Ốc gác bếp là món ăn độc đáo ở miền Tây Nam Bộ, với cách chế biến và bảo quản khác biệt.
Thay vì sơ chế bằng cách ngâm nước vo gạo hoặc ngâm với ớt, người dân địa phương lại treo ốc lên giàn bếp, cho chúng ngửi mùi khói và hong khô suốt vài tháng trời rồi mới chế biến thành các món tùy thích.
Cách làm này không chỉ tạo nên món ăn mới mẻ có hương vị lạ miệng mà còn giúp bà con vùng sông nước miền Tây tích trữ, bảo quản ốc được lâu hơn, có thể sử dụng quanh năm.
Anh Lê Lâm - chủ một cơ sở chuyên phục vụ ốc gác bếp ở Cao Lãnh, Đồng Tháp cho biết, khoảng 6 - 7 năm trở lại đây, món ăn này bỗng trở nên nổi tiếng, được nhiều du khách biết đến vì cách sơ chế lạ lẫm.
Theo anh Lâm, loại ốc được chọn để gác bếp chủ yếu là ốc lác hoặc ốc bươu. Tuy nhiên, ốc lác được ưa chuộng và phổ biến hơn vì thịt sạch, dai giòn, vẫn đảm bảo độ tươi ngon dù được hong khô tới vài tháng.
Để làm ốc gác bếp ngon, người miền Tây thường chọn những con ốc to, sống khỏe và vỏ không bị sứt mẻ rồi đem rửa sạch, để ráo nước, sau đó xếp vào giỏ treo trên giàn bếp.
Ốc phải được để ở nơi khô thoáng, tránh nắng và ẩm ướt. Bởi ốc theo bản năng nếu gặp chỗ ẩm ướt sẽ bò đi.
“Thường chỉ những gia đình còn dùng bếp củi mới làm được món ốc gác bếp này vì cần khói và hơi nóng để hong khô chúng, vừa giữ cho ốc được tươi ngon, vừa tránh ruồi nhặng bâu vào”, anh Lâm cho hay.
Theo người đàn ông này, món ốc gác bếp thoạt nghe khá đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Ốc bắt về phải lựa thật kỹ, không được để lẫn ốc chết, tránh làm chết lây những con còn lại.
Bên cạnh đó, khi treo ốc không nên treo quá gần hoặc quá xa giàn bếp. Người ta phải căn khoảng cách vừa đủ để khói bếp tỏa vào giỏ treo, đảm bảo ốc được hong khô, ngửi khói hàng ngày.
Anh Lâm tiết lộ, ốc khi treo lên giàn bếp sẽ chuyển sang trạng thái “ngủ” chứ không bị chết đói hay chết khô như mọi người thường nghĩ.
Trong giai đoạn này, các chất dinh dưỡng từ đuôi ốc chuyển thành năng lượng để nuôi chúng sống được trong thời gian dài, không cần thức ăn.
Thông thường, ốc treo gác bếp khoảng 2 tuần là đạt yêu cầu và có thể dùng làm nguyên liệu chế biến món ăn.
Tuy nhiên, người miền Tây thường để lâu hơn, có khi tới 3-4 tháng, dành khi gia đình có việc hoặc cỗ bàn mới đem ra đãi con cháu lâu ngày xa nhà hay khách quý ghé thăm.
“Lâu thì vài tháng mà gấp thì 1-2 tuần cũng ăn được rồi. Nhưng ốc gác bếp phải để đủ ngày thì thịt mới thơm, giòn ngon”, anh Lâm nói thêm.
Khi ốc gác bếp đủ ngày đủ tháng, người ta hạ giàn rồi “vỗ béo” chúng bằng cách ngâm trong sữa tươi và trứng gà. Ốc nhịn đói, nhịn khát lâu ngày nên khi thấy nước sẽ “cựa cựa” miệng, uống no hỗn hợp trên.
Đợi ốc “tẩm bổ” khoảng 25-30 phút thì đem vớt ra, rửa sạch lại với nước là có thể chế biến.
Ở một số nơi, tùy khẩu vị và sở thích mà bà con địa phương còn thay thế hỗn hợp trứng và sữa tươi bằng nước cốt dừa hoặc bia,… từ đó tạo thành nhiều món ngon có mùi vị riêng.
Ốc gác bếp có thể chế biến thành một số món ăn. Trong đó, ốc hấp sả chấm cơm mẻ và ốc nướng tiêu là hai món được người dân miền Tây ưa chuộng nhất.
Với món hấp, cần lưu ý lật ngửa miệng ốc lên để phần nước mà ốc đã uống no sẽ ngấm đều vào thịt, giúp dậy hương vị và mùi thơm.
“Ốc treo giàn bếp lâu ngày sẽ nhả sạch nhớt và bùn đất. Vì vậy, khi ngâm hỗn hợp trứng gà và sữa tươi, chúng mập mạp, thịt thơm ngon hơn, giảm hẳn vị tanh. Thịt ốc khi lể ra sẽ thấy trắng phau, mọng nước”, anh Lâm nói.
Vài năm trở lại đây, ốc gác bếp ngày càng được thực khách biết đến nhiều hơn, không chỉ vận chuyển trong nước mà còn được “xuất ngoại” sang một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc,…