Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng, có chung đường biên giới cả trên bộ, trên biển. Hai nước cùng trong giai đoạn phát triển giống nhau và có tập quán tiêu dùng tương đồng. Chính vì vậy, còn rất nhiều tiềm năng cho thương mại song phương phát triển. Trong suốt thời gian qua, thị trường Trung Quốc và Việt Nam luôn có sự gắn kết chặt chẽ.

thuong mai.jpg
Hội chợ thương mại biên giới Việt - Trung được duy trì thường niên từ năm 2001 đến nay. Ảnh: laocai.gov.vn

Bất chấp bước tiến chậm chạp của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn duy trì đà phát triển tốt. Trung Quốc nhiều năm qua là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Trong quan hệ thương mại, Việt Nam chủ yếu đóng vai trò cung cấp nguyên liệu và nông sản thô cho Trung Quốc, trong đó nhóm hàng trung gian (chiếm 51,5%, bao gồm khoáng sản, cao su, xơ sợi…), hàng tiêu dùng (chiếm 22,4%, bao gồm rau quả, thủy sản, gạo, sắn…). Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc chiếm bình quân 28,16% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam...

Trong khi đó, sản phẩm công nghiệp (lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; tiếp đến là điện thoại các loại và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; sắt thép; xăng dầu) chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch nhập khẩu. Liên tục trong những năm qua, Trung Quốc luôn ở vị trí dẫn đầu về cung cấp máy móc, thiết bị cho Việt Nam.

Như vậy, trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, sản phẩm công nghiệp, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới…

Ngoài ra, có nhiều yếu tố khiến cho mối quan hệ kinh tế hai nước ngày càng phát triển, bởi không chỉ là láng giềng, mà quan trọng là môi trường đầu tư tại 2 nước đang có nhiều thuận lợi.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt hơn 2,5 tỷ USD với 555 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 4 tại Việt Nam. Lũy kế đến ngày 20/10/2023, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 4.105 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 26,5 tỷ USD.

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Điều này cho thấy, Việt Nam đang là một trong địa điểm thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư Trung Quốc bởi vị trí địa lý thuận lợi, chi phí nhân công, logistics hợp lý cùng sự ổn định chính trị xã hội và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, điều này làm cho ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến đầu tư kinh doanh, nhất là những năm gần đây.

Hiện nay, hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam trong các lĩnh vực như phát triển xanh, kinh tế số không ngừng phát triển và trở thành điểm tăng trưởng mới cho hợp tác đầu tư giữa hai nước. Hai bên cũng đang tích cực triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và thúc đẩy xây dựng Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc phiên bản 3.0.

Triển vọng phát triển

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Trung Quốc với quy mô dân số lớn nhất thế giới và hiện có trên 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu nên nhu cầu tiêu dùng rất lớn và là thị trường xuất khẩu hấp dẫn với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

thuong mai 1.jpg
Mặt hàng sầu riêng là loại quả thứ 10 được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. 

Còn Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, tham gia ký kết nhiều FTA quan trọng, tạo sức hút thúc đẩy thương mại phát triển. Không chỉ là bạn hàng lớn nhất, dễ tính nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN, Việt Nam trở thành thị trường bên ngoài hoàn hảo cho hàng hóa Trung Quốc vì điều kiện kinh tế tương đồng, văn hóa tiêu dùng và chi phí vận chuyển thấp.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: “Nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc ổn định với hiệu suất thông quan cao. Trong khi đó, đối với Việt Nam, quan hệ chính trị, ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc đang tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp, tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương của hai nước”.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết: Năm 2023 đánh dấu tròn 15 năm xác lập khuôn khổ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn và mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư song phương; tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược và mới nổi như kết nối, kinh tế số, phát triển xanh, điện tử xuyên biên giới; tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam; thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển chất lượng cao.

Hai nước có tiềm năng phát triển kinh tế lớn, cùng hướng tới tăng trưởng bền vững và ổn định, chính sách ngày càng hoàn thiện. Việc tăng cường hoạt động thương mại đều cơ bản là chủ trương lớn của lãnh đạo hai nước trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế, ngoại giao, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai bên.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, hai bên sẽ tiếp tục phát huy ưu thế gần gũi về địa lý và bổ sung lẫn nhau về ngành nghề, tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực, như Tuyên bố chung về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đạt được giữa lãnh đạo hai nước trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối tháng 10/2022.