Những năm qua, bằng sự nỗ lực vươn lên của chính hộ gia đình và sự tiếp sức kịp thời từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lai Châu, hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có thêm đòn bẩy tạo ra sinh kế bền vững, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, từ đầu năm 2022 đến nay, có hơn 5 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn này. Nhờ đó, nhiều hộ vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Trước đây, gia đình ông Lý Anh Dũng (Phong Thổ) chỉ trông chờ vào việc làm nương, chăn nuôi nhỏ lẻ tiềm ẩn rủi ro bệnh dịch... cảnh nghèo đeo bám nhiều năm. Năm 2020, ông được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi qua Hội Nông dân địa phương với khoản vay 40 triệu đồng. Từ số vốn nhỏ, ông mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng chuồng trại nuôi bò sinh sản. Đến nay, số lượng đàn bò nhà ông đã tăng lên, sau khi có sản phẩm bò giống bán, ông trả được hết số nợ, mở rộng chuồng trại và đời sống khấm khá hơn.
Ông Dũng khẳng định: "Nhờ nguồn vốn vay với lãi suất thấp, gia đình tôi an tâm làm ăn, mở rộng, xây dựng chuồng trại kiên cố để tăng sản lượng đàn bò. Nguồn vốn chính sách là “điểm tựa” cho những hộ khó khăn về vốn như tôi vươn lên thoát nghèo và làm giàu".
Chiều 7/7, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Sáu tháng đầu năm 2022, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp đã tiếp tục thực hiện tốt việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; thực hiện tốt Nghị quyết của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp. Phân bổ kịp thời nguồn vốn các chương trình tín dụng đảm bảo đúng quy định, việc cho vay đảm bảo đến đúng đối tượng được thụ hưởng và phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Tính đến 30/6/2022, tổng dư nợ đạt 2.922.478 triệu đồng; tăng 380.615 triệu đồng so với đầu năm, đạt 66,6% kế hoạch tăng trưởng, đạt 93,9% kế hoạch năm. Tổng số nợ xấu 3.846 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,13%/tổng dư nợ.
Đã có 4.182 lượt hộ nghèo, 1.128 lượt hộ cận nghèo; 178 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 1.082 lượt hộ vay sản xuất kinh doanh và thương nhân tại vùng khó khăn; cho vay xây dựng 2.852 công trình nước sạch và 2.831 công trình vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ cho 118 hộ vay vốn chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP…
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu đang thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi, gồm: cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, xuất khẩu lao động, cho hộ nghèo vay xây dựng nhà ở…
Tại cuộc họp, ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp hoàn thành công tác xây dựng kế hoạch tín dụng năm 2023. Nâng cao hơn nữa chất lượng các phiên giao dịch tại Điểm giao dịch xã. Tổ chức tốt công tác giao ban định kỳ theo quy định đối với Hội, đoàn thể các cấp. Thực hiện tốt công tác kế toán và quản lý tài chính, an toàn kho quỹ. Phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, tổng hợp các đối tượng vay vốn; kịp thời rà soát, báo cáo xử lý nợ rủi ro theo quy định...
Trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp chính quyền, đoàn thể để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, đúng người có nhu cầu vay, đồng thời người vay sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Để tạo điều kiện cho các đối tượng “cần vốn làm ăn” tiệm cận với các nguồn vốn chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lai Châu đã tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác qua các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... Từ đó, kịp thời giải ngân vốn vay giúp các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách đầu tư sản xuất.
Mặt khác, người vay cũng đã thực hiện tốt việc trả nợ, trả lãi, thực hành tiết kiệm, giúp cho ngân hàng bảo toàn được nguồn vốn cho vay, chất lượng tín dụng duy trì ổn định.
Tổng dư nợ đã ủy thác qua các tổ chức Hội đến 30/6/2022 là 2.912.610 triệu đồng, chiếm 99,66%/ tổng dư nợ.
Sáu tháng cuối năm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ: Thực hiện tốt Nghị quyết của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp đã đề ra. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình cho vay phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 khi có hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Phấn đấu hoàn thành trên 90% kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ được giao; duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,13% trên tổng dư nợ, tỷ lệ thu nợ đến hạn trên 90%; tỷ lệ thu lãi đạt 100% trở lên, tỷ lệ giao dịch xã bình quân đạt 98% trở lên…
Việc triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách là một trong những giải pháp góp phần ngăn chặn và hạn chế người dân tiếp cận vay tín dụng đen, đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại địa phương.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lai Châu sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi rộng rãi trong nhân dân để nắm chính sách và tham gia thụ hưởng chính sách khi có nhu cầu; phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương rà soát, khảo sát nắm bắt nhu cầu.
Ngoài ra, ngân hàng sẽ xây dựng kế hoạch cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.
Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh tiếp tục triển khai tốt hơn hoạt động giao dịch tuyến xã; nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội và chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn.
Tăng cường quan tâm đến các xã, phường chưa có nhiều người dân tiếp cận tín dụng chính sách. Đồng thời, tăng cường quản lý nguồn vốn đã cho vay; kiểm tra, giám sát để tránh trục lợi chính sách; đảm bảo thu hồi nợ đến hạn, duy trì và nâng cao chất lượng tín dụng.
Quỳnh Nga