Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai.

Với chiến lược này, Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu để hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được phồn vinh, ấm no và hạnh phúc. 

Kinh tế số là một trong ba trụ cột chính của công cuộc chuyển đối số toàn diện theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính năm 2020, kinh tế số của Việt Nam đóng góp 12% GDP. Nhưng đến năm 2023, kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP, với tốc độ tăng trưởng trên 20% một năm. 

VIDEO CUỘC TỌA ĐÀM:

Nhân ngày Chuyển đổi số Quốc gia (10/10), VietNamNet thực hiện bàn tròn trực tuyến bàn về chủ đề: Việt Nam trước cơ hội hợp tác kinh tế số ASEAN. 

ASEAN đang là khu vực đang thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ. Các quốc gia đã thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng các khung chính sách, thúc đẩy chuyển đổi số trong ASEAN, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế số trong ASEAN, tận dụng tối đa lợi ích công nghệ số mang lại, biến ASEAN thành chủ thể có tính cạnh tranh cao. Việt Nam có thể nắm bắt các cơ hội từ khu vực để kết nối số và thúc đẩy Chiến lược Kinh tế số quốc gia như thế nào? 

 Trân trọng giới thiệu ba khách tham gia chương trình: 

- Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách quan hệ Việt Nam với các nước Đông Nam Á, nguyên Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam. 

- Ông Goh Keng Phang, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam 

- Ông Jason Bay, Giám đốc Quốc gia (thị trường Việt Nam), Tập đoàn Sea Limited

- Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, cách đây gần một thập niên, năm 2015, ASEAN có một dấu mốc lịch sử về cộng đồng chung: Tuyên bố Kuala Lumpur về Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 được ký kết tại Malaysia. Theo đó, Cộng đồng ASEAN được hình thành với ba trụ cột với một trong số đó là Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Ông đánh giá thế nào về sự vận động, biến chuyển của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt qua thời kỳ Covid và sự tác động của chuyển đổi số đã định hình hướng đi và tương lai của cộng đồng kinh tế chung khu vực ra sao?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Năm 2015 là thời điểm khởi đầu của Cộng đồng ASEAN nhưng quá trình hội nhập khu vực đã diễn ra khoảng 20 năm trước đó. Từ năm 2015, Cộng đồng ASEAN hình thành dựa trên ba (03) trụ cột: Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN. 

Đối với Cộng đồng Kinh tế, câu hỏi chính: Làm thế nào biến ASEAN thành một thị trường duy nhất? Sau gần 10 năm, ASEAN hiện là thị trường với 700 triệu dân và một nền kinh tế có giá trị khoảng 3,8 nghìn tỷ đô la Mỹ, khối lượng thương mại khoảng 3,8 nghìn tỷ đô la Mỹ. Hiện, ASEAN là nền kinh tế số năm trên thế giới.

Thời điểm Covid cách đây ba năm (2020), Việt Nam giữ vai trò chủ tịch ASEAN. Lúc đó, chúng tôi chỉ có một cuộc họp trực tiếp và phải nhờ Internet để tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh khác. Không chỉ các cuộc họp, tương tác xã hội, ngay cả giao thông và mọi liên kết vật lý đều bị cản trở bởi Covid. Sự thay đổi chuỗi cung ứng khiến ảnh hưởng rất nhiều. Làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục tương tác kinh tế trong nước và giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới là một vấn đề rất khó khăn. 

W-1HAI_4737.jpg
Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách quan hệ Việt Nam với các nước Đông Nam Á, nguyên Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam. 

Vì vậy, đến một thời điểm mà sau nhiều tháng cần thiết, chúng ta dần trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các biện pháp mang tính ràng buộc của Internet và các công cụ kỹ thuật số thống trị. Sau ba năm đại dịch Covid, con người, đặc biệt người mua sắm tiêu dùng, đã quen với các hình thức thương mại điện tử hoặc thương mại khác nhau. 

Vào năm 2021, một năm sau khi Việt Nam làm chủ tịch, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra tuyên bố tại Brunei về phục hồi kinh tế và thúc đẩy nền kinh tế số. Đó là điểm khởi đầu. Năm 2023, các nhà lãnh đạo đã khởi động các cuộc đàm phán Hiệp định Khung Kinh tế số (DEFA). Đây là nền tảng chung để ASEAN hợp tác hướng tới phát triển nền kinh tế số trong khu vực. Hy vọng hiệp định khung đó sẽ được hoàn thành trong năm tới. 

Quá trình hội nhập ASEAN diễn ra một hành trình dài. Chúng ta đã cùng nhau làm việc để xây dựng một nền kinh tế và cộng đồng hội nhập của khu vực. Chúng ta đã thảo luận về thương mại điện tử, kinh tế số, nhưng đại dịch Covid đã thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn, và nhu cầu thực sự cho điều đó đã trở nên rõ ràng.

Việt Nam hưởng lợi từ cơ chế song phương, đa phương 

- Việt Nam và Singapore có hai dấu mốc son rất đáng tự hào: 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore. Theo dõi di sản hợp tác này, tôi nhớ những thập niên đầu, chúng ta nói rất nhiều về VSIP (Khu công nghiệp VN-Singapore), như một biểu tượng về quan hệ kinh tế hai nước.

Thập kỷ này, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và Singapore là quốc gia trong khu vực tiên phong rất nhiều các sáng kiến hợp tác kinh tế số với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên số hoá mạnh mẽ, vậy thì, hợp tác kinh tế số có thể sẽ là một VSIP mới bên cạnh các khía cạnh hợp tác kinh tế đặc sắc khác của hai nước không? 

Ông Goh Keng Phang - Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam: Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã chứng tỏ là một mô hình hợp tác rất thành công của hai nước. Chúng tôi bắt đầu vào năm 1998 tại Bình Dương, hiện mở rộng đến 18 khu công nghiệp ở 13 tỉnh trên khắp Việt Nam. Mô hình này cũng kích thích sự phát triển ở các thành phố loại hai và loại ba trong nước. Trong năm nay, chúng tôi đã khởi công xây dựng khu công nghiệp ở Lạng Sơn và Hà Tĩnh.

Nhưng kinh tế số có phần khác biệt. Nó không bị giới hạn bởi bất kỳ khoảng cách vật lý nào, có thể trải rộng tất cả các ngành. Vì vậy, có nhiều cơ hội cho sự hợp tác số trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngay cả trong lĩnh vực sản xuất truyền thống, VSIP sẽ tiếp tục cung cấp cho các nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà sản xuất điện tử, một nền tảng vững chắc để thiết lập cơ sở sản xuất của họ tại Việt Nam. Đây là điều mà VSIP đã làm rất tốt, và họ sẽ tiếp tục phát huy điều đó.

Trong tương lai, như một bước tiến, để giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam nâng cao trình độ và tận dụng các kỹ thuật sản xuất thông minh, Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Singapore đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam để thúc đẩy các kỹ thuật sản xuất tiên tiến tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực giải pháp đô thị, hay không gian thành phố thông minh, chúng tôi cũng có thể thử nghiệm các giải pháp thông minh tại VSIP ở Việt Nam. Chẳng hạn, VSIP Bình Dương, một trong những khu công nghiệp mới nhất của chúng tôi, được thiết kế để tích hợp các công nghệ thông minh vào mọi hoạt động của khu công nghiệp, từ quản lý năng lượng, nước và chất thải đến quản lý giao thông và an ninh.

W-1HAI_4785.jpg
Ông Goh Keng Phang - Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, các công ty Singapore đã đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam và mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời cải thiện đời sống hàng ngày của người dân.

Một ví dụ điển hình là Tập đoàn SEA. Họ đã tạo ra nhiều việc làm cũng như mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng Việt Nam thông qua nền tảng thương mại điện tử Shopee đang hoạt động tại đây. Tôi vừa chứng kiến một Sáng kiến mới ra mắt của Shopee, nơi họ hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại Việt Nam để giúp họ tận dụng lợi thế công nghệ thương mại điện tử nhằm tiếp cận nhiều người tiêu dùng nhanh chóng hơn, dù là ở Việt Nam hay trên toàn cầu.

Đây không phải là tất cả ví dụ và cơ hội. Cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số rất nhiều.

- Năm 2015, khi SEA Group đầu tư vào Việt Nam và thành lập công ty FDI Shopee, chuyên về mua sắm trực tuyến, lúc đó người dân Việt Nam không có văn hoá, thói quen tiêu dùng số, ví điện tử và những app tài chính xa lạ. Nhưng giờ gen Z, gen @ ở Việt Nam và ngay cả tôi, gần như không tách rời mua sắm online. 

Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á e-Conomy 2022 của Google cho hay, tới năm 2025, khi kinh tế kỹ thuật số Việt Nam đạt 49 tỷ USD thì thương mại điện tử sẽ chiếm 32 tỷ USD. Tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử cho thấy nó đang là trụ cột kinh tế số ngành trọng điểm đóng góp cho nền kinh tế số của Việt Nam.

Với trải nghiệm ở thị trường Việt Nam gần một thập niên, SEA/Shopee đánh giá những dư địa của thương mại điện tử Việt Nam trong khía cạnh có thể đóng góp cho kinh tế số của Việt Nam như thế nào? 

Ông Jason Bay - Giám đốc Quốc gia (thị trường Việt Nam), Tập đoàn Sea Limited: Tôi nghĩ rằng chúng ta đang sống trong thời điểm cực kỳ thú vị. Khoảng 10 năm về trước, thương mại điện tử là một xu hướng bên lề và khi đó, chúng tôi bắt đầu đầu tư Shopee tại Việt Nam lúc thị trường còn rất nhỏ.

Tuy nhiên, nhờ cơ cấu dân số của Việt Nam, sự sôi động của nền kinh tế và con người nơi đây, tôi nghĩ tiềm năng rất rõ ràng. Đó là lý do chúng tôi chọn Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư đầu tiên. Đại sứ Phạm Quang Vinh đã nói rất đúng, đối với sự phát triển của nền kinh tế số, đại dịch Covid là một bước ngoặt lớn, cho thấy toàn bộ tiềm năng của thương mại điện tử.

Trong bối cảnh của năm 2020, điều cấp thiết là sử dụng công nghệ số như một công cụ để tăng cường khả năng chống chịu Covid, đảm bảo xã hội và nền kinh tế có thể tiếp tục hoạt động, và chúng ta không bị phân tán dẫn đến một tình huống tồi tệ hơn so với trước. Vì không có sự tương tác trực tiếp, chúng ta nhận thấy công nghệ số đã giúp cải thiện tình thế. 

Nhưng sau đại dịch, chúng ta đang thấy rằng thương mại điện tử và quá trình chuyển đổi số nói chung không chỉ đơn thuần về khả năng chống chịu. Nó còn là cải thiện đời sống cho mọi người, nâng cao năng suất kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi nhắc đến bối cảnh ASEAN, chúng ta đang nói về việc mở rộng thị trường và khả năng tiếp cận thị trường. 

W-1HAI_4853.jpg
Ông Jason Bay - Giám đốc Quốc gia (thị trường Việt Nam), Tập đoàn Sea Limited

Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu là đạt được 30% đóng góp vào GDP từ nền kinh tế số vào năm 2030. Đó là một mục tiêu rất tham vọng, nhưng tôi nghĩ rằng nó thể hiện tiềm năng to lớn mà chúng ta đều thấy ở ASEAN, đặc biệt là tại Việt Nam. Dựa trên những gì chúng ta có thể thấy, mục tiêu này là khả thi.

Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu này trong bối cảnh Việt Nam, và chắc chắn trong một bối cảnh rộng hơn là trong ASEAN.

Cửa ngõ kinh tế số khu vực

- Trong kết nối kinh tế truyền thống, ở khu vực ASEAN, Singapore luôn được xem như một “cửa ngõ” bởi thị trường có độ mở cao, là trung tâm hậu cần (logistic) của khu vực. Việt Nam coi Singapore là một thị trường xuất khẩu tiềm năng với nhiều các hiệp định hỗ trợ thúc đẩy kinh tế song phương. Vậy với kinh tế số, tôi hình dung Việt Nam có thể kết nối với Singapore như một “cửa ngõ” với khu vực cụ thể như thế nào? Đâu là những khía cạnh hai bên có thể chia sẻ trong hàm ý kết nối kinh tế số trong khuôn khổ ASEAN?

Ông Goh Keng Phang: Tôi nghĩ rằng không chỉ Singapore mà Việt Nam cũng là một điểm nhấn quan trọng về kỹ thuật số trong ASEAN. Việt Nam thực sự đang nhanh chóng trở nên nổi bật như một điểm nhấn kỹ thuật số trong khu vực. Tôi nghĩ bạn đã đề cập rằng kinh tế số Việt Nam đóng góp 12% vào GDP vào năm 2020 và con số này tăng lên 16,5% vào năm 2023, với tỷ lệ tăng trưởng 20% mỗi năm.

Đây là một sự tiến bộ to lớn và rất nhanh chóng mà chúng ta đang đề cập đến. Mặt khác, vai trò của Singapore là xây dựng một hệ sinh thái vững chắc để hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế số trong khu vực. Vì vậy, chúng tôi hoan nghênh các đối tác quan tâm đến việc cùng phát triển trong lĩnh vực này.

Một vài ví dụ về lĩnh vực tài chính: Hiện nay chúng tôi có khoảng 220 quỹ đầu tư mạo hiểm. Điều này rất quan trọng đối với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là các startup công nghệ sâu, vì họ cần nhiều thời gian và nguồn vốn hơn để phát triển công nghệ, tiến hành nghiên cứu và cuối cùng là thương mại hóa sản phẩm của mình.

Chúng tôi có một nguồn nhân lực đa dạng và chất lượng cao tại Singapore và hoan nghênh lao động tay nghề cao cũng như các doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả từ Việt Nam, đến đây để khai thác hệ sinh thái của chúng tôi.

Về cơ hội, Singapore tạo ra không gian và cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đổi mới và nhà đầu tư tương tác cùng nhau phát triển những ý tưởng mới. Chẳng hạn, chúng tôi tổ chức Tuần lễ Đổi mới Công nghệ Singapore hàng năm, quy tụ các doanh nhân và nhà đổi mới sáng tạo từ khắp nơi trên thế giới để cùng nhau tạo ra các giải pháp mới.

Tôi nghĩ rằng chúng ta có những điểm mạnh ở nhiều lĩnh vực khác nhau; Việt Nam và Singapore có nhiều sự cộng hưởng mà chúng ta có thể đạt được nếu kết nối hai điểm nhấn này trong ASEAN.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trên thực tế, chúng ta đã đề cập đến về khả năng kết nối, điều này rất quan trọng cho sự hội nhập khu vực. Trước đây, Singapore cũng là một động lực cho sự hội nhập kinh tế của ASEAN. Giờ đây, chúng ta chuyển sang quá trình chuyển đổi số, điều rất quan trọng, làm thế nào có thể kết nối 10 quốc gia ASEAN trong lĩnh vực số.

Singapore, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và một số quốc gia khác đang ở những giai đoạn phát triển khác nhau trong quá trình phát triển số.

Vì vậy, khả năng kết nối là một khía cạnh, nhưng khía cạnh khác là: Làm thế nào chúng ta có thể kết nối với nhau? Đầu tiên, điều này là rất quan trọng. Chúng ta phải chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Trước đây, chúng ta có một sáng kiến về hội nhập ASEAN, theo đó các quốc gia phát triển hơn sẽ hỗ trợ các quốc gia kém phát triển hơn để cùng nhau phát triển. Vì vậy, đây là thời điểm mà chúng ta cần làm những điều tương tự; những kinh nghiệm trong quá khứ rất quý giá.

Điểm thứ hai là chúng ta không chỉ kết nối với nhau trong khu vực, mà còn kết nối với thế giới. Vì vậy, Singapore đóng một vai trò rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng Singapore không chỉ kết nối Việt Nam mà còn kết nối tất cả chúng ta với thế giới. Chắc chắn rằng Việt Nam sẽ là một phần trong điều đó.

Ông Jason Bay: Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) đã tồn tại nhiều năm và điều này là vô cùng quan trọng. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong thời điểm hiện nay do tất cả thách thức địa chính trị, sự hình thành các khối thương mại khu vực tiềm năng, cũng như những căng thẳng đang tái cấu trúc một số liên minh và hiệp hội quyền lực lớn trong khu vực ngay bên cạnh chúng ta và cả trên toàn cầu.

Chúng ta có một khái niệm quen thuộc trong ASEAN: Vai trò trung tâm ASEAN. Nếu chúng ta muốn trở thành một khu vực với 700 triệu người và nền kinh tế hàng nghìn tỷ đô la, thì việc hội nhập với phần còn lại của thế giới sẽ tốt hơn nếu chúng ta thực hiện theo cách của chính mình.

Để làm được điều đó, trước tiên chúng ta phải kết nối với nhau, bởi nếu không, chúng ta sẽ ra thế giới với 10 nền kinh tế khác nhau và tiêu chuẩn rất khác biệt. Tôi phải thành thật, Singapore là một quốc gia nhỏ, Việt Nam lớn hơn rất nhiều. Đối với một quốc gia nhỏ như Singapore, sự liên quan đến phần còn lại của thế giới là gì? Do đó, vấn đề về sự đoàn kết ASEAN trở nên quan trọng. Nếu bạn không có sự đoàn kết đó, thì bạn sẽ không thể trở thành trung tâm trong tính toán của bất kỳ ai khác.

- Hiện nay, một chuyến bay từ Hà Nội đến Singapore dài khoảng 3,5 tiếng. Một container tàu chở hàng từ cảng Hải Phòng đi Singapore nhanh nhất 4 ngày đến nơi. Hành trình vật lý này về cơ bản không thay đổi nhưng kết nối kinh tế số có thể khiến hải trình vật lý bận rộn và trở nên thường lệ hơn.

Shopee là một nền tảng thương mại điện tử kết nối toàn thị trường Đông Nam Á. Tôi có thể hình dung một hành trình kết nối xuyên không gian giữa các thị trường từ Shopee như thế nào trên thực tế nếu coi Shopee là một cửa ngõ số? Việt Nam có thể gia tăng cơ hội về thương mại điện tử với khu vực ASEAN hay nói cách khác mở rộng các cơ hội kinh tế số kết nối với thị trường ASEAN thế nào?

Ông Jason Bay: Vâng, câu trả lời chắc chắn là có. Tôi vốn xuất thân được đào tạo là một kỹ sư điện, nên xét về chuyên môn, khoảng cách vật lý là quan trọng. Nhưng khi nghĩ đến máy tính và điện tử, khoảng cách logic cũng quan trọng không kém, nếu không muốn nói còn quan trọng hơn. Vậy khi chúng ta nói về khoảng cách logic trong thương mại điện tử, điều đó có nghĩa là gì?

Với thương mại điện tử, bạn không bị giới hạn. Và tôi nghĩ rằng Keng Phang đã nói rõ điều này: chúng ta không bị ràng buộc bởi địa lý. Nếu chúng ta có thể sử dụng công nghệ số để kết nối các khu vực khác nhau, điều này sẽ giúp đưa tất cả chúng ta lại với nhau, với quy mô đủ lớn và việc sử dụng ngày càng tinh vi các thuật toán AI để quản lý chuỗi sản xuất và cung ứng.

Tôi lo lắng ít hơn về khoảng cách vật lý. Vậy điều quan trọng là quản lý sự thu hẹp khoảng cách logic, và một số lý do tại sao khoảng cách này tồn tại có thể là rào cản pháp lý, rào cản ngôn ngữ và văn hóa, khó khăn trong việc tài trợ cho thương mại và các hình thức cấp phép, đúng không?

Trong vấn đề này, chúng ta cần các chính phủ dẫn dắt và thiết lập định hướng, nhưng với tư cách là một thành viên trong khu vực tư nhân, chúng tôi rất sẵn lòng đóng góp phần của mình ở đây. 

Vài năm trước, Shopee nhận ra rằng quy mô, tầm ảnh hưởng và kinh nghiệm khu vực của chúng tôi mang lại khả năng tạo điều kiện cho việc xuất khẩu và nhập khẩu kỹ thuật số nội khối ASEAN. Chúng tôi gọi khả năng này là Nền tảng Quốc tế Shopee (SIP), và nếu không có SIP, tôi nghĩ rằng một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) gặp phải là họ phải đối mặt với rất nhiều rào cản.

Họ có thể, ví dụ, nếu bạn là một doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam và đang muốn mở rộng tại Singapore hoặc có thể là Malaysia, bạn sẽ phải thiết lập một văn phòng đại diện trước tiên. Sau đó, bạn sẽ phải tuyển dụng nhân viên biết nói tiếng địa phương, sắp xếp tài chính thương mại và tín dụng, chi phí vận chuyển, mở tài khoản ngân hàng, chịu rủi ro tỷ giá, và tiến hành nghiên cứu thị trường để xem liệu sản phẩm của bạn có tiềm năng hay không.

Và sau đó, bạn cần sắp xếp thông quan hải quan, và tất cả những việc này trở nên hợp lý và dễ thực hiện hơn nếu bạn có quy mô nhất định. Nhưng nếu bạn là một doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chỉ có vài chục nhân viên, tôi nghĩ sẽ rất khó để cam kết nguồn lực như vậy và chịu đựng mức độ rủi ro đó. Vì vậy, điều mà Nền tảng Quốc tế Shopee có thể làm là cung cấp chatbot AI để hỗ trợ dịch vụ khách hàng và dịch thuật, giúp các người bán Việt Nam có thể giao tiếp với khách hàng nước ngoài.

Tiếp theo, các vấn đề về logistics thương mại, vận chuyển, thông quan và đổi tiền đều được Shopee xử lý. Nếu nhìn từ góc độ của người bán, họ thực chất đang gửi sản phẩm của mình đến một kho hàng ở Việt Nam. Còn ở phía người mua, họ nhận sản phẩm từ một kho hàng của Shopee ở Singapore hoặc Malaysia.

Như vậy, điều này loại bỏ nhiều khó khăn, cả về tài chính lẫn phi tài chính, liên quan đến những rào cản ngăn cản các công ty nhỏ thực hiện bước nhảy vọt để xuất khẩu ra khu vực. Nếu một công ty đủ lớn, tôi nghĩ họ có thể tự làm điều này, nhưng đối với các công ty nhỏ hơn, tôi thường giới thiệu SIP bằng cách hỏi: Tại sao chúng ta cần phải chi tiền để tiến hành nghiên cứu thị trường trước khi kiếm được một đồng nào, khi mà thông qua một nền tảng như thế này và một sản phẩm như vậy...

Bạn có thể nhận được doanh thu thực tế từ các thị trường xuất khẩu của mình, sau đó chúng ta có thể đánh giá thị trường nào có tiềm năng hơn. Nếu cần, bạn có thể mở văn phòng trực tiếp để mở rộng quy mô. Chúng tôi đã thấy tính năng này nhận được sự quan tâm rất lớn. Trong vài năm qua, hơn 350.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng 1.000 thương hiệu Việt Nam đã bắt đầu hành trình mở rộng và vươn cánh ra toàn khu vực ASEAN thông qua nền tảng Shopee International.

Điều khác mà chúng tôi đang thực hiện trong năm nay là phối hợp với Ngày ASEAN. Trên thực tế, đây là một sáng kiến rất tốt của Việt Nam vào năm 2020 trong thời kỳ đại dịch. Việt Nam đã thiết lập chiến dịch Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN, diễn ra vào tháng Tám, vì Ngày ASEAN là vào ngày 8/8. Chúng tôi khuyến khích các nhà bán hàng của mình cung cấp các chương trình giảm giá hấp dẫn trong ngày này, nhằm kích thích nhiều giao dịch thương mại hơn giữa các quốc gia ASEAN.

Thúc đẩy kinh tế số khu vực bằng thu hẹp khoảng cách vật lý

Ông Goh Keng Phang: Trước khi tôi đến Việt Nam đảm nhiệm vai trò Tham tán Kinh tế, tôi đã rất tích cực tham gia vào các ủy ban của Ủy ban Kinh tế (AEC) ASEAN. Tôi đã làm rất nhiều trên vấn đề kỹ thuật về thu hẹp khoảng cách, cả về vật lý lẫn kỹ thuật số, giữa 10 quốc gia ASEAN

Tôi nghĩ rằng một trong những điều chúng ta đã đề cập là Hiệp định Khung Kinh tế số (DEFA). Tuy nhiên, ngoài DEFA, ngay cả những lĩnh vực truyền thống của chúng ta, như thương mại hàng hóa, cũng rất quan trọng, bởi vì cuối cùng hàng hóa vẫn cần phải được vận chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Tôi nghĩ rằng trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, chúng tôi đang làm việc để tìm cách thông quan hàng hóa nhanh hơn, nhằm giúp hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh hơn và hỗ trợ doanh nghiệp. Cũng trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các công ty như SEA Group hoạt động xuyên biên giới đóng vai trò rất quan trọng mà chúng ta cần thảo luận, giúp họ mở rộng kinh doanh trên toàn khu vực.

W-1HAI_4644.jpg
Bàn tròn trực tuyến bàn về chủ đề: Việt Nam trước cơ hội hợp tác kinh tế số ASEAN. 

- Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, trong kết nối kinh tế truyền thống của khu vực, ASEAN có di sản của những FTA trong khu vực, các sáng kiến về hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng. Kinh tế số hiển nhiên phải đặt trên nền tảng kết nối, chuyển đổi số, với những nội hàm mới khác. Theo ông, ASEAN đang có những cơ hội nào xét về mặt chiến lược, thể chế và có thể kiến trúc một cuộc chơi khu vực ra sao khi trình độ phát triển cũng như năng lực chuyển đổi số giữa các quốc gia có thể không đồng nhất?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Thứ nhất là chúng ta đã có nền tảng để tiến xa hơn trong quá trình phát triển kinh tế số, nhờ những nỗ lực hội nhập kinh tế đã được thực hiện cho đến nay. Thứ hai là nền kinh tế của chúng ta đã được kết nối với nhau trong khu vực, điều này rất tốt cho chúng ta trong việc tiếp tục hợp tác.

Điểm tiếp đó là cách chúng ta kinh doanh trong không gian số, nhưng theo quan sát của tôi, chúng ta vẫn cần phải liên kết và kết nối giữa không gian số và không gian thực. Nếu chúng ta có không gian số được tạo điều kiện thuận lợi, thì không gian thực cũng cần phải diễn ra một cách suôn sẻ, vì vậy hai không gian này sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Nỗ lực của ASEAN trong hội nhập kinh tế truyền thống đã tạo ra nền tảng cho chúng ta tiếp tục phát triển kinh tế số.

Điểm thứ hai, chúng ta đã có tất cả các hiệp định thương mại tự do (FTAs), và chúng ta vừa nói về các hiệp định FTA khu vực trong ASEAN cũng như giữa ASEAN và các đối tác đối thoại như Ấn Độ, chẳng hạn. Một điểm tích cực là chúng ta cũng có các điều khoản để thúc đẩy phát triển kinh tế số, nhưng chúng ta cần nâng cấp những điều khoản này. Chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nếu muốn thúc đẩy nhanh chóng các nỗ lực phát triển kinh tế số trong nội bộ khối. Điều đó sẽ là nền tảng cho chúng ta tiến xa hơn.

Điểm thứ ba, chúng ta cũng có các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương có các điều khoản liên quan đến kinh tế số, như giữa Singapore với Australia, Singapore với Hoa Kỳ, hoặc một số nước khác đang hợp tác với Hoa Kỳ. Ví dụ, trong khuôn khổ APEC, Hiệp định Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng có khía cạnh số trong kinh tế và hợp tác.

Tôi nghĩ rằng tất cả những chuyên gia này có thể bổ sung cho nhau, nhưng trước tiên, khu vực cần dựa trên những nỗ lực và nền tảng mà chúng ta đã thiết lập cho đến nay để xây dựng một nền kinh tế số trong khu vực ASEAN. Vì vậy, khi nói về trung tâm ASEAN, chúng ta cần phải vững mạnh, phải là một tập thể mạnh mẽ trước khi có thể ra thế giới và mở rộng ra khu vực lớn hơn.

Chúng ta nói về các quốc gia ở Đông Nam Á hoặc trong ASEAN có mức độ phát triển khác nhau. Chắc chắn, đây là điều mà chúng ta đã gặp phải trong quá khứ khi cố gắng thực hiện hội nhập kinh tế trong khu vực. Vì vậy, bây giờ có hai loại sự khác biệt chính: một là mức độ phát triển kỹ thuật số hoặc công nghệ, và cái còn lại là sự khác biệt trong khuôn khổ pháp lý.

Chúng ta cần kết hợp những điều này: một là cách mà chúng ta đã làm trong quá khứ, và giờ đây nó có thể tiếp tục thực hiện trong hiện tại và tương lai. Điểm thứ nhất, chúng ta cần thiết lập một lộ trình để mọi người đều cảm thấy thoải mái với lộ trình đó và cùng nhau hợp tác. Thứ hai, chúng ta sẽ có cách tiếp cận từng bước để đạt được mục tiêu của mình. Cách tiếp cận từng bước có nghĩa là những ai có thể thực hiện nhanh thì sẽ làm nhanh, còn những ai cần thời gian hơn thì sẽ tiến hành chậm hơn.

Vào một thời điểm nào đó trong tương lai, chúng ta cần phải thống nhất với nhau về các mục tiêu của mình. Trong quá trình này, chúng ta cần hỗ trợ lẫn nhau. Đây là tinh thần cộng đồng của ASEAN. Tôi nghĩ rằng trong lĩnh vực kỹ thuật số, chúng ta cũng sẽ phải làm điều tương tự. Hơn nữa, Đông Nam Á đang ở giữa một khu vực phát triển năng động. Mọi người đều cần chúng ta. Mọi người đều đến đây, các quốc gia lớn và tập đoàn công nghệ lớn cũng đang đổ về đây.

Nếu chúng ta có thể hợp tác cùng nhau, chúng ta sẽ có nhiều sức mạnh và lợi thế để làm việc với họ. Tôi nghĩ rằng đó sẽ là cách chúng ta thực hiện, tận dụng lợi thế của mức độ phát triển kinh tế và phát triển kinh tế số ở mỗi quốc gia cũng như trong khu vực để cùng nhau tiến bước.

* Phần 2: Việt Nam trước cơ hội kết nối thị trường kinh tế số 2 nghìn tỷ đô la Mỹ