Sức hấp dẫn của ngành lương cao
Tại hội thảo “Hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Trịnh Khắc Huề, Tổng giám đốc Qorvo Việt Nam, chia sẻ rất cởi mởi về mức lương đang áp dụng tại doanh nghiệp mình.
Với sinh viên tốt nghiệp đại học mới ra trường, Qorvo sẵn sàng trả đến 320 triệu đồng/năm; tiến sĩ mới ra trường có thể nhận mức lương 360 triệu đồng/năm; kỹ sư cấp trung 900 triệu đồng/năm; kỹ sư cao cấp 1,5 tỷ đồng/năm; kỹ sư chuyên gia 1,9 tỷ đồng/năm; kỹ sư trưởng nhiều cấp lên đến 2,5 tỷ đồng/năm, thậm chí cao hơn vì cộng thêm cổ phiếu và các chính sách lương thưởng khác.
“Theo học ngành bán dẫn không phải trào lưu mà thực sự là một hướng nghề nghiệp rất giá trị nếu say mê và làm được. Hy vọng ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia lĩnh vực này”, ông Huề bày tỏ.
Tổng giám đốc Qorvo Việt Nam lưu ý 8 yêu cầu cơ bản mà kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn cần có: Nền tảng tốt về Toán học (hữu dụng khi thiết kế, phân tích mạch điện); thực sự hiểu nguyên lý mạch điện tương tự và mạch số; có kiến thức về vật lý, đặc biệt là vật lý về bán dẫn, trong đó, tập trung nhiều vào CMOS (một loại công nghệ dùng để chế tạo mạch tích hợp);
Ngoài ra, cần biết sử dụng công cụ/phần mềm thiết kế; có kỹ năng xử lý tín hiệu; kỹ năng mềm để đạt tốc độ và sự sáng tạo cao trong công việc; khả năng thuyết trình, kết nối với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng và kỹ năng quản lý dự án.
Ông Seo Choo Han, Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông Nam Á Tập đoàn Cadence, cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay của ngành bán dẫn là nhân lực. Ngành này đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với kỹ sư thiết kế vi mạch.
Xác định sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường là nền móng quan trọng cho sự thành công khi đào tạo kỹ sư bán dẫn, thời gian qua, Cadence đã hỗ trợ bản quyền phần mềm thiết kế cho hơn 30 trường đại học tại Việt Nam; tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyên sâu cho giảng viên, sinh viên.
Lãnh đạo Cadence tiết lộ, ngành công nghiệp bán dẫn đang rất cần nhân lực có khả năng thực hiện một số mảng, gồm: Cải thiện PPA (công suất, hiệu suất và diện tích) của con chip; công nghệ đóng gói tiên tiến; thiết kế các con chip 3D-IC...
“Sinh viên nếu tập trung học những nội dung này có thể trở thành kỹ sư hòa nhập nhanh chóng hơn với ngành công nghiệp bán dẫn thế giới. Tất nhiên, đây đều là những việc rất khó. Hy vọng các bạn trẻ không nhụt chí, mà sẽ thấy đây là cơ hội bởi thách thức càng cao thì tiền lương càng nhiều”, ông Seo Choo Han nói.
PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội, cung cấp thông tin đáng chú ý: Đại học Bách khoa Hà Nội đã hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp nước ngoài khi đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch chất lượng cao. Tiêu chí của trường là làm thế nào để sinh viên tốt nghiệp có thể vào làm tại doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện nay, trên 50% sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ra trường đã làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Còn nhiều điểm yếu trong đào tạo
Tuy nhiên, PGS.TS. Ngạc An Bang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội - thẳng thắn nhìn nhận, các trường đại học, kể cả những trường top đầu, cũng chỉ mới đáp ứng được một phần yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như nhân lực bán dẫn.
"Hợp tác quốc tế là yêu cầu bắt buộc, không thể không làm. Chỉ hợp tác quốc tế mới có thể đem lại chất lượng nhân lực cần thiết, tiệm cận trình độ quốc tế và bảo đảm sự phát triển của nền công nghiệp bán dẫn Việt Nam”, ông nhấn mạnh.
PGS.TS. Ngạc An Bang chỉ rõ một số điểm yếu chung của các cơ sở đào tạo đại học tại Việt Nam liên quan đến công nghệ bán dẫn.
Việc thiếu giảng viên chất lượng cao vẫn đang là một trong những bài toán khó. Điều kiện phòng thí nghiệm của các trường đại học khác nhau, nhưng về cơ bản, so sánh với chuẩn quốc tế thì vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Các phòng thí nghiệm chuyên sâu về bán dẫn lại càng chưa thể đáp ứng.
“Cán bộ, giảng viên, sinh viên mong có thời gian thực tập thực tế, trải nghiệm ở các doanh nghiệp về công nghiệp bán dẫn. Nhưng điều đó rất khó. Thông thường chỉ là những chuyến tham quan. Một trong những lý do là vấn đề bảo mật”, vị Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên phản ánh.
Do đó, hợp tác quốc tế chính là giải pháp mà Trường Đại học Khoa học tự nhiên đã triển khai thời gian qua.
“Với sự hỗ trợ của các đối tác quan trọng như Trường Đại học quốc lập Giao thông Đài Loan - Trung Quốc (một trong những trường đại học hàng đầu thế giới liên quan đến công nghệ bán dẫn), chúng tôi đã xây dựng chương trình đào tạo liên kết về thạc sĩ công nghệ bán dẫn.
Phía đối tác đã hỗ trợ từ khâu thiết kế chương trình đến cử chuyên gia giảng dạy, cung cấp phòng thí nghiệm và các đợt thực tập thực tế tại các 'ông lớn' như TSMC, Micron... ”, PGS.TS. Ngạc An Bang chia sẻ.
Sau 5 năm hợp tác đào tạo, khoảng 40 học viên đã tốt nghiệp; trong đó, gần 30 người học tiếp bậc tiến sĩ ở Đại học quốc lập Giao thông Đài Loan và Đại học Thanh Hoa (nằm ở khu công nghệ được xem như Thung lũng Silicon của Đài Loan - Trung Quốc); 5 người chuyển sang làm tiến sĩ ở trường đại học của Úc, 2 người học tiếp tiến sĩ ở Singapore... Có 8 học viên đang làm việc cho tập đoàn Micron.
Để tăng cường đội ngũ giảng viên, góp phần phát triển công nghiệp bán dẫn trong nước, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã tích cực hợp tác, tham gia các chương trình, dự án hợp tác quốc tế.
Mới đây, 7 giảng viên tiến sĩ đã được cử tham gia chương trình đào tạo giảng viên cho chương trình công nghệ bán dẫn của Đại học Bang Arizona (ASU), nằm trong chương trình Quỹ ITSI (thành lập theo Đạo luật CHIPS) do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ. Mặt khác, trường đã xây dựng và nộp hồ sơ xin tài trợ từ một số tổ chức quốc tế để tăng nguồn lực nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên.
Mong có nhiều “kỳ lân” trong ngành vi mạch
Ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển của lĩnh vực công nghệ cao.
Việt Nam, với vị thế là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đang đặt mục tiêu trở thành một hub nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, để trở thành trung tâm bán dẫn của thế giới, nguồn nhân lực là vấn đề then chốt.
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Đề án xác định nguồn nhân lực bán dẫn là “đột phá của đột phá”, đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư bán dẫn, trong đó 15.000 kỹ sư thiết kế, và 35.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử...
“Muốn sớm hiện thực hóa mục tiêu cấp thiết này, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực bán dẫn. Chúng tôi đã làm việc với các tổ chức, tập đoàn công nghệ hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới để tìm kiếm nguồn lực và cơ hội hợp tác tiềm năng cho việc thúc đẩy ngành bán dẫn Việt Nam”, TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Thời gian qua, NIC đã ký kết Biên bản ghi nhớ với khá nhiều doanh nghiệp, tập đoàn bán dẫn trong nước và quốc tế như: Intel, Synopsys, Cadence, VinaCapital, Southeast Asia Impact Alliance, FPT, TreSemi,... để triển khai Trung tâm đào tạo thiết kế chip bán dẫn tại NIC Hà Nội, NIC Hòa Lạc, tạo cơ hội cho kỹ sư, giảng viên Việt Nam tiếp cận và gia nhập ngành bán dẫn toàn cầu một cách nhanh chóng.
“Tiềm năng của người Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế vi mạch rất lớn. Tôi mong rằng qua các chương trình hợp tác quốc tế đào tạo, sẽ có nhiều nhà khởi nghiệp thành công trong tương lai, để Việt Nam có nhiều startup kỳ lân trong ngành vi mạch”, TS. Võ Xuân Hoài nhấn mạnh.