Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021.
Báo cáo của Chính phủ tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021 của 826 DN gồm 673 doanh nghiệp nhà nước và 153 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.
Nhiều DN lãi lớn
Theo báo cáo, tổng tài sản của 826 doanh nghiệp là 3,74 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu là 1,79 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 826 DN là 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020 (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1,5 triệu tỷ đồng và các doanh nghiệp còn lại là 162.806 tỷ đồng).
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 2,12 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020.
Lãi phát sinh trước thuế đạt 205.045 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/Vốn chủ sở hữu bình quân chung của các DN năm 2021 là 11% (năm 2020 là 9%); Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/Tổng tài sản bình quân chung của các DN năm 2021 là 5% (năm 2020 là 4%).
Cùng với số lãi tăng, tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) của các doanh nghiệp là 323.876 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020, chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh nội địa (chiếm 75% tổng số phát sinh phải nộp NSNN).
Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập chi tiết tình hình kinh doanh của 673 DNNN. Theo đó, các doanh nghiệp này lãi tăng nhưng 30% DN còn lỗ.
Tổng tài sản của 673 DNNN là 3,64 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2020. Lãi phát sinh trước thuế đạt 198.672 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/Vốn chủ sở hữu bình quân chung là 11% (năm 2020 là 9%).
Năm 2021 các DN này đóng góp vào ngân sách 316.778 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong tổng số 673 DNNN, có 58/673 doanh nghiệp (chiếm 9% tổng số DNNN) có lỗ phát sinh, với tổng số lỗ là 15.785 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 138/673 (chiếm 21% tổng số DNNN) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 50.125 tỷ đồng.
Loạt DN thua lỗ nghìn tỷ
Báo cáo của Chính phủ cũng phân tích tình hình tài chính và kết quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con với 75 doanh nghiệp. Khối doanh nghiệp này nắm tổng tài sản là 2,73 triệu tỷ đồng.
75 doanh nghiệp trên có nợ phải trả là 1,37 triệu tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2020, chiếm 50% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con.
Hệ số tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,02 lần (công ty mẹ là 0,63 lần); có 13 công ty mẹ có tỷ lệ tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Đó là Tổng công ty XNK Tổng hợp Vạn Xuân (24,14 lần); Tổng công ty Thái Sơn (7,08 lần); Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (7,04 lần); Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (6,39 lần); Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (5,23 lần); Công ty TNHH MTV Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất (4,06 lần); Tổng công ty Đông Bắc (4,05 lần); Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (4,02 lần); Tổng công ty 319 (3,94 lần); Tổng công ty Thành An (3,78 lần); Tổng công ty Xăng dầu quân đội (3,75 lần); Tổng công ty 789 (3,58 lần) và Tổng công ty Giấy Việt Nam (3,02 lần).
Có 9/75 công ty mẹ được xác định là chưa bảo toàn được vốn chủ sở hữu (doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ, bao gồm cả trường hợp còn lỗ lũy kế sau khi trích lập các khoản dự phòng rủi ro theo quy định). Cụ thể. Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất lỗ lũy kế là 2.613 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt lỗ lũy kế 1.822 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Cà phê lỗ lũy kế 453 tỷ đồng; Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM lỗ lũy kế 426 tỷ; Công ty mẹ - Tổng công ty 15 lỗ lũy kế 156 tỷ đồng...
Theo báo cáo của Chính phủ, lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 5 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 1.830 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM lỗ phát sinh 771 tỷ đồng; Tổng công ty Đường sắt lỗ phát sinh 518 tỷ đồng; Tổng công ty Du lịch Sài Gòn lỗ phát sinh 488 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV 622-BQP lỗ phát sinh 50 tỷ; Tổng công ty Đầu tư và XNK Cao Bằng lỗ phát sinh 2 tỷ đồng...
Ngoài ra, lỗ phát sinh theo báo cáo của 5 công ty mẹ là 2.369 tỷ đồng. Cụ thể, lỗ lớn nhất là Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM lỗ phát sinh là 1.592 tỷ đồng do trong năm 2021 đã trích lập dự phòng rủi ro cho vay dẫn đến chi phí tăng mạnh; Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt lỗ phát sinh 565 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Du lịch Sài Gòn lỗ phát sinh 179 tỷ đồng; Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV 622 lỗ phát sinh 33 tỷ đồng.
Về số lỗ lũy kế, báo cáo hợp nhất có 16 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con còn lỗ lũy kế là 14.703 tỷ đồng. Cụ thể, Tập đoàn Hóa chất 3.038 tỷ đồng; Tổng công ty Đường sắt 1.976 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê 857 tỷ đồng; Tổng công ty 15 (548 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV 622 - Bộ Quốc phòng 77 tỷ đồng; Tổng công ty Du lịch Hà Nội 69 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn 61 tỷ đồng;...
Ngoài ra, còn 9 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 5.532 tỷ đồng. Tập đoàn Hóa chất (2.612,7 tỷ đồng); Tổng công ty Đường sắt VN (1.822 tỷ đồng); Tổng công ty Cà phê (453 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (426 tỷ đồng); Tổng công ty 15 (156 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV 622 - Bộ Quốc phòng (54 tỷ đồng)...