Kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, một số quan chức và chỉ huy Ukraine bao gồm Tổng thống Zelensky đã đe dọa phá hủy cây cầu dài 19km nối bán đảo Crưm với vùng Krasnodar của Nga. Theo Kiev, cầu Crưm đóng vai trò rất quan trọng đối với quân đội Nga. Bán đảo Crưm thuộc Ukraine nhưng đã sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi năm 2014.
“Chúng tôi thực sự muốn phá hủy cơ sở hạ tầng của Nga. Không chỉ là cây cầu ở Kerch. Chúng tôi đang nói về một số cơ sở hạ tầng cấu thành mục tiêu quân sự. Chúng tôi đang nói về các cây cầu, và sân bay”, hãng tin RT dẫn lời ông Zelensky.
Hồi tháng 7/2023, trong bài phát biểu video trước Diễn đàn An ninh Aspen, Tổng thống Zelensky khẳng định cầu Crưm là mục tiêu tấn công hợp pháp của Ukraine, và nó phải bị "vô hiệu hóa”.
Một số hãng truyền thông phương Tây cho rằng các cuộc tấn công mới nhằm vào cầu Crưm là điều không tránh khỏi. Hồi tháng 2, Phó Đô đốc Aleksey Neizhpapa, chỉ huy Hải quân Ukraine, tuyên bố cầu Crưm sẽ bị phá hủy vào năm 2024.
Thậm chí, Kiev đã nhiều lần yêu cầu Đức cung cấp tên lửa tầm xa Taurus để tấn công cầu Crưm. Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz đã kiên quyết bác bỏ yêu cầu, bởi động thái này có thể khiến Nga coi Đức là một bên tham gia xung đột. Song vào tháng 3, một đoạn ghi âm bị rò rỉ tiết lộ các quan chức hàng đầu của Đức đang thảo luận về kế hoạch gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine để tấn công cầu Crưm.
Cầu Crưm được xây dựng từ năm 2016 – 2018, và là tuyến đường bộ, đường sắt duy nhất nối bán đảo Crưm với đất liền Nga. Moscow cũng đã mở một cây cầu rộng lớn trên bộ tới Crưm, sau khi vùng Kherson, Zaporizhzhia, cùng Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng sáp nhập vào Liên bang Nga vào năm 2022.
Trên thực tế, cầu Crưm từng nhiều lần bị tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Ukraine tấn công. Vào tháng 10/2022, một chiếc xe tải chở đầy chất nổ đã phát nổ khi đang ở trên cầu, khiến 3 người thiệt mạng, và gây thiệt hại lớn cho cấu trúc cầu. Vào tháng 7/2023, một chiếc xuồng không người lái phát nổ dưới chân cầu, khiến 2 người thiệt mạng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đây là những vụ tấn công “tàn bạo”, nhưng vô nghĩa khi xét theo góc độ quân sự. Ông cho hay, cầu Crưm không còn được sử dụng để vận chuyển đạn dược.
Tên lửa và UAV Nga tấn công hệ thống năng lượng của Ukraine
Vào sáng sớm nay (11/4), Nga đã triển khai tấn công bằng tên lửa và UAV quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, làm hư hại các trạm biến áp và cơ sở điện ở 5 khu vực, khiến ít nhất 200.000 người không có điện sử dụng.
Theo hãng tin Reuters, quân đội Ukraine cho biết Nga đã sử dụng 82 tên lửa và UAV trong cuộc tấn công mới nhất. Trong số này, phòng không Ukraine đã bắn hạ được 18 tên lửa, và 39 UAV.
Đợt tấn công của Nga đã gây hư hại cho các trạm biến áp và cơ sở sản xuất điện của nhà điều hành lưới điện Ukrenergo tại các khu vực Odessa, Kharkiv, Zaporizhzhia, Lviv và Kiev.
Bộ trưởng Nội vụ Ukraine xác nhận, ít nhất 10 tên lửa đã tấn công thành phố Kharkiv, khu vực nằm cách biên giới Nga chỉ 30km.
Phó chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Oleksiy Kuleba cho hay, khu vực phía đông bắc Kharkiv đã buộc phải dừng cấp điện cho 200.000 người.
DTEK, công ty điện lực tư nhân lớn nhất ở Ukraine, cho biết thêm Nga đã tấn công 2 nhà máy điện, và gây thêm nhiều thiệt hại nghiêm trọng.