tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ hoặc có khả năng mất vốn. Như trường hợp của Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi), 4/22 công ty lỗ lũy kế đến 31/12/2021 là 111,61 tỷ đồng.

Tổng công ty Thuốc Lá Việt Nam (Vinataba) có 2 khoản đầu tư lỗ lũy kế 158,67 tỷ đồng. 

Tổng công ty hàng hải Việt Nam (VIMC) có 9 công ty và 2 khoản đầu tư khác lỗ lũy kế 15.345 tỷ đồng. Nhiều công ty khác có mối quan hệ với VIMC cũng thua lỗ nặng. Như CTCP Cảng Sài Gòn có 2 công ty lỗ lũy kế 5.494,16 tỷ đồng. Trong đó, một công ty âm vốn chủ sở hữu 2.222,43 tỷ đồng.

Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) có 10 khoản đầu tư lỗ lũy kế 1.111,12 tỷ đồng.

Công ty mẹ - Vicem có 3/14 công ty và khoản đầu tư khác lỗ lũy kế 1.038,16 tỷ đồng.

Tương tự, tại Tổng công ty Bến Thành - TNHH MTV, 14/32 công ty lỗ lũy kế 764,2 tỷ đồng.

KTNN lưu ý, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính. Đó là Vicem Tam Điệp, Vicem Hạ Long, Vicem Sông Thao; Công ty cổ phần (CTCP) Lương thực Hà Bắc, CTCP Lương thực Nam Định, CTCP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, CTCP Lương thực Bình Trị Thiên, CTCP Lương thực Lương Yên, Công ty Liên doanh sản xuất chế biến và xuất khẩu gạo.

Quản lý dòng tiền chưa hiệu quả

Theo KTNN, một số đơn vị quản lý dòng tiền chưa hiệu quả. Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn (SCPC) phát sinh khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm. Số dư tại 31/12/2021 là 10 tỷ đồng, lãi suất từ 5,5% đến 6%/năm. Trong khi đó, doanh nghiệp phải đi vay để bù đắp thiếu hụt vốn lưu động. Khoản vay ngắn hạn 53,96 tỷ đồng, các khoản vay kỳ hạn 1 năm, lãi suất từ 7% đến 8%/năm.

Nhiều đơn vị sử dụng tài sản cố định chưa hiệu quả. Tại TKV, cụm máy tuyển đa trọng lực không sử dụng. Cụm máy tuyển nổi - tuyển tách lưu huỳnh tại Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền Lào Cai - Vimico chưa sử dụng cho sản xuất kinh doanh. Công ty Than Hòn Gai - TKV có dây chuyền sàng tuyền than bằng công nghệ huyền phù tự sinh chưa sử dụng từ tháng 7/2020.
 
Dự án Cảng nội địa Lào Cai bắt đầu thực hiện từ quý I/2009 và phát sinh doanh thu từ năm 2010. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến năm 2021, hiệu quả dự án bị giảm sút mạnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục thua lỗ (năm 2017 lỗ 5,21 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 6,10 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 6,26 tỷ đồng).
 
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, nhiều dự án phải dừng, giãn tiến độ như Dự án Trung tâm Điều hành và giao dịch Vicem, Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy, Dự án Nhà máy Kết cấu bê tông - Vật liệu xây dựng không nung và Dự án Cảng Vicem tại Đông Hồi với chi phí xây dựng dở dang tại 31/12/2021 lần lượt là 773,95 tỷ đồng; 60,06 tỷ đồng; 45,75 tỷ đồng và 2,44 tỷ đồng.

Ngoài ra, KTNN cho biết, người đại diện phần vốn Nhà nước tại một số đơn vị chưa báo cáo kịp thời và đầy đủ để có các giải pháp khắc phục đối với các công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ theo quy định.

Các đơn vị gồm CTCP Đầu tư y tế Sài Gòn, CTCP Đầu tư Satra Thái Sơn, Công ty TNHH Lương thực Ngọc Đồng; HFIC: CTCP Sài Gòn Kim Cương, CTCP Cơ điện Thạch Anh, CTCP Him Lam Phát triển Trí tuệ Trẻ em Việt, CTCP Dịch vụ Xuất khẩu Lao động và Chuyên gia, CTCP Dệt may Gia Định, CTCP Du lịch Dịch vụ Thương mại Phú Thọ, CTCP Cao su Hồ Chí Minh, CTCP Đầu tư Y tế Sài Gòn, CTCP phát triển nông nghiệp Thanh niên Xung phong, CTCP Cấp nước Phú Hòa Tân.