Cách đây gần 30 năm, vào những năm 90 của thế kỷ trước, nhằm ứng phó với thực trạng bất ổn do thiên tai gây ra bởi biến đổi khí hậu và hệ sinh thái của trái đất đang bị hủy hoại bởi con người (riêng ngành Xây dựng đã tiêu tốn hơn 40% tài nguyên năng lượng hóa thạch và cũng thải vào không khí một lượng tương tự khí CO2) đe dọa môi trường sống bền vững, thì tại Mỹ – quê hương của các tòa nhà chọc trời, đã ra đời “Phong trào Công trình xanh”.
Phong trào này kêu gọi và khuyến khích xây dựng các tòa nhà theo hướng thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống; giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, tận dụng tối đa năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước và vật liệu xây dựng; tạo môi trường sống an toàn, vệ sinh, sức khỏe cho người dân, nhất là cư dân đô thị.
Tại Việt Nam, phát triển kiến trúc xanh đã đi được một chặng đường khá dài, hơn 10 năm để thể nghiệm và đánh giá rút kinh nghiệm. Trong một bài nghiên cứu bàn về phát triển những công trình kiến trúc xanh thực chất, KTS Phạm Hoàng Phương Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, để phát triển toàn diện hệ thống công trình xanh/sinh thái/bền vững, nguyên tắc chung hiện nay chính là đảm bảo ứng dụng đồng bộ hệ thống các giải pháp chủ động và thụ động cho công trình.
Trong đó, giải pháp thụ động chính là các giải pháp tự thân của công trình (về thiết kế kiến trúc, tổ chức lớp vỏ bao che, kết cấu và vật liệu xây dựng, tổ chức không gian gắn với vật lý kiến trúc) cũng như các giải pháp chủ động như sử dụng lắp đặt các hệ thống thiết bị xanh/tiết kiệm năng lượng/thân thiện môi trường (như hệ thống thông gió điều hòa biến tần VRV, đèn LED chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, pin quang điện áp mái, nước nóng năng lượng mặt trời…).
Trên cơ sở các nội dung nghiên cứu của đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ: Nghiên cứu định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam do Viện Kiến trúc Quốc gia thực hiện, một số các nội dung định hướng chính để phát triển hệ thống các công trình xanh “thực chất” bao gồm:
* Đẩy mạnh triển khai áp dụng với hệ thống các thể loại công trình có số lượng đại trà, quy mô diện tích trung bình và lớn trên phạm vi cả nước, có tính cần thiết cao với đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân như: nhà ở thấp tầng/cao tầng, trung tâm thương mại, văn phòng, trường học, bệnh viện… không khuyến khích đầu tư phát triển các công trình có tính chất đơn lẻ, đặc thù cao để tránh tốn kém, lãnh phí nguồn lực.
* Công trình phải đảm bảo đa dạng về công năng sử dụng, trước hết khả năng sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt - sản xuất lâu dài, bền vững của người dân.
Hạn chế các công trình đơn chức năng. Các công trình công cộng ngoài chức năng sử dụng chính cần được nghiên cứu tích hợp thêm các chức năng phụ như tránh trúc bão, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đồng thời, có khả năng đảm bảo an toàn, chống chịu được các ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt, thiên tai.
* Công trình phải có chi phí đầu tư hợp lý, cao hơn các công trình thông thường có quy mô tương đương không vượt quá 30%. Ưu tiên sử dụng các công nghệ và thiết bị phục vụ sinh hoạt đời sống và sản xuất có chi phí lắp đặt và sử dụng vận hành thấp, tiết kiệm năng lượng, đã được sản xuất và ứng dụng đại trà.
Các số liệu nghiên cứu thực tế cũng cho thấy, chỉ thông qua áp dụng một số giải pháp chủ động và thụ động thông thường, với chi phí đầu tư rất phù hợp, mức độ xanh/tiết kiệm năng lượng/bền vững thực chất của công trình đã có thể được gia tăng rất đáng kể: Với làm mát khi áp dụng giải pháp giảm nhiệt làm bên ngoài nóng công trình bằng hấp thụ hay phản xạ (mành chớp, mái hiên, chớp xoay, vải bạt và các lam chớp che nắng nhiều màu, rèm cuốn, mành chớp, rèm tấm, rèm xếp, vải và các lam chớp phải có mức độ phản xạ cao) có thể đạt được mức từ 50 - 95%.
Với chiếu sáng nhân tạo khi áp dụng các giải pháp sử dụng ánh sáng tự nhiên bằng truyền dẫn và phản xạ cao, sử dụng ánh sáng tự nhiên bằng việc điều chỉnh các lam chớp, sử dụng ánh sáng tự nhiên một cách chọn lọc, sử dụng ánh sáng tự nhiên thông qua phản xạ trực tiếp có thể đạt tới mức từ 50 - 70%.
* Công trình có tính hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường sống tự nhiên. Theo đó, thiết kế các công trình kiến trúc phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, tôn trọng môi trường thiên nhiên, hạn chế các tác động thô bạo để công trình trở thành một phần hữu cơ - gắn kết hài hòa với bối cảnh xung quanh nơi công trình được xây dựng.
Điều này có nghĩa là công trình có thể diễn giải lại các nguyên tắc của tự nhiên (ví dụ như khả năng thông gió, chiếu sáng tự nhiên, tự làm mát mùa hè, ấm áp vào mùa đông, không gian linh hoạt, sự thay đổi góc nhìn, hình ảnh theo thời gian ngày hay đêm).
Các yếu tố đó được hình thành thông qua sự sáng tạo, tư duy các giải pháp thiết kế kiến trúc/kỹ thuật công trình để tạo ra các mối quan hệ nội tại và mối quan hệ qua lại giữa công trình và thiên nhiên xung quanh.
* Công trình kiến trúc có ưu thế về tiết kiệm năng lượng trong đó ngoài vấn đề về sự bền vững với địa điểm, kiến trúc còn mang yếu tố kỹ thuật về sử dụng vật liệu, công nghệ để giảm thiểu việc tiêu hao năng lượng trong quá trình vận hành cũng như giảm thiểu các tác hại tiêu cực vào môi trường xung quanh.
* Công trình có tính kế thừa một số các ưu thế về sinh thái/bền vững/tiết kiệm năng lượng của kiến trúc truyền thống, trên cơ sở có sự nghiên cứu chọn lọc, kế thừa và phát huy theo các giải pháp chuyển hóa để có sự phù hợp với kiến trúc và yêu cầu cuộc sống đương đại.
Trên cơ sở này, các ưu thế về sinh thái/ bền vững/ tiết kiệm năng lượng sẽ là một trong những yếu tố chính tham gia góp phần tạo dựng nên tính nhận diện và cao hơn là bản sắc kiến trúc cho công trình.
* Kiến trúc công trình không chạy theo chủ nghĩa hình thức, mà phải phát triển dựa trên thực chất với các nội hàm tiết kiệm năng lượng/hiệu quả sử dụng được kiểm định và lượng hóa bằng các tiêu chí - chỉ tiêu cụ thể, như các bộ tiêu chí đánh giá LEED, EDGE, hay LOTUS - bộ tiêu chí của Hội đồng công trình xanh Việt Nam…