Giới trẻ lao đao trong "cơn lốc" sa thải
Ngụy Tử Nghi, 26 tuổi, dành nhiều năm phấn đấu để trở thành người trung lưu. Mùa hè năm 2022, anh chuyển đến Thâm Quyến và ứng tuyển thành công vào vị trí nhân viên tiếp thị tại công ty công nghệ. Anh luôn cố gắng làm việc chăm chỉ để gây ấn tượng với cấp trên.
''Tôi chưa bao giờ nói không với bất kỳ nhiệm vụ nào. Tôi là một trong những người có thành tích tốt nhất'', anh chia sẻ. Nhưng mọi thứ nhanh chóng kết thúc vì nền kinh tế Trung Quốc chững lại sau nhiều tháng phong tỏa vì Covid-19. Lúc này, công ty bắt đầu thực hiện 'cơn lốc' sa thải.
Ngụy Tử Nghi là một trong những người bị sa thải, phải chật vật tìm việc mới. Anh rời Thâm Quyến đến thành phố khác có mức sống thấp. 1 năm sau, anh cho biết hạnh phúc vì quyết định chấp nhận lối sống 'trôi dạt'.
"Sau khi mất việc, tôi nhận ra ý nghĩa cuộc sống không nằm ở công việc hay mức thu nhập. Tôi bắt đầu xem xét lại các giá trị và mục tiêu của cuộc đời mình", anh nói.
Hiện tại, tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ Trung Quốc đang ở mức báo động. Nhiều thanh niên của nước này chấp nhận bỏ học và tái tạo bản thân thành những kẻ 'trôi dạt', sống bằng đủ cách trong khi lang thang.
'Trôi dạt' là biểu hiện của sự vỡ mộng đang lan rộng trong giới trẻ. Những năm qua, nhiều người phàn nàn về cuộc sống ở các thành phố lớn của Trung Quốc: Tình trạng cạnh tranh cao, sinh viên tốt nghiệp nhiều nhưng việc làm lại ít.
Suy nghĩ này phù hợp với tình hình thực tại vì nền kinh tế phát triển chậm, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục, vượt 20% vào năm 2022, theo Sixth Tone. Nhiều sinh viên tốt nghiệp, từ bỏ hy vọng tìm được công việc tốt, tuyên bố bỏ học và thực hiện xu hướng nằm thẳng/nằm im (躺平 - tǎng píng - mặc kệ đời).
Peter Yang đang học tiến sĩ tại Trường Kinh tế London - người nghiên cứu các phong trào của giới trẻ Trung Quốc, cho biết các yếu tố kinh tế xã hội đang khiến thanh niên áp dụng lối sống 'trôi dạt'.
"Thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh, giá hàng hóa tiêu dùng và tài sản tiếp tục leo thang, công việc ổn định, nhà ở thành phố, cảm giác thỏa mãn trong công việc hoặc cuộc sống nằm ngoài tầm với", người này nói thêm.
Hiện tại xu hướng này trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Trên MXH có hàng trăm bài viết của giới trẻ chia sẻ kinh nghiệm từ bỏ sự nghiệp và trở thành người 'trôi dạt'. Hầu hết những người này đều ở độ tuổi ngoài 20, bị mất việc làm trong thời kỳ suy thoái hoặc quyết định nghỉ việc để thoát khỏi văn hóa làm việc “996” (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần).
Lối sống 'trôi dạt' phổ biến ở giới trẻ
Ngụy Tử Nghi từ lâu đã khao khát được sống trôi dạt. Sau khi vào học ĐH, anh hâm mộ nhạc dance điện tử và mơ ước được đi lưu diễn khắp nơi với tư cách là DJ. Nhưng phải mất một thời gian, anh mới đủ can đảm để thực hiện ước mơ.
Anh quyết định gửi một số bài hát cho cuộc thi âm nhạc ở TP Thành Đô và tự nhủ: "Nếu lọt vào vòng trong, tôi sẽ đến Thành Đô, nếu không sẽ tiếp tục tìm việc".
Cuối cùng, anh lọt vào vòng trong, sau chuyến đi đến Thành Đô anh trở lại tràn đầy năng lượng và sẵn sàng bắt đầu cuộc sống mới. Từ tháng 12/2022 đến nay, anh đã 'trôi dạt' và đi qua khoảng 28 TP ven biển ở Trung Quốc.
Một cô gái khác tên Lê Tử, 25 tuổi, quyết định nghỉ việc tại công ty quảng cáo ở Bắc Kinh vào tháng 1 và bắt đầu đi du lịch ngay sau đó. Cô đã trải qua vài tháng 'trôi dạt' qua châu Á, châu Phi và châu Âu.
"Du lịch vòng quanh thế giới là giấc mơ của tôi từ nhỏ. Không cần phải chuẩn bị nhiều trước khi bắt đầu", người này nói.
Đam mê với ngành quảng cáo, nhưng sau 3 năm làm việc ngoài giờ không ngừng, cô cảm thấy kiệt sức. "Điều khiến tôi bận tâm hơn cả sự kiệt quệ về thể chất là căng thẳng về tinh thần. Công việc căng thẳng và sự xung đột trong đội ngũ quản lý khiến chúng ta không thể chỉ tập trung vào công việc", cô nói.
Sau thời gian sống trải nghiệm, cô cho biết có thể lấy cảm hứng trong khi 'trôi dạt'. "Tôi không nói đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, nhưng bây giờ tôi tin cuộc sống là không ngừng tìm kiếm câu trả lời", Lê Tử chia sẻ.
Diệp Khai Khai, 27 tuổi, là tiếp viên tàu hỏa sau khi tốt nghiệp ĐH, nhưng đã bỏ cuộc sau ba tháng. Trong 5 năm qua, cô đã di chuyển đến nhiều nơi và sống nhiều cách khác nhau như: Dựng lều trên ngọn núi tuyết ở Tây Tạng, mở cửa hàng kem ở tỉnh Vân Nam và đi du lịch khắp đất nước với tư cách là người chơi bass trong ban nhạc rock.
Trên đường đi, cô duy trì thu nhập bằng cách đan quần áo và làm đồ trang sức bằng tay. Sau đó, bán sản phẩm trên nền tảng trực tuyến.
Cô cho biết sẵn sàng trở thành một người 'trôi dạt'. "Tôi đã hình thành thói quen thay đổi liên tục. Mọi người xung quanh tôi đến rồi đi và tôi sẽ luôn cô đơn", cô nói.
"Thế giới luôn thay đổi, tôi cũng vậy. Cuộc sống rất ngắn, tốt nhất là làm điều gì đó vui vẻ, bản thân muốn", người này nói thêm.
Lối sống tạm bợ
Tùy vào quan điểm mỗi người, lối 'trôi dạt' có thể tạm bợ hoặc lâu dài. Nhưng phần lớn những người từng trải nghiệm, cho rằng đây chỉ là lối sống tạm bợ. Lê Tử cho biết vì không có nguồn thu nhập ổn định nên không thể trôi nổi lâu dài.
Còn đối với Ngụy Tử Nghi duy trì lối sống bằng khoản trợ cấp thôi việc từ công ty cũ và thu nhập đến từ việc làm DJ. "Cốt lõi của trôi dạt là hỗ trợ thêm cho cuộc sống. Chúng ta có thể không cần làm việc, nhưng phải biết cách kiếm sống", anh nói.
Anh không loại trừ khả năng sẽ quay lại làm việc, nhưng không còn nhiều lo lắng như trước. "Tôi mới chỉ nhìn thấy một phần nhỏ của thế giới. Tôi chỉ muốn kiến tạo cuộc sống của riêng mình", anh chia sẻ.
Người trẻ khác cũng cho rằng, 'trôi dạt' chỉ là một lối thoát tạm thời. Cô được bố mẹ hỗ trợ tài chính trong suốt chuyến đi. Hiện, cô bị bố mẹ thúc giục ổn định cuộc sống.