Ngày 24/8, Kiểm toán nhà nước tổ chức hội thảo “Phòng, chống tham nhũng và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.

Bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước, cho biết: Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm, các lĩnh vực dễ xẩy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí với phương châm “phòng” là chính.

Bà Hà Thị Mỹ Dũng, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước 

Thông qua kết quả kiểm toán và tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp với các cơ quan có liên quan đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm đối với việc sai phạm trong quản lý và sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN được thực hiện định kỳ nhằm giúp công chúng có thông tin đầy đủ, kịp thời về điều hành và quản lý ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, vẫn còn trường hợp việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại chưa đầy đủ và kịp thời. Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế. 

“Ngoài những nguyên nhân trên, kết quả phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí ngân sách, tiền và tài sản nhà nước còn hạn chế là do phương pháp kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước chỉ dựa trên hồ sơ là chủ yếu nên việc nhận biết, phát hiện các dấu hiệu tham nhũng chưa đầy đủ và kịp thời”, bà Dung chia sẻ.

Theo đánh giá của Vụ Pháp chế, kết quả kiểm toán hiệu quả ở khía cạnh phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, tính hiệu lực của kiến nghị kiểm toán còn hạn chế, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán mặc dù chuyển biến tích cực song còn tới gần 30% kiến nghị xử lý tài chính chưa được thực hiện kịp thời (tỷ lệ giai đoạn 2015-2021 bình quân 73,6%).

Việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, kịp thời và nghiêm minh làm giảm hiệu lực kiểm toán. Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán còn có đơn vị chưa nghiêm, chưa triệt để; còn có những kiến nghị sau khi phát hành báo cáo kiểm toán phải điều chỉnh.

Về vai trò của Kiểm toán Nhà nước, PGS.TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, đánh giá: Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau kiểm toán là thước đo đánh giá hiệu quả, hiệu lực của hoạt động kiểm toán trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tuy vậy, việc xử lý thực hiện các kết luận kiến nghị kiểm toán còn chậm, gặp nhiều vướng mắc. 

“Cần thấy rằng, kết quả và ý kiến của KTNN là có căn cứ mang tính pháp lý, cần phải thực hiện nghiêm. Cơ quan kiểm toán nhà nước đã trở thành cơ quan kiểm toán tài chính công, tài sản công hoạt động độc lập, khách quan; góp phần quan trọng cho sự phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng chống tham nhũng lãng phí... ”, ông Đặng Văn Thanh nhận xét.