Anh Nguyễn Ngọc Em, sinh năm 1976, quê ở Đồng Tháp, từng là một kỹ sư xây dựng. Tai nạn lao động khiến anh bị đứt 2 gân đầu gối, cuộc sống và những dự định trong phút chốc chỉ toàn bế tắc. Căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối tiếp tục đẩy anh vào bệnh viện cấp cứu, tưởng như đã mất mạng. Từ đó đến nay, 17 năm, anh gắn liền với máy chạy thận.
Anh Nguyễn Ngọc Em, sống hơn 10 năm tại Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Anh từng có vợ, có gia đình, nhưng sau thời gian ngắn, chỉ còn một mình với bệnh tật. Bốn năm nay, hết chấn thương cột sống lại gãy xương đùi, hai chân anh yếu liệt. Xe lăn trở thành đôi chân.
Anh Ngọc Em sống ở Bệnh viện Chợ Rẫy theo đúng nghĩa đen. Lấy hàng lang là nhà, băng ca là giường, bác sĩ là người thân. Trên chiếc xe lăn mới được "lên đời" (nhờ bạn bè mua tặng), anh bán vé số ban ngày, còn tối về lại co ro góc hành lang.
Cuộc sống như thế đã hơn 10 năm, trôi qua một cách lặng lẽ. Bệnh viện trở thành một phần cuộc đời của anh.
“Cùng tuổi Thìn, bạn tôi nhiều người khá lắm, số tôi không được may mắn. Ban đầu tôi chạy thận ở Bệnh viện Đức Khang. Bác sĩ Tuấn thấy tội quá mới bảo: Thôi, mày yếu rồi về Bệnh viện Chợ Rẫy đi! Về đây, tôi được giảm viện phí, có khi bác Tuấn còn cho thêm. Bác giúp rất nhiều, tôi biết ơn lắm”, anh Ngọc Em chậm rãi chia sẻ.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn và bệnh nhân đặc biệt của mình. |
Bác sĩ Tuấn chính là Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy. Số phận hẩm hiu của Ngọc Em khiến người bác sĩ tìm mọi cách giúp anh được ở lại viện.
Ở Khoa Thận Nhân tạo, những phận người vất vả rất nhiều. Bác sĩ Tuấn và đồng nghiệp không ít lần quyên góp giúp đỡ nhưng không xuể. Sau này, khi Phòng công tác xã hội được thành lập, các bệnh nhân được hỗ trợ nhiều hơn và có thêm động lực điều trị.
Theo bác sĩ Tuấn, có khoảng 300 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận định kỳ tại đây. Vì là “người nhà”, nên nếu quá tải, anh Ngọc Em phải chuyển sang ca khác, nhường máy cho người ở xa.
Anh luôn sẵn lòng vì thấu hiểu được sự cực nhọc, mệt mỏi. Trên tay anh, nơi cắm kim để lọc máu, gồ lên từng cục - đặc trưng của người chạy thận lâu năm. Đến nay, anh phải phẫu thuật đặt catheter ở ngực. Bàn tay cũng đã phải tháo khớp do biến chứng bệnh thận.
Thế nhưng, anh không hề mặc cảm. Dù được bệnh viện cưu mang, anh vẫn lao động bằng nghề bán vé số, kiếm tiền bằng sức lực của mình. Mỗi ngày, anh bán được 100-200 tờ vé số, cũng đủ để trang trải tiền chạy thận. Công việc chỉ đứt đoạn trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Hai người bạn lâu năm đi dạo đường hoa bệnh viện. |
“Số tôi không được may mắn”, anh nói ngắn gọn. Không than trách, không đổ lỗi và cũng không muốn là gánh nặng cho gia đình. Anh chỉ vào chiếc xe lăn điện hiện đại, tự hào chia sẻ, “Cái xe lăn này nhóm bạn bè tôi tặng đó, đi lại dễ hơn nhiều”. Ở một khía cạnh nào đó, vì đang mang số phận kém may, nên đổi lại, anh Ngọc Em có được những tình cảm đáng giá trong cuộc sống này.
Một buổi sáng cuối năm, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn cùng anh Ngọc Em dành chút thời gian thư thả và trò chuyện về thời gian đã qua. Nhìn họ, như những người bạn, người thân hơn là bác sĩ và người bệnh. Năm nào, bác sĩ Tuấn cũng vào cùng bệnh nhân và nhân viên Khoa Thận Nhân tạo đêm giao thừa. Anh Ngọc Em cũng đã quen với những ngày Tết vắng gia đình...
“Bốn năm qua tôi chưa đón Tết ở quê. Mấy lần về nhà nhưng mệt quá vì bệnh nặng, đường xa. Năm nay, mùng 3 Tết chạy thận xong là tôi sẽ về, bố mẹ yếu lắm rồi.
Mẹ tôi năm nay 70 tuổi, vừa rồi mới bị suy thận mạn giai đoạn cuối, cũng khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Qua tết, mẹ lên đây chạy thận tiếp”.
Một cuộc đoàn tụ theo cách không ai ngờ đến, nhưng anh chỉ cười hiền lành. Dù sao, anh cũng có kinh nghiệm chạy thận hơn mẹ rất nhiều.
Số phận hẩm hiu, nhưng anh luôn tin mình được gặp nhiều người tốt trong đời. |
Dù cơ thể ngày càng co rút, nặng vỏn vẹn 35kg nhưng người đàn ông 46 tuổi này vẫn không một lời tiêu cực, than phiền. Theo Tiến sĩ Tuấn, những mảnh đời như anh Ngọc Em vẫn còn không ít.
"Ngọc Em năm nay vẫn khỏe, còn chạy thận được là yên tâm rồi. Người bệnh lâu năm nhất của Khoa Thận Nhân tạo cũng được 28 năm đó”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Còn với anh Ngọc Em, vẫn sống mỗi ngày, vượt qua bình an sau đại dịch, đó là điều may mắn trong năm mới. “Covid-19 vừa rồi tôi sợ lắm. Mấy tháng trời tôi trốn trong góc, không gặp ai cả. Nhiều người chạy thận như tôi mắc Covid-19 và chết. Giờ này, tôi vẫn còn sống là có trời phật độ, may mắn lắm”, anh xúc động.
Theo kinh nghiệm của bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, đêm giao thừa là thời điểm bệnh nhân chạy thận định kỳ tới đông nhất. Người bệnh muốn Mùng 1 được đi thăm gia đình họ hàng, về quê được thuận lợi. Hơn thế, nhiều người cũng kiêng kị, không muốn vào bệnh viện trong ngày đầu năm. “Ai cũng mong năm mới được hanh thông, khỏe mạnh”, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn cho hay.
Bệnh nhân Ngọc Em cho biết, năm nay anh sẽ thuê xe cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy về thăm nhà. Đã 4 năm anh không biết đến cảm giác đón tết cùng gia đình, cha mẹ cũng đã già yếu.
Linh Giao
Đường hoa xuân ấm lòng bệnh nhân ngày giáp Tết
Ngày 26/1, đường hoa xuân Bệnh viện Chợ Rẫy mở cửa đón những khách tham quan đặc biệt. Đó là những người đến khám, điều trị và lưu trú tại bệnh viện khi năm mới đã cận kề.