Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, tình hình kinh tế từ năm 2023 ảm đạm phải có cách nhìn khách quan, đừng tiêu cực cho rằng do hạn chế nào đó trong điều hành vĩ mô mà kinh tế ảm đạm.
Câu chuyện doanh nghiệp gặp khó khăn được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội ngày 25/5.
Đừng tiêu cực cho rằng do điều hành
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, tình hình kinh tế từ năm 2023 ảm đạm phải có cách nhìn khách quan, đừng tiêu cực cho rằng do hạn chế nào đó trong điều hành vĩ mô mà kinh tế ảm đạm.
Việc này cần phải cần nhìn từ tác động bên ngoài, do đại dịch Covid-19, chiến tranh, xung đột, cạnh tranh các nước lớn.
Đại biểu tỉnh Cà Mau cũng lưu ý còn một số vấn đề nội tại nhưng gốc rễ vẫn là cán bộ: “Chất lượng thể chế đã kém, chất lượng cán bộ còn kém hơn, chứ không phải do sự vận hành các thiết chế về kinh tế, doanh nghiệp”.
Ông nêu số lượng doanh nghiệp đăng ký giảm rất nhiều, số lượng công nhân thất nghiệp tăng lên. Trong ngày 23/5, trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tiếp nhận 22.000 hồ sơ thất nghiệp.
Một tiểu thương ở chợ Bến Thành nói, có giai đoạn 2 tuần liền không bán được món hàng nào. Điều này cho thấy cầu giảm, do khó khăn, người dân thắt lưng buộc bụng, lương không có do doanh nghiệp nợ...
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng chỉ ra nghịch lý, tuy vậy các dự án về cổng chào vẫn triển khai, trong lúc dân thì khó khăn, đặc biệt nơi vùng sâu vùng xa, đói kém thì xây tượng đài để ca ngợi gì!
“Chất lượng thể chế thấp, pháp luật không ổn định, chất lượng cán bộ yếu kém nên bất nhất. Ông chủ tịch nhiệm kỳ này ủng hộ, nhưng sang nhiệm kỳ sau chủ tịch khác lại thu hồi dự án. Trong khi doanh nghiệp bỏ vào hàng trăm tỷ vào dự án và phải trả lãi suất ngân hàng”, đại biểu lưu ý, nếu không xử lý những cán bộ như thế thì doanh nghiệp khó sống, khó phát triển.
Cần có giải pháp mạnh mẽ hơn
Phó Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cũng nêu thực tế một số lĩnh vực chịu tác động rất lớn, trong đó có bất động sản. Nhiều DN bất động sản lớn hiện đứng trước bờ vực phá sản.
Đại biểu cho biết, thời gian qua có nhiều DN gửi tâm thư đến Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành tha thiết đề nghị có chính sách tháo gỡ khó khăn, áp lực.
“Có doanh nghiệp một ngày phải trả lãi ngân hàng 50 tỷ, trong khi có những dự án 2 năm nay không triển khai được. Rõ ràng DN không thể chịu nổi lãi suất như thế, một ngày cứ mở mắt ra là mất 50 tỷ”, đại biểu Hoàng Công Anh nêu thực tế.
Vì vậy, ông đề nghị Quốc hội có chính sách, giải pháp sớm tháo gỡ khó khăn cho DN. Bởi ở đây không phải câu chuyện một DN mà DN này chết lại kéo theo DN khác, khiến cả nền kinh tế ảnh hưởng theo.
Theo Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), DN là linh hồn sống của nền kinh tế, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước và xã hội, nhất là trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19. Nhưng hiện DN đang hết sức khó khăn.
Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ DN, xã hội cần có sự chia sẻ và chung tay cùng DN trong thời điểm hết sức khó khăn này.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị nhanh chóng đẩy mạnh lĩnh vực du lịch để bù đắp suy giảm về thương mại hàng hóa; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN. Đồng thời giảm các nghĩa vụ tài chính cho DN, người dân.
Ông đánh giá cao việc Chính phủ đề nghị giảm thuế VAT 2% để kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Năm nào cũng rót 60 - 70 tỷ duy tu, mưa xuống là trôi
Thảo luận về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo kể lại câu chuyện lãng phí trong duy tu quốc lộ 27.
Đây là con đường kết nối khu vực Tây Nguyên hết sức chiến lược và được tỉnh đề cập từ khóa 13, 14 và nhiều kỳ họp khóa 15, xin nhiều cơ chế tài chính khác nhau để làm nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt. Đường quốc lộ mà còn tệ hơn đường thôn. Mùa mưa không đi được, đường đèo cực kỳ xấu.
“Nhiều lãnh đạo vào cũng nói đường quốc lộ giống như đường làng, đường thôn. Người dân nói rất nặng nề, nhiều lúc đại biểu Quốc hội không dám đi tiếp xúc cử tri ở vùng này. Nhưng không hiểu sao, chúng tôi nói nhiều mà Bộ GTVT không làm, năm nào cũng rót vào 60 tỷ - 70 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng. Nhưng duy tu xong đến mùa mưa là trôi. 16 năm nay cứ như vậy thì gần cả ngàn tỷ chỉ duy tu, bảo dưỡng. Năm nay bỏ 60 tỷ làm rồi mưa một cái trôi hết, năm sau lại 60 tỷ làm mãi. Tôi cũng không hiểu”, đại biểu bày tỏ.
Đại biểu tỉnh Lâm Đồng cho rằng việc này là cực kỳ lãng phí nhưng “người ta thích sống trên lãng phí”.
Phó ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cũng cho biết, câu chuyện “làm đường rồi bị trôi” mà đại biểu Nguyễn Tạo đề cập được Ban Dân nguyện nhiều lần trao đổi với Bộ GTVT và giám sát trực tiếp nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng tình trạng né tránh trách nhiệm, đùn đẩy xảy ra phổ biến, tràn lan, không chỉ ở khu vực công mà cả khối tư, trong doanh nghiệp.
Đại biểu Tạ Thị Yên nêu, từ 2010 đến nay, Tập Đoàn điện lực Việt Nam 8 lần tăng giá điện và đến nay vẫn tiếp tục báo lỗ. Cử tri băn khoăn, công ty "mẹ" báo lỗ trong khi các công ty "con" vẫn công bố lãi.