Biến khó khăn thành thế mạnh
Lai Châu là tỉnh miền núi phía Tây Bắc Tổ quốc được chia tách, thành lập từ ngày 1/1/2004 theo Nghị quyết số 22/2003/NQ-QH11 của Quốc hội.
Lai Châu cũng là tỉnh khó khăn nhất, quy mô kinh tế nhỏ bé, phần lớn là tự cấp, tự túc, sản xuất hàng hóa nhỏ, phân tán, thu ngân sách quá nhỏ. Với diện tích lưu vực lớn, lượng mưa hằng năm cao. mạng lưới sông, suối khá dầy, độ dốc lớn, Lai Châu có tiềm năng để phát triển thủy điện.
Việc chinh phục những dòng sông, suối để xây dựng thủy điện vừa và nhỏ đã giúp Lai Châu biến các khó khăn thành thế mạnh trong quá trình xây dựng và phát triển.
Mặc dù nhiều khó khăn như địa hình dốc, phân cắt phức tạp, đất đai rộng nhưng thiếu đất sản xuất, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm… song cả hệ thống chính trị từ các cấp chính quyền đến người dân đều nỗ lực để đưa tỉnh ngày càng khởi sắc. Các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội được phát triển ổn định và bền vững, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.
Tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần đầu tư làm thủy điện. Đặc biệt, tỉnh tập trung, hỗ trợ các nhà đầu tư làm tốt công tác di dân tái định cư để đồng bào tới nơi ở mới có đời sống tốt hơn nơi cũ.
Có thể thấy, những năm qua các công trình thủy điện đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của Lai Châu.
Ngoài mục tiêu phát điện, các nhà máy thủy điện còn có nhiệm vụ cắt và chống lũ cho hạ du trong mùa mưa bão, đồng thời cung cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh trong mùa khô. Những công trình thủy điện lớn của tỉnh Lai Châu đều là công trình trọng điểm quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, năm 2021 địa bàn tỉnh có 137 dự án thủy điện được đưa vào quy hoạch, tổng công suất 3.980,8 MW, điện lượng trung bình là 15 tỷ kWh mỗi năm.
Hiện có gần 100 dự án thủy điện được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất 3.472 MW, điện lượng trung bình năm là 13,3 tỷ kWh. Trong đó có 21 dự án hoàn thành và phát điện kinh doanh với tổng công suất lắp máy đạt 2.272 MW, điện lượng trung bình 9 tỷ kWh mỗi năm. Các dự án còn lại đang trong quá trình đầu tư, xây dựng.
Thủy điện là tiềm năng lớn của Lai Châu, xây dựng và phát triển các công trình thủy điện là bước đi đúng đắn và hiệu quả của tỉnh trên chặng đường xây dựng một Lai Châu mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị.
Để thủy điện tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, sinh thái và đời sống mọi mặt của người dân, cùng với việc tăng cường quản lý, giám sát, các cơ quan chuyên môn tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng để đẩy nhanh tiến độ hạ tầng truyền tải điện.
Việc chú trọng phát triển thủy điện sẽ mở ra hàng loạt cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Tăng nguồn thu, gia tăng nguồn lực hấp dẫn các nhà đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, cơ hội phát triển nghề mới trong tương lai…
Lợi ích thiết thực nhất, dễ nhận thấy nhất là sự cải thiện về đời sống vật chất cho người lao động thông qua công tác di dân, tái định cư gắn với quy hoạch phát triển vùng cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh như dự án Thủy điện Lai Châu.
Hiệu quả tích cực từ xây dựng thủy điện
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu thông tin, các dự án thủy điện được đầu tư và đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
Ngoài ra, thủy điện còn tạo tiềm năng phát triển thủy sản lòng hồ, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo việc làm và thu nhập ổn định, đồng hành cùng địa phương trong xóa đói giảm nghèo. Hoạt động của các thủy điện còn góp phần giảm lũ cho vùng hạ lưu trong mùa mưa và điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô.
Thực tế cho thấy, các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả đầu tư, tuyến năng lượng sử dụng hầm dẫn nước, nhà máy nhỏ đập thấp không gây nhiều tác động xấu tới môi trường cũng như ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân.
Tính bình quân từ năm 2017 - 2019, các thủy điện đóng góp cho ngân sách địa phương hơn 1,4 nghìn tỷ đồng. Phí chi trả dịch vụ môi trường rừng do các đơn vị thủy điện trả được chi đủ, đúng đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức giữ rừng cho bà con.
Nhiều hộ trong xã dùng nguồn kinh phí trên để trồng rừng sản xuất. Toàn xã có gần 200 ha rừng trồng, chủ yếu là những cây có hiệu quả kinh tế: cao su, dổi, lát và quế.
Trước đây, xã Bum Nưa và Pa Vệ Sử là hai địa phương nghèo của huyện Mường Tè. Cuộc sống người dân khó khăn, không có điện, cơ sở hạ tầng kém, giao thông đi lại vất vả.
Thời điểm này điện lưới quốc gia chưa đến được với địa phương. Tuy nhiên, từ công trình Thủy điện Nậm Sì Lường được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động, người dân trên địa bàn các xã này đã được hưởng ánh sáng từ điện, diện mạo khu vực thay đổi ngày một khang trang, văn minh và hiện đại hơn. Đời sống của bà con cũng nhờ đó mà cải thiện.
Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển công nghiệp thủy điện còn là cơ hội để phát triển du lịch, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho người dân thông qua phát triển du lịch, nuôi cá lồng bè... góp phần ổn định đời sống vùng tái định cư.
Điển hình như khu vực xã Mường Mô (Nậm Nhùn) nằm cách trung tâm huyện hơn 20 km, với 10 bản, hơn 680 hộ, gần 3.000 nhân khẩu (7 dân tộc anh em cùng sinh sống). Sau khi mặt hồ Thủy điện Lai Châu được triển khai, người dân quanh khu vực thực hiện tái định cư về nơi ở mới từ giữa năm 2014.
Từ đây, xã có nhiều điều kiện, tiềm năng phát triển du lịch. Du khách tìm đến đây để ngắm nét đẹp của lòng hồ ngày một đông. Cảnh tượng lạ mắt của những ốc đảo được bao quanh bởi dòng nước xanh ngắt mênh mông trên hồ thủy điện.
Những ốc đảo này được hình thành sau khi Thủy điện Lai Châu bắt đầu tích nước đã tạo nên khung cảnh đẹp đến nao lòng. Với thảm thực vật phần lớn là thảm cỏ, những ốc đảo này như một thảo nguyên xanh, rất thích hợp cho cắm trại nghỉ ngơi, ăn uống, thư giãn.
Cùng với đó, lợi thế gần mặt hồ thủy điện rộng lớn, người dân trong xã được sự hỗ trợ, đầu tư của chính quyền địa phương đã phát triển hàng trăm lồng bè nuôi cá trên lòng hồ. Một số hộ mở dịch vụ tham quan, ăn uống ngay trên lồng bè nuôi cá của gia đình mình. Du khách được tận hưởng cảm giác mát mẻ bên dòng nước trong vắt và thưởng thức vị ngon lạ của những món ăn dân tộc như cá nướng, cá bống vùi tro, canh bon, cơm lam...
Với những chiến lược phù hợp để phát huy hiệu quả, bền vững thủy điện vừa và nhỏ, Lai Châu cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình đầu tư, xây dựng.
Từ công tác lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thi công xây dựng công trình cho đến quản lý vận hành… phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình. Ngoài ra, cần bảo đảm chất lượng công trình cũng như phải có kịch bản ứng phó liên quan đến các sự cố đập và giảm nhẹ thiên tai cho cộng đồng.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát quy hoạch, rà soát các công trình đang triển khai xây dựng để đảm bảo chất lượng, an toàn công trình và đáp ứng yêu cầu về môi trường.
Đối với chủ đầu tư thực hiện không nghiêm túc các yêu cầu đảm bảo chất lượng, an toàn công trình và đáp ứng yêu cầu về môi trường, cần kiên quyết yêu cầu dừng thi công để khắc phục. Đồng thời, rà soát các dự án đã được cấp phép nhưng chưa triển khai, nếu năng lực của chủ đầu tư không đảm bảo theo quy định cần thu hồi dự án.
Với các dự án đã hoàn thành nhưng chưa thực hiện đủ các yêu cầu của pháp luật quy định sẽ không cấp phép hoạt động điện lực…
Quỳnh Nga