Trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung và trợ lý thông minh nói riêng đã len lỏi vào từng hoạt động của đời sống, đặc biệt là những sản phẩm vốn được nghiên cứu và phát triển dành riêng cho người Việt Nam.
Theo công bố mới đây của Zalo, trợ lý ảo Kiki do công ty Việt Nam này phát triển đã cán mốc 300.000 lượt cài đặt sử dụng. Lượng người dùng Kiki theo đó đã tăng trưởng 50% so với số liệu thống kê hồi tháng 12/2022.
Ra đời từ năm 2020, thế mạnh lớn nhất của Kiki là khả năng xử lý tiếng Việt tốt, hiểu thói quen và văn hóa giao tiếp bản địa. Đây là yếu tố cạnh tranh giúp Kiki khẳng định dấu ấn của mình tại thị trường Việt Nam.
Khác với các trợ lý ảo ngoại nhập, Kiki không những có thể giao tiếp chuẩn tiếng Việt mà còn nghe hiểu tốt giọng nói theo các vùng miền và đặc trưng ngôn ngữ của từng địa phương.
Hiện có khoảng 150.000 lượt truy vấn sử dụng Kiki mỗi ngày. Những con số trên phần nào phản ánh tiềm năng lớn của thị trường trợ lý thông minh trên xe ô tô và sự đón nhận của người dùng Việt Nam.
Theo Navigant Research, trợ lý ảo dự kiến được tích hợp vào khoảng 90% các phương tiện mới được bán ra trên toàn cầu vào năm 2028. Điều này cho thấy mức độ đầu tư của nhà sản xuất và nhu cầu trải nghiệm việc lái xe với nhiều tiện ích của người dùng ngày càng tăng cao.
Trong một cuộc khảo sát do UpCity công bố tại Mỹ năm 2022 về việc sử dụng công nghệ tìm kiếm bằng giọng nói, 14% người dùng trợ lý ảo cho biết mục đích của họ là có trải nghiệm rảnh tay khi lái xe, 13% dùng tra cứu thông tin.
Theo Zalo, thị trường trợ lý ảo tại Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy chung của thế giới. Sự tăng trưởng 50% chỉ sau chưa đầy 3 tháng của Kiki cho thấy rõ triển vọng của thị trường nội địa.
Nghe nhạc, chỉ đường, cập nhật tin tức trên xe hơi với sự hỗ trợ của AI… sẽ trở thành những tiện ích cơ bản và cần có trên mọi chiếc xe ô tô, ở mọi phân khúc. Việc tích hợp trợ lý ảo cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua xe của người tiêu dùng.
Cứ 4 công dân Hàn Quốc thì có 1 người dùng trợ lý ảo GoodPy
GoodPy là trợ lý ảo phục vụ người dân Hàn Quốc sử dụng dịch vụ Chính phủ số. Sau 9 tháng ra mắt, GoodPy đã có 14 triệu người đăng ký tài khoản, nghĩa là cứ 4 công dân Hàn Quốc thì có 1 người dùng.