Ngày 27/2, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTT&DL, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943-2023) – Khởi nguồn và đồng lực phát triển”.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Bộ Chính trị, GĐ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự hội thảo.
Hội thảo gồm 2 phiên "Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam" và "Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới".
Những chân lý bất diệt
Khai mạc hội thảo, GĐ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng.
Đề cương về văn hóa khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 80 năm qua, được thấm nhuần, kết tinh trong những chủ trương, đường lối của Đảng, được kiểm chứng bằng những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã toả sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, với chủ trương “Văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận, văn nghệ sỹ là chiến sỹ trên mặt trận ấy”, Đảng đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước, nhiều người đã từ bỏ con đường “vinh thân, phì gia” sát cánh cùng mọi tầng lớp nhân dân, dấn thân theo cách mạng.
Bản Đề cương đã góp phần hình thành nên những chân lý bất diệt, như: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ", “Văn hoá còn thì dân tộc còn. Văn hoá mất thì dân tộc mất”, xây dựng một nền văn hóa mới “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, “phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”,….
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, những chân lý này trở thành kim chỉ nam soi đường, dẫn lối dân tộc ta đi qua hai cuộc kháng chiến trường kì, vĩ đại và trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc sau ngày hoà bình, thống nhất.
Khởi nguồn từ tư tưởng “nghệ thuật vị nhân sinh” của bản Đề cương, ngày nay, Đảng ta đã hình thành quan điểm phát triển con người phải được đặt vào vị trí trung tâm và là mục tiêu của quá trình phát triển văn hóa.
“Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa của nhân dân, nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo, trao truyền, đồng thời cũng là chủ thể thụ hưởng những giá trị của nền văn hóa ấy”, GĐ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định.
Ông cho rằng, văn hóa phải hướng mọi sáng tạo, mọi hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, mặt khác, cần phải vun đắp cho những tài năng văn hóa nghệ thuật, để có những tác giả với những tác phẩm mang giá trị đỉnh cao.
Kiên quyết chống lại mọi sự xâm lăng về văn hoá, bài trừ các hình thức văn hoá lai căng, mê tín, dị đoan, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, tăng cường sức đề kháng, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự nghiệp cách mạng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Xây dựng bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa
Báo cáo tại hội thảo, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, bên cạnh những giá trị về nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi, những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam còn có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt 8 thập niên qua.
Quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam đã có những bước tiến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, một số hạn chế trong vận dụng giá trị và nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa vẫn đang tồn tại khiến cho các quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân.
Công tác cán bộ của lĩnh vực văn hoá (quản lý văn hoá, đội ngũ văn nghệ sỹ) chưa được quan tâm đúng mức, cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ. Môi trường văn hóa có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần kiên trì thực hiện quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý Nhà nước về văn hóa”.
Ông phân tích, phát triển con người gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình; đề cao văn hóa trong nhà trường; đề cao văn hóa trong xã hội, lan tỏa những giá trị truyền thống, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”.
Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ.
Lãnh đạo Bộ VHTT&DL đề nghị, xây dựng bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa và triển khai ứng dụng định kỳ để đo lường, đánh giá và giám sát sự đóng góp và tăng trưởng của lĩnh vực văn hóa trong tổng thể phát triển quốc gia. Không để tụt hậu và từng bước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá, du lịch.
Văn hoá còn thì dân tộc còn
Tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; “văn hoá còn thì dân tộc còn”, văn hóa “thực sự là nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”.