“Chúng tôi đã kín lịch phục vụ lễ 30/4. Nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ xin hẹn chị đặt tour sau kỳ nghỉ” - ông Nguyễn Trung Hậu - Giám đốc Haha Travel - trả lời điện thoại một khách quen của DN.
Việc từ chối khách được lý giải bởi đơn vị đã kín lịch đặt trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 30/4-3/5). Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, đại diện DN buộc phải từ chối hoặc tư vấn người dân lùi lịch đi chơi.
Cũng theo ông Hậu, các tour du lịch đang có dấu hiệu khởi sắc ở cả hai miền Bắc, Nam. Cung đường miền Bắc có Lai Châu, Sơn La, Hà Giang thu hút nhiều khách đặt. Còn điểm đến “hot” nhất khu vực phía Nam vẫn là Phú Quốc (Kiên Giang). Khoảng 25% lượng khách sử dụng tour của Haha Travel trong dịp lễ 30/4 là đi Phú Quốc.
Phó Giám đốc Khu du lịch Sunworld núi Bà Đen (Tây Ninh) - ông Nguyễn Huy Cường cho biết, đơn vị dự kiến đón tới 150.000 lượt khách trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 tới đây. Đây là con số ấn tượng bởi cùng kỳ năm ngoái, khu du lịch này chỉ đón khoảng 35.000 khách. Còn trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ 10/3 âm lịch mới đây, Sunworld núi Bà Đen đã đón 80.000 khách tham quan.
Lữ hành Saigontourist thông tin, kỳ nghỉ tới, công ty đã có hơn 100 sản phẩm tour du lịch trong và ngoài nước, dự kiến phục vụ 30.000-35.000 lượt khách. Công ty nhận thấy, khách du lịch đặc biệt quan tâm đến các tour trọn gói nghỉ dưỡng, dịch vụ lưu trú tại các resort cao cấp... Nhu cầu đi trong nước tăng trưởng mạnh với top 5 điểm du lịch được lựa chọn nhiều nhất là Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh).
Đại diện DN đánh giá, đây được xem là thời điểm vàng để ngành du lịch “sống lại”, cú hích nghỉ lễ đang giúp phục hồi ngành du lịch trong nước, cũng là bước chuẩn bị quan trọng đón mùa du lịch quốc tế sắp tới.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Trưởng nhóm Kinh doanh phía Nam của FLC Group Hotels & Resorts, cho rằng, Hạ Long (Quảng Ninh) đang hút khách mạnh do khả năng liên kết giữa các tuyến, tour với nhau. Chẳng hạn, khách có thể đi từ Hà Nội đến Hạ Long, sau đó đi hành hương tại Yên Tử. Đây là một trong những cung đường đẹp mà các đơn vị lữ hành khai thác.
Sau thời gian dịch Covid-19, khách sạn đã khôi phục lại tất cả các dịch vụ. Nguồn nhân lực phục vụ bằng 80% so với trước dịch và các kỳ vọng công suất phòng đạt 100% trong dịp nghỉ lễ 30/4 và nghỉ hè tới đây.
Bà Lại Thị Yên, Giám đốc Bán hàng khu vực miền Bắc Công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm (đơn vị khai thác điểm đến Yên Tử), nhận xét, sau dịch Covid-19, hành vi đi du lịch và nhu cầu được nghỉ dưỡng cũng đã thay đổi nhiều. Trước kia, trong một hành trình, người dân sẽ muốn đi nhiều điểm và kết hợp hoạt động mua sắm. Hiện nay, đối với điểm đến Yên Tử, khách chú trọng những trải nghiệm thiên về việc chăm sóc, phát triển về cảm xúc chuyên sâu thông qua các hoạt động như thiền, yoga.
Dịp lễ 30/4 tới đây, cả 2 khu nghỉ dưỡng gồm 225 phòng lưu trú qua đêm của đơn vị đã 100% kín lịch đặt. Đối với lượng khách đi cáp treo, hoạt động tại điểm đến, DN ước tính đón khoảng 5.000-6.000 lượt khách đi về trong ngày.
Liên kết không phải anh đưa tôi 100 khách thì tôi phải trả lại 100 khách
Quảng Ninh đang được coi là một trong những điểm đến được quan tâm của người dân khu vực phía Nam, đặc biệt người dân TP.HCM. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh - ông Phạm Ngọc Thủy khẳng định, hạ tầng giao thông gần 200km đường cao tốc chạy dọc chiều dài của tỉnh, sân bay quốc tế, cảng biển hành khách quốc tế chuyên dụng đang là đòn bẩy để du lịch Quảng Ninh bứt phá thời gian qua, kéo lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương. Tỉnh mong muốn thu hút trên 10 triệu lượt khách du lịch trong năm 2022, trong đó, có 1,5 triệu lượt khách quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, nhận định, ngành du lịch thời điểm này chỉ có liên kết giữa các địa phương mới có thể cung cấp những sản phẩm mới, có lợi cho người dân và công ty du lịch.
Để thúc đẩy, phục hồi hoạt động du lịch, TP.HCM đang trao đổi khách hai chiều với tỉnh Quảng Ninh. Xét về hạ tầng, điểm đến, Quảng Ninh đáp ứng hết mọi yêu cầu về các loại hình du lịch của du khách TP.HCM. Vừa có tham quan thắng cảnh, vừa có du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo).
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, khi liên kết du lịch giữa các địa phương, không nên hiểu hay đòi hỏi phải cân bằng 1-1 vì nhu cầu còn phụ thuộc vào dân số và điều kiện ở mỗi địa phương. Liên kết là để đáp ứng chính nhu đi du lịch của người dân TP.HCM, đó là điều kiện trước tiên. Ở chiều ngược lại, các địa phương cũng có mong muốn đưa người dân của họ đến với TP.HCM.
“Không nhất thiết đòi hỏi anh đưa tôi 100 khách thì chúng tôi phải đưa trả anh 100 khách. Có thể địa phương liên kết không trực tiếp đưa khách tới TP.HCM nhưng vùng đó hoặc các tỉnh lân cận sẽ có sự kết nối thông tin, giao thông từ đó người dân các địa phương khác sẽ đến với thành phố”, bà Khánh nói.
Trần Chung
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh tại Khu du lịch biển Quất Lâm (huyện Giao Thủy, Nam Định) rơi vào trạng thái đìu hiu. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, rao bán, thậm chí bị bỏ hoang.